Vụ nổ vũ trụ làm "lóa" các thiết bị không gian vào cuối năm ngoái có thể là vụ nổ sáng nhất từng thấy.
Vụ nổ xảy ra cách Trái đất 2 tỷ năm ánh sáng, tạo ra bức xạ cường độ cao quét qua hệ Mặt trời vào tháng Mười năm ngoái.
Sự kiện này, được gọi là vụ nổ tia gamma GRB 221009A, đã kích hoạt máy dò trên nhiều tàu vũ trụ.
Vụ nổ tia gamma xảy ra khi một ngôi sao khổng lồ chết đi, phát nổ như một siêu tân tinh và sụp đổ thành lỗ đen. Nó phun ra các dòng tia với tốc độ ánh sáng trong vũ trụ. Chúng là các sự kiện phát ra bức xạ điện từ sáng nhất được biết đến trong vũ trụ.
Tuy chúng chỉ kéo dài vài giây, song vụ nổ đã tạo ra nguồn năng lượng sánh ngang với số năng lượng mà Mặt trời sẽ phát ra trong toàn bộ sự tồn tại của mình.
Vụ nổ này làm "lóa" hầu hết kính viễn vọng tia gamma trong vũ trụ - đây là các thiết bị phát hiện tia gamma từ những nguồn bên ngoài Trái đất. Chính vì thế, các nhà thiên văn không thể đo lường cường độ thực sự phát ra, những vụ nổ tương tự 10 nghìn năm mới xảy ra một lần.
Các nhà khoa học đã tái dựng tình trạng tiêu hao năng lượng từ dữ liệu quá khứ và hiện tại, phân tích hơn 7.000 vụ nổ tia gamma, và kết quả cho thấy GRB 221009A sáng gấp 70 lần so với bất kỳ vụ nổ nào từng xảy ra.
Theo Cơ quan vũ trụ châu Âu, vụ nổ này giải phóng khoảng một gigawatt vào thượng tầng khí quyển của Trái đất - tương đương với sản lượng của một nhà máy điện.
Các nhà thiên văn tin rằng GRB 221009A là kết quả của việc một ngôi sao khổng lồ tự sụp đổ để hình thành một hố đen, và dự đoán ngôi sao này có thể lớn hơn mặt trời gấp 20 lần hoặc hơn.
Như đã nói ở trên, các vụ nổ tia gamma tạo ra siêu tân tinh, song các nhà thiên văn vẫn chưa xác định được liệu nó có xuất hiện trong trường hợp này hay không và đang tiếp tục theo dõi.
Thông thường, theo sau các vụ nổ tia gamma sẽ là sóng xung kích, phát ra bức xạ năng lượng thấp hơn, nó được gọi là dư quang và sẽ dần phai nhạt theo thời gian.
Người ta cho rằng GRB 221009A sáng như vậy là bởi nó gần Trái đất hơn rất nhiều so với các vụ nổ tia gamma khác mà chúng ta đã biết, và tình cờ là chùm bức xạ điện từ hướng về hành tinh của chúng ta.
Nguồn:
Ngọc Lân theo theguardian