Sản xuất khi dịch bệnh bùng phát, doanh nghiệp không chỉ đối diện với sự đảo lộn về nhân sự, quy trình, đứt gãy chuỗi cung ứng mà còn nhiều chi phí đội lên. Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamit - có cơ sở sản xuất tại hai tâm dịch (Bình Dương và TP.HCM) chia sẻ với KH&PT về quãng thời gian chèo lái giữa khủng hoảng này.


Vinamit: Chèo lái giữa khủng hoảngÔng Nguyễn Lâm Viên.
Ông Nguyễn Lâm Viên.

Trong tọa đàm gần đây với Trung tâm nghiên cứu Kinh Doanh và Hỗ trợ Doanh Nghiệp (BSA), ông có kể rằng có những thời điểm khi có một - hai nhân viên văn phòng mắc COVID, công ty căng thẳng tới mức trong nhiều cuộc họp chủ yếu chỉ bàn chuyện COVID, chuyện kinh doanh chỉ bàn được 5-10 phút. Từ khi dịch bệnh bùng phát, công ty ông xáo trộn đến mức nào?

Thực ra với những doanh nghiệp sản xuất thực phẩm như của chúng tôi thì đáng lẽ ra sẽ ổn định hơn các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, phải nói quả thực là có một sự gãy đổ, xáo trộn, đứt đoạn toàn bộ quy trình thông thường của mình. Và chắc chắn là tất cả các doanh nghiệp ở miền Nam đợt vừa rồi đều đã trải qua sự xáo trộn như vậy.

Thứ nhất là xáo trộn về nguồn cung đầu vào. Hầu như tất cả các doanh nghiệp làm việc với mình đều có trường hợp bị nhiễm hết và phải đóng cửa, trong đó có những xưởng quen mà mình đã đặt hàng từ bao nhiêu năm nay. Như vậy thì tất cả chuỗi cung ứng hàng hóa và phụ liệu của mình đều bị “gãy” hết. Mình phải tìm cơ sở cung cấp khác, nhưng bao bì, phụ liệu đều phải có khuôn mẫu riêng, đùng một cái phải chuyển sang nhà cung cấp khác thì máy móc của họ sao đáp ứng được yêu cầu của mình. Chưa kể đến, các công ty hợp tác với chúng tôi hầu như đều ở tỉnh nên việc vận chuyển phụ liệu rất khó khăn, vì chỉ có hàng thiết yếu được đi thôi còn hàng không thiết yếu thì rất khó.

Thứ hai, một vấn đề rất quan trọng là nhân lực. Thời gian vừa rồi để có thể hoạt động thì các doanh nghiệp phải áp dụng ba tại chỗ, vậy nên những nhân viên có gia đình nghỉ hết, nhân lực làm việc trong nhà máy chỉ còn khoảng 1/3 thôi.

Thứ ba là xáo trộn về nhu cầu của người tiêu dùng. Mỗi khi nghe có lệnh giãn cách thì nhu cầu thực phẩm của xã hội tăng lên đột biến ngay tức khắc, có giai đoạn tăng đến mười lần. Người tiêu dùng tăng tốc đi mua bằng cả hình thức online, offline và tất cả trở nên quá tải. Nhưng khi bắt đầu áp dụng các chỉ thị giãn cách, phong tỏa thì ngay lập tức nhu cầu “đứng” lại, các siêu thị, hệ thống buôn bán đóng cửa. Dĩ nhiên vẫn có những đội đi chợ hộ và phân phối thực phẩm cho người dân, nhưng lúc này lượng mua rất ít, chỉ được 10-20% sản lượng bình thường của mình thôi.

Thứ tư là vấn đề xuất nhập khẩu hàng hóa. Hàng từ cảng về là “bó tay” rồi, hầu như đều phải lưu kho từ 30-50 ngày hết. Xe hàng đi ra cảng cũng “bó tay” luôn, không xuất đi được, mà vậy thì cũng sẽ làm ảnh hưởng đến cả chuỗi của hệ thống.

Vinamit đã làm gì để vượt qua sự đứt gãy và khủng hoảng như vậy?

Thực ra, đợt dịch cũng là một cơ hội cho chúng tôi thấy được: Thứ nhất là mô hình làm việc không cần đến văn phòng, họp online nhưng vẫn có thể đảm bảo hiệu quả công việc.

Thứ hai là điều hành số để hoạt động có hiệu quả hơn. Do giờ đây nhân viên và lãnh đạo không gặp được nhau nên tính hiệu quả của báo cáo số, dữ liệu số rất quan trọng. Nó giúp người lãnh đạo cao nhất bao quát được toàn bộ bức tranh hiện trạng doanh nghiệp và đưa ra quyết định chuẩn xác hơn.

Còn ở tại nhà máy, do số lượng con người còn rất ít, thế nên cái gì có thể sử dụng được máy móc, tự động hóa là mình phải nghĩ cách đưa vào áp dụng ngay. Hoặc là phải làm sao để cho mọi thứ đơn giản hơn. Chẳng hạn như bây giờ, các phòng ban rất phức tạp trước đây như QC (quality control), QA (quality assurance) thay vì ngồi trên văn phòng thì sẽ cùng xuống làm việc chung và kiểm tra ngay tại chỗ ở nhà máy. Tức là chúng tôi phải có rất nhiều sáng kiến để làm sao tối giản hóa và đưa tất cả những yếu tổ kỹ thuật có thể hỗ trợ được hoạt động sản xuất vào ngay tức khắc để giúp cho các bạn nhân viên làm gọn hơn. Đó là những điều bắt buộc các nhà máy cần phải làm trong bối cảnh dịch bệnh.

Và chúng tôi cũng bắt buộc phải nghĩ tới một kế hoạch mới, đó là xây dựng những nhà máy làm bao bì cho chính mình để chủ động hơn trong sản xuất, giảm bớt những rủi ro có xảy ra. Nhưng tất nhiên là điều này còn đang phải bàn rất nhiều chứ chưa áp dụng được ngay.

Ngoài ra, trung tâm sinh học của chúng tôi cũng phải làm việc và sáng tạo nhiều hơn để nghiên cứu và ứng dụng các hoạt chất sinh học giúp nâng cao hệ miễn dịch và tăng sức đề kháng.


Bên trong nhà máy Vinamit. Ảnh: NVCC

Những ngày gần đây, TP HCM và khu vực lân cận đang rất lo thiếu nhân lực vì người di cư trở về quê. Với Vinamit thì sao?

Có thể thấy, dù người lao động được động viên ở lại thành phố để khôi phục hoạt động sản xuất, nhưng vừa qua sau vài ngày được nới lỏng thì lượng người đi về các tỉnh đã lên mấy ngàn người rồi, và nó vẫn đang tiếp diễn chứ chưa dừng lại.

Vấn đề không chỉ ở việc có những người lao động mất việc, mất thu nhập, mà chúng ta có thấy rằng đang có tâm lý bất an, lo lắng ở người lao động. Hầu hết nhân viên của tôi ở các tỉnh khác. Doanh nghiệp chúng tôi có thực hiện khảo sát và có 90% nhân viên của tôi mong muốn được về nhà, họ không biết ở lại thì tình hình sẽ như thế nào.

Chính những tâm lý đó sẽ rất khó cho các nhà máy sản xuất khi cần phải thu hút nguồn nhân lực về làm việc trở lại. Tôi cho rằng nếu có mở cửa lại thì cũng phải mất ít nhất 1-2 năm may ra mới có thể ổn định được.

Do vậy, tôi nghĩ phải làm sao bình thường hóa được chuyện đi làm cho tất cả người dân trong thành phố cũng như từ tỉnh khác về đây thì tâm lý người lao động mới trở lại bình thường và mới có thể thu hút nhân lực, giúp doanh nghiệp tăng trưởng được.

Tuy nhiên về vấn đề nhân lực của doanh nghiệp thì thực sự mà nói là vừa qua chúng tôi chẳng có thể làm gì để vượt qua được. Kể cả có hỗ trợ chỗ ăn, ngủ tốt đi chăng nữa, mình chỉ động viên nhân viên, những ai có thể làm ba tại chỗ được thì tham gia làm thôi chứ không thể bắt buộc được. Vừa rồi một nhóm kỹ sư trẻ là lực lượng nòng cốt mà chúng tôi đã đầu tư vào trong suốt hai năm nay cũng đã xin nghỉ.

Mô hình ba tại chỗ liệu có phù hợp với doanh nghiệp trong vùng dịch như Vinamit?

Mô hình này thật ra là không phù hợp với điều kiện sản xuất, và tôi cho rằng ở bất kỳ doanh nghiệp nào cũng vậy. Vì mỗi cá nhân cần phải có một không gian để sinh hoạt cá nhân, tắm rửa, giặt giũ, ăn uống. Chúng tôi may mắn là trước đây khi xây dựng nhà máy đã xây dựng sân thể thao, nơi nghỉ ngơi, hồ bơi, thế nên có thể đảm bảo điều kiện sinh hoạt và môi trường thông thoáng cho nhân viên.

Nhưng với nhiều doanh nghiệp, bây giờ đùng một cái sản xuất ba tại chỗ với số lượng cả vài ngàn con người, làm sao có ngân sách và không gian để xây dựng. Bởi vậy nhiều nơi hoặc là dừng hoạt động, hoặc là thực hiện ba tại chỗ theo kiểu đối phó thôi, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Họ phải bắc lều, để trong những nhà kho, hay để công nhân ăn ngủ ngay tại khu vực bàn làm việc, cho công nhân giặt giũ, ăn uống tập thể. Về mặt y tế, vệ sinh như vậy là hoàn toàn sai và rất nguy hiểm. Với những với điều kiện như vậy, công nhân không nhiễm bệnh mới lạ.

Cho nên tôi khó có thể đồng tình với chủ trương này và cho rằng chính sách đó đang nhìn theo hướng của những đơn vị có điều kiện. Và kể cả có điều kiện thì việc duy trì sản xuất theo mô hình này cũng không thể kéo dài mãi, bởi vì tới bốn tháng là sức lực của người ta cũng đến giới hạn rồi.

Chưa kể có rất nhiều nguồn lây mà ngay cả Bộ Y tế cũng chưa có hướng dẫn, ví dụ như đồ đạc mua qua shipper mang tới rồi mang vào trong nhà, xịt bao ngoài nhưng bao trong không xịt, bị lây nhiễm mà không biết. Khi lây nhiễm thì thành một ổ dịch liền ngay tức khắc. Cho nên nhà máy tôi đặt ra nguyên tắc tránh va chạm tối đa, tất cả đồ đạc bên ngoài đưa vào nhà máy là phải khử trùng một tiếng mới cho mang vào. Và trong lúc căng thẳng thì tụi tôi hầu như cách ly hoàn toàn với người bên ngoài, thậm chí ngay văn phòng cũng không cho ai tiếp xúc đi vào, ngay cả những người sửa máy móc, bơm, bảo trì thang máy là đều dừng hết để kiểm soát không cho người lạ vào. Tức là tự mình phải có quy trình an toàn phù hợp với điều kiện nhà máy của mình.

Vậy nên tôi cho rằng không nên áp dụng quy định ba tại chỗ một cách cứng nhắc cho tất cả các doanh nghiệp muốn hoạt động, mà nên để họ tự có phương án giải quyết và chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất và sự an toàn của người lao động mình.

Còn về vấn đề kinh phí phát sinh thêm khi áp dụng thì khỏi phải bàn rồi: bình thường chỉ cần chi phí nhiều lắm là một bữa cơm thôi, còn bây giờ là chi phí sinh hoạt cả ngày.

Có những điều gì mà doanh nghiệp không thể tự giải quyết được mà phải cần các cơ quan quản lý tháo gỡ?

Thực ra doanh nghiệp muốn thu hút nguồn nhân lực thì rất đơn giản thôi, chỉ cần có các chế độ, chính sách lương thưởng và con đường thăng tiến cho người lao động. Nhưng có những vấn đề nằm ngoài khả năng của doanh nghiệp mà cần chính sách của của nhà nước. Ví dụ như chuyện làm sao để chúng ta có thể giải tỏa tâm lý, tạo sự thoải mái, an tâm cho người lao động. Hoặc nếu chúng ta vẫn còn đòi hỏi những yêu cầu rất khó thực hiện cho việc đi làm liên tỉnh thì doanh nghiệp cũng không thể tự giải quyết được.

Chưa kể một rào cản rất lớn khác là gánh nặng với bất kỳ doanh nghiệp nào đó là chuyện xét nghiệm COVID cho người lao động. Các nhân viên của tôi làm việc ở siêu thị dù đã tiêm chủng rồi nhưng vẫn bị yêu cầu phải có giấy xét nghiệm mỗi ba ngày một lần, nếu không có thì không được vào. Còn tại nhà máy, với số lượng công nhân lên đến hàng nghìn, việc xét nghiệm cứ ba ngày hay một tuần một lần mất rất nhiều thời gian và chi phí. Chưa kể đến, nó còn có thể lây nhiễm chéo và tạo tâm lý hoang mang, né tránh cho người lao động. Đây là rào cản rất lớn vượt ngoài khả năng của một doanh nghiệp có thể giải quyết.

Nếu các doanh nghiệp được tự chịu trách nhiệm và giữ an toàn cho người lao động mà không ảnh hưởng tới xã hội thì đó là điều rất cần thiết, bởi mỗi doanh nghiệp, ngành hàng lại có đặc thù riêng.

Tất cả những vướng mắc trong thời gian vừa rồi đã dẫn đến sự lo lắng, khủng hoảng mà chưa bao giờ chúng tôi phải đón nhận. Trước đây, khi doanh nghiệp gặp vấn đề thì ngay lập tức sẽ có những giải pháp để giải quyết, cùng lắm chỉ kéo dài khoảng một tháng là chấm hết. Nhưng lần này sự căng thẳng đó kéo dài rất lâu và nếu tiếp tục như thế này thì thực sự nó vẫn chưa có một lối thoát nếu như không có chủ trương nhất quán về việc mở cửa, mở theo đúng lộ trình của nhà nước được.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!