Imagining Extinction: The Cultural Meanings of Endangered Species là một trong những công trình mới nhất và xuất sắc nhất của nhà phê bình sinh thái Ursula Heise, ghi dấu quá trình quan sát lâu dài cùng những trăn trở của chính tác giả về một hiện tượng nổi trội và thu hút rộng rãi các mối quan tâm đương đại: Tuyệt chủng.

Ngày nay, hình ảnh của những loài vật nguy cấp có thể được bắt gặp ở bất cứ đâu - trên các phương tiện truyền thông và cả những vật phẩm đại chúng như túi xách, quần áo, đồ chơi trẻ em… Nhưng liệu đây có phải là một phương cách hiệu quả để đánh thức mối quan tâm của tất cả chúng ta tới các giống loài đang trên đà tuyệt chủng hay không?

Cuốn sách do Nxb Đại học Chicago ấn hành năm 2016. Nguồn: INT

Chỉ tính trong một thập kỉ trở lại đây, vô số những cuốn sách phổ thông và học thuật đã được xuất bản hòng tìm cách thuyết phục độc giả rằng tình trạng mất đa dạng sinh học hiện nay là một cuộc khủng hoảng lớn mà mọi người cần quan tâm và hành động nhiều hơn nữa. Trong Imagining Extinction, Ursula Heise khẳng định, đó là những mục tiêu hợp lệ và quan trọng. Nhưng điểm đáng nói là, khối tư liệu khổng lồ ấy, dưới con mắt sắc sảo của bà, có thể được tóm tắt chỉ bằng một vài mẫu thức tự sự không có gì mới mẻ.

Như Heise nhận ra, ý niệm về cuộc tuyệt chủng hàng loạt đang diễn ra đã được đại chúng hóa và đại trà hóa tới mức những cụm từ như “Loài X cuối cùng”, “Tìm kiếm loài Y”, hoặc “Cuộc đua để cứu loài Z” trở nên quá sức quen thuộc.

Hầu hết những cuốn sách và bộ phim về những giống loài nguy cấp đều tuân thủ một mô hình chung như sau: nó vừa đưa ra những cái kết bi thương mang màu sắc tận thế về tương lai của động vật hoang dã; vừa chèn thêm một hoặc hai phân đoạn lạc quan trong phần kết thúc, chỉ rõ những phương thức bảo tồn thành công và khuyến khích độc giả tham gia hành động. Theo Heise, công thức quen nhàm đó không đủ để tiếp tục truyền cảm hứng, mặc dù không thể phủ nhận những nỗ lực rốt ráo và đòi hỏi thay đổi được thể hiện rõ nét trong các tác phẩm này. Sự hiện diện mọi lúc mọi nơi của các loài có nguy cơ tuyệt chủng - từ giấy gói socola ở siêu thị và thú nhồi bông trong các cửa hàng, đến các vật phẩm trưng bày trong bảo tàng và những bức ảnh trên các cuốn lịch thường niên, cả tin tức rộng rãi về một chú gấu Bắc cực mới sinh hay những con gấu trúc già vừa qua đời, hay những bộ phim của David Attenborough và các bản giao hưởng của Lee Hyla về chim gõ kiến mỏ ngà… – tất cả đang biến cuộc đại tuyệt chủng thành một hiện tượng văn hóa đại chúng.

Ursula Heise, do đó, hết sức tỉnh táo khi nhận ra: ngay chính lúc ý niệm về tuyệt chủng nói chung và về cuộc Đại tuyệt chủng lần thứ sáu đang diễn ra nói riêng được thừa nhận, nó đã là một sản phẩm của văn hóa và được hình thành trong những bộ khung văn hóa lớn hơn, chứ không đơn thuần là những khái niệm thuần túy thuộc lĩnh vực khoa học. Bà nhấn mạnh, “tuyệt chủng”, trước hết là một ý niệm văn hóa, và các cuộc hội thảo khoa học cũng như bàn luận chính trị xung quanh tuyệt chủng cũng được hình thành trong các bối cảnh văn hóa và thông qua các dạng thức văn hóa cụ thể.

Luận điểm trung tâm mà Heise muốn đưa ra trong Hình dung về tuyệt chủng, bởi vậy, là một sự chất vấn trở lại đối với khái niệm tuyệt chủng, dù được khởi xướng và sử dụng như một mối quan tâm sâu sắc tới tự nhiên, nhưng lại thường xuyên không tránh khỏi việc bị “nhân loại trung tâm luận hóa” hay bị dung nhập vào văn hóa. Nói khác đi, đa dạng sinh học, các giống loài nguy cấp và sự tuyệt chủng trước tiên là các vấn đề văn hóa, và thứ đến mới là những vấn đề khoa học.

Heise dẫn lại ý của Jon Mooallem – nhà báo chuyên viết về mối quan hệ giữa con người và động vật - khi ông cho rằng, những nỗ lực hiện tại để quản lý động vật hoang dã ở Mỹ thật chẳng khác gì “một dạng thức siêu thực của nghệ thuật trình diễn”: “Chúng ta đào tạo chim điêu để chúng không đậu trên đường dây điện”, ông viết. “Chúng ta chích vaccine dịch hạch cho chồn sương. Chúng ta bắn những con cú không được xếp loại để nhường chỗ trong rừng cho những con cú được đánh dấu và theo dõi. Chúng ta giám sát thỏ pygmy với máy ảnh hồng ngoại và máy bay không người lái quân sự. Chúng ta ôm những con kỳ giông trong tay để giúp chúng di cư qua những con đường đông đúc xe cộ (...) Tất cả mọi người từ những cô cậu học sinh cho đến những bậc hưu trí, từ các phòng thí nghiệm đến Công binh Lục quân Hoa Kỳ đều tự nguyện tham gia diễn tập công phu để trao phát cho động vật nguy cấp một cơ hội sống cuối cùng. Chúng ta dành rất nhiều sức lực và ngân sách để cứu gấu Bắc cực, trong khi nơi sinh sống của chúng đang tan chảy và rất có thể chúng đang tìm cách giao phối với những con gấu xám di cư về phương bắc; chúng ta dùng máy bay chỉ đường cho sếu Mỹ qua hàng trăm dặm để đến những nơi cư trú mùa hè mà rất có thể sẽ bị nhấn chìm bởi nước biển dâng trong tương lai gần...”. Nghĩa là, mặc dù những nỗ lực này thường được thực hiện nhân danh tự nhiên và đòi hỏi phục hồi đời sống hoang dã trước đây, chúng thực chất lại gần hơn với việc cố xây dựng các tập hợp tự nhiên thay thế và dựa trên các thôi thúc về mặt văn hóa hơn là khoa học.

Thêm một luận điểm không kém phần quan trọng trong Hình dung về tuyệt chủng, là việc Heise nhận ra rằng, phương thức hình dung phổ quát nhất được các văn bản văn hóa sử dụng khi nói về tuyệt chủng là các mô hình tự sự của thể bi ca và bi kịch. Những câu chuyện về sự suy tàn của sinh giới thường tìm cách làm rung động cảm xúc độc giả thông qua lối kể than van và âm hưởng u sầu, tang tóc về cái chết hay những tồn tại cuối cùng của một giống loài.

Nếu như Freud coi u sầu là một trạng thái bệnh lí cần phải vượt qua, thì ngược lại, các nhà tư tưởng đương đại tìm cách bù đắp nó. Các nhà hoạt động môi trường công khai thương tiếc cho sự mất đi của những tồn tại phi nhân, những giống loài động-thực vật, những nơi chốn, thậm chí cả những quy trình vận hành (một số dạng thức thời tiết, sự thay đổi của các mùa, sự di cư của động vật) vốn thường bị coi là đối tượng không thích hợp để khiến chúng ta cảm thấy đau buồn, tới mức nỗi buồn, tới bây giờ, có thể coi là không thể thiếu trong thế giới quan môi trường luận. Heise hoàn toàn đúng khi nói, sự than khóc của các nhà môi trường đã trở thành một thứ được sản xuất hàng loạt theo những cách khác nhau, gắn với nhiều dạng thức khác nhau của niềm khao khát và niềm hoài nhớ hướng về sinh thái. Nỗi đau buồn trước tình trạng tuyệt diệt của tự nhiên đóng vai trò như một chất xúc tác cảm xúc mạnh mẽ trong suy nghĩ và tác phẩm của gần như mọi nhà bảo vệ môi trường.

Và Heise ý thức được rằng, đã tới lúc những mô thức kể chuyện và tạo hình này cần được bổ sung, nếu không muốn nói là thay thế. Sự quá thừa mứa những diễn ngôn bi thương và hoài niệm đã làm mất dần đi hiệu quả và năng lực chính trị của chính những lời kêu gọi và khiến công chúng trở nên chai sạn.

Thêm vào đó, Heise lo lắng, việc con người chuyển từ địa vị thống trị tự nhiên sang lãnh trách nhiệm quan tâm chăm sóc tự nhiên, thực chất, vẫn chưa phải là một động thái công bằng. Bởi, dù hành vi này nghe có vẻ nặng tính đạo đức, nó chủ yếu vẫn được khơi gợi từ cảm thức về một thứ quyền lực tuyệt đối trước sự sống chứ không phải một thái độ trân trọng sự sống. Nói cách khác, sự sống tự nhiên vẫn được coi như một cái gì bên ngoài bản thân chúng ta, và bảo vệ nó là cách chúng ta khẳng định mình thông qua việc bảo trợ “kẻ khác”. Trái lại, với bà, cử chỉ sinh thái thiết yếu đầu tiên mà mỗi chúng ta cần ý thức là “sống và định vị mình như là những tồn tại giữa những tồn tại sống khác trong một môi trường cho phép sự sống tồn tại và sinh sôi”.

Ursula Heise, từ đó, đã thử đề xuất: thay vì bi kịch, phải chăng hài kịch là một động thái hướng nhiều tới sự sống hơn? Bà dẫn lại quan điểm của nhà sinh thái học nhân văn Joseph Meeker trong The Comedy of Survival (Hài kịch sinh tồn), khi ông cho rằng bi kịch, bằng việc tập trung vào sự sa ngã không thể cứu vãn của con người, vẫn có thiên hướng nhân sinh trung tâm luận cố hữu. Trong khi đó, hài kịch, nhấn mạnh vào sự tái sinh và vào những gì vui tươi hơn, lại đặt nền tảng trên một kiến trúc mang tính sinh thái hơn: “Tính hài trong văn chương dựa trên sự mất thăng bằng và nhưng lại gợi mở khả năng phục hồi chính sự cân bằng. Bất cứ nơi nào những tiến trình thông thường của đời sống bị cản trở một cách phi lí, sự vui tươi hài hước của hài kịch sẽ giúp chúng ta tìm được cách để trở về với trạng thái bình thường” (Meeker). Nói cách khác, Heise tin rằng, tính hài là cách để vượt qua những than trách tiếc thương cùng hoài niệm đắm chìm, từ đó, có được một cái nhìn mạnh mẽ và sáng rõ hơn về tương lai sinh học của chính chúng ta.

Phê bình sinh thái (Ecocriticism) manh nha vào khoảng thập niên 1980, bắt nguồn từ ý thức phản tư của giới nghiên cứu phê bình về cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu đang từng ngày diễn ra ngay trước mắt chúng ta.

Ra đời trong nỗi lo âu, sự tự vấn và mặc cảm tội lỗi của con người trước hành động của chính mình, Phê bình sinh thái đặc biệt nhấn mạnh vào khía cạnh đạo đức sinh tồn. Các nhà lí thuyết không ngừng nhắc nhở, đã đến lúc phải nhìn nhận lại mọi chi phí thực tế mà con người từng cố tình lấp liếm, che giấu; không chỉ trong các hệ thống phân cấp bất bình đẳng giữa người với người, mà còn trong mối quan hệ của nó với thế giới tự nhiên.

Ursula Heise (1960) là một trong những nhà phê bình sinh thái hàng đầu hiện nay. Các tác phẩm của bà đặt ra những câu hỏi triết học hóc búa có khả năng cật vấn lại ngay cả những hoạt động môi trường phổ biến và thường được cho là nghiễm nhiên. Bà cũng là nhà phê bình tiên phong đặt lại vấn đề về tuyệt chủng và các tạo dựng văn hóa về nó. Nguồn: dailybruin.com