Nghiên cứu mới đã xác định được một hợp chất có thể trở thành dạng thuốc viên điều trị sốt xuất huyết - căn bệnh hơn 400 triệu người mắc và khoảng 25.000 người trong số đó thiệt mang mỗi năm trên toàn cầu.

Nói về hợp chất có thể ngăn chặn sự nhân lên của virus sốt xuất huyết trong điều kiện ống nghiệm và trên chuột, Jenny Low, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đa khoa Singapore, cho biết, nếu hợp chất này phát huy tác dụng trong các thử nghiệm lâm sàng ở người, thuốc điều trị sốt xuất huyết có thể sớm xuất hiện tại các phòng khám. "Phát hiện này sẽ rất quan trọng đối với các nước đang phát triển, nơi bệnh sốt xuất huyết vẫn hoành hành," Low nói.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu bệnh sốt xuất huyết đã nghỉ hưu Scott Halstead, trước đây làm việc tại Đại học Y khoa Quân đội Mỹ, cảnh báo: “Kinh nghiệm cho thấy loại dữ liệu trong phòng thí nghiệm hoặc thậm chí là dữ liệu mô hình chuột như được trích dẫn ở đây không phải là một yếu tố dự đoán đáng tin cậy về tác dụng thực tế."

Bệnh sốt xuất huyết, lây lan qua muỗi, phát triển mạnh ở các khu vực thành thị, hàng năm lây nhiễm cho hơn 400 triệu người, chủ yếu ở châu Á và châu Mỹ Latinh. Hầu hết các ca bệnh đều nhẹ và bệnh nhân tự hồi phục, nhưng ước tính có khoảng 96 triệu người bị sốt nặng, phát ban và đau nhức cơ và khớp có thể kéo dài khoảng một tuần.

Virus sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh; bệnh nhân tái nhiễm nhiễm sốt xuất huyết do một virus chủng huyết thanh khác so với lần đầu gây ra sẽ có nguy cơ xuất huyết trong và tử vong cao hơn. Không có thuốc điều trị. Trong các đợt bùng phát, nhiều bệnh nhân bị sốt xuất huyết nặng phải nhờ đến sự chăm sóc của bệnh viện để kiểm soát các triệu chứng đe dọa tính mạng.

Việc phát triển một vaccine sốt xuất huyết đồng thời chống lại cả bốn chủng huyết thanh của virus vẫn chưa thành công sau nhiều thập kỷ. Johan Neyts, nhà virus học tại Đại học KU Leuven, Bỉ, người đứng đầu nghiên cứu mới, cho biết: “Tìm ra một loại thuốc có hoạt tính cân bằng chống lại cả bốn giống như mò kim đáy bể."

Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại một bệnh viện ở Lahore trong đợt bùng phát gần đây ở tỉnh Punjab của Pakistan.

Bắt đầu từ năm 2009, nhóm của Neyts đã sàng lọc hàng chục nghìn phân tử nhỏ để tìm hoạt tính chống sốt xuất huyết bằng một quy trình tự động. Các nhà hóa học đã tinh chỉnh một số phân tử mà họ tìm thấy, tạo ra hơn 2000 hợp chất để thử nghiệm thêm. Một trong số đó, tên là JNJ-A07, cuối cùng đã chứng minh được khả năng chống lại cả bốn chủng huyết thanh trong các thí nghiệm.

Tiếp theo, các nhà nghiên cứu thử nghiệm hợp chất này trên chuột, cả trước và sau khi bị nhiễm trùng sốt xuất huyết, để xem liệu thuốc có tác dụng như một phương pháp điều trị hay một phương pháp dự phòng không. Kết quả, ở cả hai trường hợp, thuốc đều có “hiệu quả cao” trong việc giảm tải lượng virus và độ nghiêm trọng của bệnh do virus gây ra, nhóm nghiên cứu báo cáo trên tạp chí Nature.

Các nghiên cứu sâu hơn trong phòng thí nghiệm cho thấy JNJ-A07 ngăn chặn hoạt động của một tập hợp gồm năm protein tương tác với nhau để cho phép virus sốt xuất huyết tự sao chép bên trong tế bào.

Một nhược điểm là để có hiệu quả tối ưu, thuốc phải được sử dụng trong vòng vài ngày sau khi bắt đầu có triệu chứng, trước khi virus đã nhân lên quá nhiều. Thực tế, nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết không tìm đến sự trợ giúp y tế cho đến ngày thứ ba hoặc thứ tư nhiễm bệnh. Cameron Simmons, nhà khoa học về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Monash, Clayton, nói: “Khung thời gian để hợp chất có thể tạo ra các lợi ích lâm sàng là rất ngắn."

“Nếu đợi quá lâu, thì đã quá muộn,” Neyts đồng ý. Việc triển khai loại thuốc này sẽ phải đi kèm với các chiến dịch đào tạo cho các bác sĩ và người dân về sốt xuất huyết. Ông nói, thuốc cũng có thể được sử dụng như một biện pháp dự phòng để giảm thiểu tác động của các đợt bùng phát sốt xuất huyết trong cộng đồng, hoặc ở những du khách đến thăm vùng có bệnh sốt xuất huyết.


Nguồn: