Việc Việt Nam – một trong những tác nhân chính của tình trạng ô nhiễm chất thải nhựa đại dương hiện nay, giảm thiểu phát thải nhựa sẽ không chỉ góp phần bảo vệ các vùng biển trên thế giới mà còn đem lại cơ hội sống trong môi trường trong sạch cho chính người dân.

Việt Nam - nguồn phát thải nhựa đại dương mới

Từ vài năm trước, giới khoa học quốc tế đã “truy dấu” Việt Nam là một trong những nguồn phát chất thải nhựa đại dương trên thế giới. Theo công bố “Rác thải nhựa từ đất liền đổ ra đại dương” (Plastic wasteinputs from land into the ocean) trên Science năm 2015 của một nhóm nhà nghiên cứu Mỹ và Australia, nếu chỉ tính riêng năm 2010 thì với số lượng khoảng 1,8 triệu tấn chất thải nhựa, Việt Nam xếp hạng 4 sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines trong danh sách 20 quốc gia có nhiều “đóng góp” nhất về lượng rác thải nhựa đại dương trên thế giới.

Đây không phải là con số ngẫu nhiên bởi năm 2015, tổ chức Bảo vệ đại dương (Ocean Conservancy) và Trung tâm thương mại và môi trường McKinsey công bố báo cáo thực hiện trong vòng 10 năm, trong đó cũng nêu kết quả tương tự: 60% chất thải nhựa đại dương đến từ 5 quốc gia Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam. Họ còn đưa ra dự báo: nếu không có biện pháp quản lý hay giảm thiểu hữu hiệu nào thì vào năm 2025, tương đương với 3 tấn cá đánh bắt được trên các đại dương, con người sẽ “nhồi” lại 1 tấn chất thải nhựa, và điều đó đồng nghĩa với việc đe dọa môi trường biển cũng như sinh kế của những người sống phụ thuộc vào nguồn hải sản đánh bắt.

Có lẽ không chờ đến những cảnh báo của các nhà khoa học, từ lâu cuộc sống của những người dân ven biển Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất thải nhựa. Chị Nguyễn Thị Phương, người sống trong một vạn chài hẻo lánh ở Thanh Hóa, đã chứng kiến ngôi làng của mình dần dần trở thành một bãi rác thải trong nhiều năm.

Trong khu rừng đước gần đó – nơi những người cùng làng vẫn thường lội bắt tôm sò - những túi nhựa trôi dạt theo thủy triều và bị mắc kẹt chằng chịt trên cây, còn trên gần 1km bờ biển ven làng ngập giày dép, vỏ bánh, ống nhựa, chai nước, lưới đánh cá rách, quần áo cũ… “Chúng tôi ngày càng khó đánh bắt được tôm và cá hơn”, anh Vũ Quốc Việt – một ngư dân trong làng, từng nói với phóng viên AFP như vậy. Mỗi khi kéo lưới, anh thường xuyên thấy các loại chai nhựa, ống nước trong lưới còn số lượng cá giảm đi đáng kể.

Rác thải nhựa ở bờ biển miền Trung. Ảnh: dantricdn.com

Cùng với ảnh hưởng đến sinh kế hằng ngày, rác thải nhựa còn khiến người dân ở đây thấy ngộp thở. Chị Phương than thở về nỗi khổ hằng ngày phải sống giữa bầu không khí ngột ngạt, quyện mùi rác thải đang phân hủy và mùi cá biển, “thật không còn chịu nổi nữa, mọi người đều vất rác tại đây… Giờ đây môi trường xung quanh quá ô nhiễm và không an toàn với bọn trẻ nữa”.

Không chỉ con người mà còn đời sống của các sinh vật biển khác cũng bị đe dọa. Không hiếm lần những người dân chài bắt được những con chim có dạ dày đầy túi nhựa, rùa biển bị vướng trong các mảnh lưới đánh cá bỏ đi…

Những rủi ro chưa lường trước

Những nguy hiểm mà người ta có thể chứng kiến như vậy chỉ là vấn đề nhỏ bởi “sự tác động của các hạt nhựa có kích thước rất nhỏ mà mắt thường chúng ta không thể thấy được thậm chí còn khủng khiếp hơn, trong khi khoa học mới chỉ bắt đầu khám phá về vấn đề này”, Michael Gross - một nhà báo khoa học Anh, cho biết.

Giáo sư Phạm Hùng Việt (ĐHQGHN) đồng tình với nhận định này. Theo công trình nghiên cứu mà ông tham gia cùng các nhà khoa học trường Đại học Liên Hợp Quốc (Nhật Bản) và nhiều nhà khoa học Đông Nam Á khác từ năm 2009, “Vận chuyển và giải phóng các chất từ nhựa ra môi trường và đời sống tự nhiên” (Transport and release of chemicals from plastics to the environment and to wildlife), thì những loại vi nhựa tìm thấy trong biển chứa rất nhiều chất gây ô nhiễm hữu cơ, bao gồm PCB, PBDE, hợp chất thơm đa vòng hydrocarbon, hydrocarbon từ dầu mỏ, thuốc trừ sâu…

Thông thường, nhựa là chất trơ sinh hóa nên không tương tác với hệ nội tiết và cũng không thể xâm nhập qua màng tế bào do kích thước lớn. Tuy nhiên, với kích thước nhỏ hơn thì chúng có thể xâm nhập vào các tế bào, tương tác với các phân tử sinh học và do đó có thể ảnh hưởng đến hệ nội tiết. “Chúng tôi đã tìm được bằng chứng về việc các hạt vi nhựa này có thể hấp thụ và tích tụ các hợp chất POPs (hợp chất hữu cơ khó phân hủy) từ môi trường biển cũng như bằng chứng về việc chúng xâm nhập vào cơ thể các sinh vật biển thông qua các con đường dinh dưỡng khác nhau”, ông cho biết thêm về kết quả công trình nghiên cứu này.

Nhựa trôi nổi trên các đại dương thường có thành phần rất phức tạp do chứa rất nhiều chất hóa học, kim loại, hợp chất… được đưa thêm vào trong quá trình sản xuất để tạo thêm nhiều tính năng cho các sản phẩm công nghiệp, ví dụ như germanium được dùng để những cái chai nhựa PET (chai nhựa có thành phần nhiệt nhựa dẻo polymer) có màu sắc trong hơn hay bromium để tạo ra nhựa cứng – thành phần trong các chi tiết thiết bị điện tử và đã bị Mỹ, châu Âu cấm sử dụng sau khi có một số nghiên cứu chỉ ra là có liên quan đến nhiều vấn đề về sức khỏe.

Tuy nhiên, ảnh hưởng đến sức khỏe của việc ăn các thực phẩm có nguyên liệu bị nhiễm vi nhựa vẫn còn chưa rõ ràng. Dù đã phát hiện vi nhựa có trong các mẫu mô của bộ lọc thức ăn loài vẹm, thịt cá nhưng các nhà nghiên cứu vẫn cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu nữa để xác định là “liệu mức độ nguy hiểm của nó với sức khỏe của con người là gì”, Jerker Tamelander – người điều hành chương trình bảo vệ rạn san hô thuộc Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc tại Bangkok, nhận xét với báo Nikkei Asia Review.

Không có công thức đúng trong mọi trường hợp

Mặc dù bắt đầu nhận thấy những tác hại của nhựa nhưng người ta vẫn buộc phải chấp nhận sự tồn tại của nó trong cuộc sống hằng ngày, thông qua việc sử dụng những dụng cụ y tế, đồ dùng sinh hoạt… Mặt khác, dù nỗ lực đi tìm một loại vật liệu mới có thể thay thế nhựa thì những sản phẩm nghiên cứu mới của các nhà khoa học vẫn chưa thể “đánh bại” thứ nguyên liệu hội tụ nhiều ưu điểm về độ bền, độ dẻo, độ linh hoạt và cả giá cả này.

Do đó, vấn đề hiện tại sẽ là tăng cường việc kiểm soát và thực hiện các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa ở các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia thuộc top đầu về phát thải nhựa đại dương như Việt Nam.

Theo tổ chức Ocean Conservancy, việc áp dụng các biện pháp kiểm soát và giảm thiểu chất thải nhựa này không dễ bởi nó phụ thuộc vào trình độ tổ chức của mỗi quốc gia và các giải pháp thường đòi hỏi chi phí cao.

Dự kiến, mỗi quốc gia trong nhóm 5 (Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan) sẽ phải mất tới 5 tỷ USD mỗi năm để có thể cắt giảm khoảng 45% tổng số chất thải nhựa trong vòng 10 năm tới. Ocean Conservancy đã đưa ra một số giải pháp mà theo họ là hữu ích và có thể thực hiện ngay: phân loại rác thải đầu nguồn để tái chế; mở rộng quy mô thu gom rác thải; quản lý các điểm thu gom và vận chuyển rác thải; chuyển đổi rác thải thành năng lượng…

Tuy nhiên, Ocean Conservancy cũng nhận thấy việc áp dụng các giải pháp này hiệu quả đến đâu còn phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng và nhận thức của từng quốc gia, không hề có một công thức tiếp cận đúng cho mọi trường hợp (one size fits all).

Điều này dường như đúng với trường hợp của Việt Nam. Những giải pháp tuy tưởng chừng đơn giản và không có gì mới nhưng lại ẩn chứa nhiều vấn đề phức tạp, ví dụ việc xử lý rác thải, phân loại rác thải đầu nguồn… đã được áp dụng trong nhiều năm qua nhưng tiến triển hết sức chậm chạp.

Ông Đặng Trang - Tổng Giám đốc Công ty Phụ liệu may Nha Trang, một công ty có nhà máy tái chế rác thải nhựa với công suất 5 tấn/ngày, từng cho biết trên báo Khánh Hòa online vào tháng 6/2018: công ty phải nhập rác thải nhựa làm nguyên liệu vì rác ở Việt Nam còn lẫn rác hữu cơ, chưa được phân loại từ nguồn và cơ chế thu gom rác thải nhựa chưa hiệu quả, còn phụ thuộc vào nhiều tầng, nấc. Vì thế, dù có nhiều rác thải nhựa trong môi trường nhưng nguyên liệu nhựa vẫn không dồi dào.

Thất bại của dự án phân loại rác thải đầu nguồn do JICA tài trợ thực hiện thí điểm tại 4 phường nội thành Hà Nội hơn 10 năm trước cho thấy, nguyên nhân là quy trình quản lý thiếu đồng bộ của các công ty môi trường và nhận thức của người dân trong phân loại rác thải đầu nguồn.

Bên cạnh đó, giải pháp chuyển đổi rác thải thành năng lượng vẫn còn gặp nhiều rào cản, mà “chủ yếu nhất là chưa đạt được thỏa thuận giữa chính quyền và các nhà đầu tư về chi phí xử lý rác do rác chưa được xử lý, phải cho thêm chất phụ gia và giá bán điện”, theo TS Nguyễn Xuân Quang (Viện Nhiệt điện lạnh, Đại học Bách khoa HN). Dẫu vậy, ngay cả khi đưa các nhà máy đốt rác phát điện vào vận hành thì Việt Nam cũng cần có được năng lực giám sát các mô hình công nghệ đó, vốn phần lớn đều được nhập từ nước ngoài.

Tại sao cần phải giám sát các nhà máy này? TS Nguyễn Xuân Quang giải thích, nếu không đạt được mức nhiệt độ tiêu chuẩn quy định trong quá trình gia nhiệt xử lý rác thì sẽ làm phát thải Dioxin, Furan - các hợp chất U POPs được chứng minh có hại với sức khỏe con người - ra môi trường, như vậy sẽ rơi vào tình trạng “lợi bất cập hại”. Về lâu dài thì việc áp dụng các công nghệ hiện đại của thế giới cần phải đi kèm với nội địa hóa các chi tiết, thiết bị đi kèm trong khi hiện tại, Việt Nam vẫn chưa thể tự chủ trong thiết kế, chế tạo những thiết bị quan trọng như hệ thống xử lý bụi, khử khí NOx, SOx..., hệ thống hấp thụ một số các hóa chất phát sinh khác.

Cũng lường trước được những khó khăn mà mỗi thành viên trong nhóm 5 quốc gia gặp phải, Ocean Conservancy cho rằng, để vượt qua được những khó khăn đó, chính quyền cần có năng lực quản lý và quy trình quản lý chất thải nhựa hiệu quả, đây là nguyên nhân khiến các quốc gia châu Âu và Mỹ sử dụng đồ nhựa nhiều hơn hẳn các quốc gia châu Á nhưng số lượng chất thải nhựa của họ lại thấp hơn.