Dự án xây kính viễn vọng TMT tại Hawaii đã trở thành một vụ kiện gây chú ý khắp nước Mỹ và trở thành cuộc tranh luận về bản sắc của cả một cộng đồng bản địa.

Trong ngày 30/10 vừa qua, tòa án tối cao của tiểu bang Hawaii – Mỹ đã ra phán quyết bác bỏ đơn kiện của các nhóm đại diện người Hawaii bản địa chống lại dự án xây dựng kính viễn vọng TMT (Kính viễn vọng 30m), qua đó mở đường cho việc xây dựng thấu kính này trên đỉnh núi Mauna Kea linh thiêng của người Hawaii.

Dự án kính viễn vọng TMT trị giá 1,4 tỷ USD được khởi động từ năm 2009, nhưng sau đó đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của nhiều người Hawaii bản địa và các nhà hoạt động môi trường – những người cho rằng việc xây dựng thêm một kính thiên văn trên đỉnh Mauna Kea sẽ xâm phạm vào sự linh thiêng của ngọn núi; ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng môi trường xung quanh vùng núi. Những cuộc biểu tình nổ ra và tranh cãi pháp lý liên quan đến giấy phép xây dựng khiến dự án bị đình chỉ từ năm 2015.

Sự việc bế tắc cho đến năm 2017, khi Ban giám đốc của Đại học Hawaii, đơn vị nắm quyền sở hữu pháp lý với ngọn núi, chấp thuận tiếp tục dự án. Vụ kiện lần này tại tòa tối cao tiểu bang là nỗ lực của các nhà hoạt động nhằm vô hiệu hóa sự cho phép đó.

Vụ kiện chống lại việc xây dựng TMT trong hơn 5 năm qua đã trở thành trung tâm của mâu thuẫn kéo dài nhiều năm về quyền của người bản địa thiểu số Hawaii ở tiểu bang này, trong đó chủ yếu là cách chính quyền đối xử với các di tích và nơi thờ tự của người bản địa.

Con đường dẫn lên đỉnh núi Mauna Kea hiện được bao quanh bởi 13 kính viễn vọng lớn nhỏ. Kính viễn vọng TMT dự kiến xây dựng sẽ có quy mô vượt xa các kính hiện có trên đỉnh núi. Nguồn: The Atlantic

Kính viễn vọng trên đỉnh núi thiêng

Đỉnh núi lửa Mauna Kea ở Đảo Lớn Hawaii được biết đến là đỉnh núi cao nhất thế giới nếu tính từ chân đến đỉnh, với chiều cao 10.200 m và 4.200 m trên mực nước biển. Một triệu năm trước, Mauna Kea nổi lên trên mặt biển qua nhiều đợt phun trào cho đến khi dừng hoạt động cách nay 5000 năm.

Từ khoảng năm 300 đến năm 800 SCN, những người Polynesia đã dong thuyền vượt biển Thái Bình Dương đến định cư tại quần đảo Hawaii. Đối với các thế hệ người Hawaii bản địa, đỉnh Mauna Kea được coi như đỉnh núi thiêng liêng nhất. Trong thuyền thuyết và tín ngưỡng của họ, Mauna Kea là con của Wākea – Cha Trời và Papahānaumoku – Mẹ Đất. Các nón núi lửa trên đỉnh núi được coi là nơi trú ngụ của các thần tổ akua như Poliʻahu (nữ thần tuyết), Kūkahau, Līlīnoe, và Waiau. Bởi vậy trong lịch sử, đỉnh núi này là cấm địa với hoạt động của con người, ngoại trừ các thầy cúng và tù trưởng người bản địa.

Nhưng khi người phương Tây đến thì quyền quản lý ngọn núi cũng như chủ quyền với quần đảo của người Hawaii bản địa đã bị tước bỏ. Sau hơn một thế kỷ tiếp xúc với người phương Tây, vương triều Kamehameha bản địa bị một nhóm các chủ đồn điền người Mỹ lật đổ, sau đó chính họ đã giúp sáp nhập quần đảo này vào lãnh thổ Hoa Kỳ năm 1898. Đỉnh núi Mauna Kea do đó được coi như “nhượng địa” cho Chính phủ Hoa Kỳ và sau đó được trường Đại học Hawaii quản lý.

Dự án kính viễn vọng TMT lần này là kết quả hợp tác của các tổ chức khoa học từ Hoa Kỳ, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ nhằm nghiên cứu về các “khoảng trống” của lịch sử vũ trụ, giai đoạn xuất hiện các nguồn ánh sáng đầu tiên, các thiên hà và lỗ đen cũng như sự hình thành của các hành tinh. Khi hoàn thành, TMT sẽ trở thành một trong những kính viễn vọng lớn nhất thế giới với chiều cao 18 tầng trên diện tích đất rộng 2 ha, bao gồm đường dẫn và bãi đậu xe – nổi bật hơn hẳn so với các kính viễn vọng khác trong khu vực.

Do đó, dự án lập tức gây bất bình trong nhiều người bản địa tại Hawaii, nơi phong trào phục hồi văn hóa truyền thống sau nhiều thập kỷ bị kìm hãm đang phát triển mạnh mẽ.

Phối cảnh kính viễn vọng TMT dự kiến được xây dựng. Nguồn: Business Insider

Bảo tồn tôn giáo hay phát triển khoa học?

Vào tháng 6 năm 2015, 700 người biểu tình đã phong tỏa đường dẫn lên núi để yêu cầu ngừng hoàn toàn dự án. Tự gọi mình là “Người bảo vệ đỉnh núi” (Ku Kia’i Mauna), những người phản đối dự án giải thích, sự phản đối của họ không nhằm vào khoa học nhưng để bảo vệ ngọn núi khỏi sự xâm phạm của các công trình xây dựng: “Chỉ là đừng đặt [TMT] ở đây”, Joshua Lanakila Mangauil – một trong những người đứng đầu cuộc phản đối nói với Nature.

Phong trào phản đối việc xây dựng kính viễn vọng phát triển rất mạnh trong cộng đồng người Hawaii bản địa, thu hút được sự chú ý của học sinh, người lao động, các nhà hoạt động cộng đồng và nhân vật công chúng – được cho là có quy mô chưa từng có.

Các cuộc biểu tình được người dân Hawaii tổ chức năm 2015 trên núi nhằm ngăn chặn việc thực hiện dự án TMT. Nguồn: Hawaii Public Radio

Bên cạnh việc gắn ngọn núi với nơi thờ tự tổ tiên bất khả xâm phạm, nhiều người Hawaii bản địa cũng liên hệ với tâm thức về thiên nhiên của tộc người – coi đất đai và mọi sinh vật đều “sống” và cần được tôn trọng. Nhưng nhiều người tham gia cũng coi đây là cơ hội để buộc chính quyền Mỹ tôn trọng yêu sách chủ quyền của cộng đồng người bản địa – kế thừa từ chủ quyền đã mất của Vương quốc Hawaii hơn 100 năm trước.

Ảnh hưởng của phong trào, mặt khác, cũng tạo nên những căng thẳng trong nội bộ cộng đồng người Hawaii. “Vấn đề với toàn bộ việc này là nó không thể được xem xét một cách công bằng, vì […] một khi anh nói anh ủng hộ nghiên cứu khoa học và tiến bộ, người ta tự động gọi anh là đi ngược lại lợi ích tộc người, ngược lại chủ quyền, và thể hiện tư duy phương Tây hẹp hòi.” Daniel Gray, một người dân địa phương giải thích với The Atlantic.

Thắng lợi đầu tiên đến với những người phản đối khi tháng 12 năm đó, Tòa án Tối cao Hawaii ra phán quyết hủy bỏ giấy phép xây dựng dự án, cấp từ năm 2011, với lý do không có tổ chức lắng nghe ý kiến phản đối của cộng đồng. Năm 2016, ban quản lý bắt đầu xem xét đề xuất di dời dự án đến quần đảo Canary ở Tây Ban Nha – nhưng đến năm 2017, dự án lại nhận được giấy phép mới của chính quyền bang.

Tranh chấp pháp lý về giá trị của giấy phép mới được đưa lên tòa án bang và sau đó đi đến phán quyết hôm 30/10 vừa rồi.

Chưa có giải pháp thỏa đáng

Những người ủng hộ cho dự án TMT chia sẻ sự vui mừng sau phán quyết. Henry Yang, chủ tịch Ban Điều hành Dự án Kính viễn vọng TMT nói rằng: “Chúng tôi vui mừng có thể tiếp tục [dự án] ở Hawaii và sẽ tiếp tục tôn trọng và tuân thủ các quy định pháp luật của hạt và tiểu bang khi triển khai các bước tiếp theo.”

Các nhà khoa học tham gia sự án, Đại học Hawaii hoan nghênh phán quyết còn Thống đốc bang David Ige bày tỏ mong đợi dự án “sẽ tiếp tục đưa Hawaii đi đầu trong nghiên cứu thiên văn học”.

Trong cố gắng hòa giải với cộng đồng người bản địa, các lãnh đạo dự án cũng cam kết sẽ tuân thủ yêu cầu về đào tạo về văn hóa bản địa cho những người làm việc tại dự án, cũng như sẽ dỡ bỏ bớt một số đài quan sát cũ trên đỉnh núi. “Chúng tôi sẽ đảm bảo dự án này được thực hiện một cách phù hợp và tôn trọng tuyệt đối với đỉnh núi Mauna Kea hùng vĩ,” theo lời của Giám đốc Đại học Hawaii David Lassner.

KAHEA, một nhóm hoạt động môi trường bản địa tham gia trong vụ kiện, cho biết họ “thất vọng” với phán quyết vì những giả định họ cho là “sai lầm” của tòa án về việc không có bằng chứng về thực hành văn hóa trên ngọn núi. Nhưng hi vọng cũng chưa hoàn toàn chấm dứt.

Theo lời Shelley Muneoka, đại diện của KAHEA, nhóm này sẽ chuyển sang việc vận động chống lại việc kéo dài quyền sử dụng đất của Đại học Hawaii với các đài quan sát trên đỉnh núi, vốn sẽ hết hạn vào năm 2033. Tương tự, Văn phòng Vấn đề người Hawaii bản địa (OHA) cũng tuyên bố tiếp tục theo đuổi khiếu nại năm 2017 của cơ quan này về sai phạm quản lý đất với lãnh đạo Đại học Hawaii.

Nhạc sỹ Rainbow Uli’i, một người Hawaii bản địa trẻ tuổi bày tỏ quan điểm: “Một khi họ xây dựng bất kỳ kính viễn vọng nào lên trên một trong số những mauna (ngọn núi) thiêng của chúng tôi thì không có cách gì để dung hòa được. Họ cần phải tìm địa điểm khác”, đồng thời cô thất vọng về chính quyền “không thể hiểu được và biết tôn trọng tín ngưỡng văn hóa của chúng tôi. Phán quyết chắc chắn sẽ nhắc nhở mọi người Hawaii bản địa hiểu rằng cuộc đấu tranh chưa kết thúc và sẽ không kết thúc cho đến khi Mauna được an toàn”.

Các tuyên bố và bình luận này vẫn cho thấy, cả hai phía vẫn còn lâu mới có thể đạt được một tiếng nói chung về dự án. Và nó cũng chứng tỏ rằng, những tranh chấp kéo dài về kính viễn vọng TMT đã vượt xa khỏi vấn đề về xây dựng, môi trường hay phát triển khoa học, mà là sự đòi hỏi về vị trí của bản sắc và văn hóa người dân bản địa trong khoa học và trong xã hội hiện đại.

Mauna Kea rất được các nhà thiên văn học coi trọng do là một trong những địa điểm lý tưởng trên thế giới để quan sát bầu trời đêm với nhiều điều kiện thuận lợi, ví dụ như độ quang mây, nồng độ hơi nước trong khí quyển thấp… Trạm quan sát đầu tiên được xây dựng trên ngọn núi vào cuối những năm 1960, nay đã phát triển thành 12 trạm quan sát với 13 kính viễn vọng được đặt trên đỉnh núi.