Đại học Nguyễn Tất Thành (NTTU) là một trong những trường sớm nhất trong cả nước triển khai các hoạt động về đào tạo và khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên.

Không thầy đọc, trò chép, thi cử căng thẳng

Ths. Nguyễn Thị Hà Thanh, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo Doanh nghiệp (NIIC) – NTTU, cho biết, năm 2014, NTTU bắt đầu đưa vào giảng dạy môn Khởi nghiệp cho sinh viên khoa Quản trị - Luật. Đến năm 2017, NTTU đã đưa môn Khởi nghiệp thành môn học tự chọn chính thức trong tất cả các chuyên ngành, được áp dụng cho sinh viên từ năm 1 đến năm 3, với mục tiêu trang bị cho sinh viên tinh thần làm chủ, biết nhận diện các cơ hội kinh doanh trong cuộc sống, biết tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ và bước đầu nắm được các công cụ, kiến thức về khởi nghiệp tinh gọn, giúp triển khai ý tưởng.

Khác với phương pháp học truyền thống, thầy đọc, trò ghi, căng thẳng trong thi cử, ở môn Khởi nghiệp, sinh viên tự nghiên cứu trước tài liệu ở nhà và khi lên lớp sẽ thuyết trình, báo cáo, thảo luận và phản biện. Kết thúc môn học, sinh viên được yêu cầu thực hiện và hoàn thiện một dự án khởi nghiệp đảm bảo tính khả thi và khoa học (xây dựng kế hoạch kinh doanh của mình hoặc kế hoạch kinh doanh cho một doanh nghiệp đang hoạt động).

Riêng đối với sinh viên ngành kinh tế, bên cạnh môn Khởi nghiệp kinh doanh là môn tự chọn, họ còn được học môn Lập kế hoạch kinh doanh với khối kiến thức cơ bản bao gồm tổng quan về kế hoạch kinh doanh, phương pháp thu thập thông tin, kế hoạch tiếp thị, kế hoạch sản xuất, kế hoạch nhân sự, kế hoạch tài chính, phân tích rủi ro, đánh giá kế hoạch kinh doanh và các vấn đề thực tiễn khi triển khai một kế hoạch kinh doanh cụ thể;...

Bên cạnh đó, từ năm 2017, NTTU đã triển khai rộng rãi môn Tư duy sáng tạo đến tất cả sinh viên như một môn tự chọn nhằm giúp sinh viên hiểu và vận dụng quy trình tư duy sáng tạo trong học tập, công việc, cuộc sống.

Dự kiến, sang năm 2019, NTTU sẽ đào tạo chuyên ngành Khởi nghiệp thuộc khoa Quản trị - Luật.

Sinh viên NTTU tham gia chương trình học tập khởi nghiệp thực tế tại Bến Tre - Ảnh: NTTU

Phạm Trí Nhựt, sinh viên khóa đầu tiên được học môn “Khởi tạo doanh nghiệp công nghệ” của Khoa Công nghệ Hóa và Thực phẩm, cho biết, bạn rất hứng thú với môn học này vì sự mới lạ và tính thực tế của nó. “Môn học giúp tôi định hình rõ hơn về hai chữ ‘khởi nghiệp’ và môi trường khởi nghiệp hiện nay ở Việt Nam. Các bài tập nhóm cũng giúp chúng tôi phát triển những kỹ năng hữu dụng như teamwork, thuyết phục hay xử lý thông tin,” Nhựt nói.

Tuy nhiên, theo Nhựt, không phải sinh viên nào cũng dễ dàng tiếp cận với cách học này. Thực tế không ít các bạn trong lớp phản hồi rằng không hiểu mình đang học gì và tại sao mình phải làm những bài tập như vậy. Nhựt cho rằng, đó là do các bạn vẫn xem “khởi nghiệp” là một việc to tát và trừu tượng, làm sao mình có thể làm được. “Vì vậy, nhà trường cần cho sinh viên tiếp xúc với khái niệm khởi nghiệp thông qua các chương trình ngoại khóa trước đã, từ đó các bạn sẽ thấy khái niệm khởi nghiệp gần gũi hơn và đón nhận nó dễ dàng hơn” – Nhựt chia sẻ.

Một vấn đề nữa là giảng viên môn Khởi nghiệp của trường hiện nay mới có 4 – 5 người, chủ yếu là giảng viên kiêm nhiệm ở các khoa trong trường. Họ được đào tạo qua các lớp tập huấn của IPP hay Hội đồng Anh,... và tự nguyện đăng ký giảng dạy. Giáo trình môn học mới trước mắt cũng phần lớn tham khảo hoặc dịch từ tài liệu của nước ngoài rồi trên cơ sở đó được giảng viên xây dựng thành đề cương chung. Bổ sung đội ngũ giáo viên, hoàn thiện giáo trình là những việc NTTU sẽ phải làm khi muốn tiếp tục triển khai và đẩy mạnh môn Khởi nghiệp đến rộng rãi sinh viên trong toàn trường như bà Thanh khẳng định.

Có ý tưởng tốt là được hỗ trợ

“Điều khiến các sinh viên đặc biệt thích thú ở môn học khởi nghiệp là ngoài thời gian trên lớp, các em còn được đến tham quan doanh nghiệp” - bà Thanh chia sẻ. Trung tâm NIIC do bà làm giám đốc được thành lập chỉ một năm sau khi môn Khởi nghiệp ra đời và chuyên trách những hoạt động như vậy.

NIIC đã tổ chức những chuyến đi trải nghiệm thực tế theo từng lĩnh vực như nông nghiệp, thiết bị y tế, khám phá cơ hội khởi nghiệp ở địa phương,.. Chẳng hạn, ở lĩnh vực nông nghiệp, NIIC tổ chức cho sinh viên đi tham quan Khu Nông nghiệp Công nghệ cao. “Từ những buổi đi thực tế này, chúng tôi muốn sinh viên nhận thức rõ bản thân có thực sự đam mê, sẵn sàng với lĩnh vực mình đã chọn chưa và cần phải trang bị thêm những kiến thức hay kỹ năng gì” – bà Thanh nói.

Bên cạnh đó, NIIC còn đóng vai trò bà đỡ cho những ý tưởng khởi nghiệp. Đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận tư vấn cho hơn 50 ý tưởng khởi nghiệp, trong đó có những ý tưởng đã trở thành dự án khởi nghiệp của sinh viên và được đánh giá cao tại các cuộc thi như Hạt nén ươm cây từ phế phẩm nông nghiệp; Bánh dinh dưỡng cao từ tảo chorella; Tái chế nhựa thành sợi in cho máy in 3D;…

Dự án khởi nghiệp làm bánh dinh dưỡng cao từ tảo chorella của sinh viên - Ảnh: NTTU

Bà Thanh cho biết, những dự án, ý tưởng dù nhỏ nhưng có tiềm năng tạo ra giá trị xã hội của cả sinh viên, giảng viên đều được tư vấn cách triển khai, tìm đối tác cùng thực hiện, cố vấn chuyên môn, kinh phí thực hiện,... Đối với mô hình khởi nghiệp ĐMST, các hỗ trợ tập trung vào các cá nhân hoặc nhóm đang có ý tưởng khởi nghiệp từ những kết quả nghiên cứu khoa học. Những cá nhân và nhóm này được hỗ trợ thêm kiến thức về khởi nghiệp, chỉ dẫn từng bước triển khai,… “Sắp tới NIIC sẽ đẩy mạnh phát triển mạng lưới cố vấn, chuyên gia, tổ chức liên kết để triển khai các chương trình tư vấn định kỳ giúp đánh giá ý tưởng, bảo hộ tài sản trí tuệ,…” - bà Thanh nói.

Ngoài ra, NIIC cũng tổ chức nhiều hoạt động về chủ đề khởi nghiệp với sự tham gia của các giảng viên trong trường, doanh nhân, chuyên gia nước ngoài,… trong vai trò tư vấn, diễn giả như: Chương trình hẹn hò khởi nghiệp; Chương trình Speak Out Day, nơi hàng tuần các sinh viên đến cùng trao đổi các ý tưởng sáng tạo và nêu các vướng mắc mình đang gặp phải để được tư vấn; Chương trình Học kỳ sáng tạo, nơi sinh viên được tham gia giải quyết các vấn đề thực tiễn mà các dự án, công ty khởi nghiệp đang gặp phải…

Từng tham gia các hoạt động hỗ trợ của NIIC, Nhựt chia sẻ “Những chương trình này rất hữu ích và phù hợp cho những bạn đang có ý tưởng hoặc đã có dự án kinh doanh, bởi qua đó các bạn có cơ hội kết nối cũng như phát triển kiến thức cho bản thân”.

Được biết, CLB khởi nghiệp của NTTU hiện cũng đã đi vào hoạt động với hơn 40 thành viên.