Đầu năm 2019, Việt Nam sẽ phóng vệ tinh LOTUSat-1, vệ tinh quan sát trái đất bằng công nghệ radar. Đến 2022, các kỹ sư Việt Nam sẽ tự thiết kế, chế tạo vệ tinh LOTUSat-2, đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của ngành công nghệ vũ trụ của Việt Nam.
Giúp tiết kiệm 150 triệu USD mỗi năm
Ngày 8/5/2013, Việt Nam phóng vệ tinh viễn thám đầu tiên VNRED Sat-1, trở thành một trong 25 quốc gia trên thế giới có vệ tinh quan sát trái đất. VNRED-Sat 1 có kích thước 600mm x 570mm x 500mm, nặng 120kg, tuổi thọ 5 năm.
Với VNRED Sat-1, Việt Nam chủ động được ảnh vệ tinh phân giải cao để theo dõi diễn biến thiên tai, biến đổi khí hậu, bão lụt, cháy rừng, tràn dầu; điều tra, kiểm kê tài nguyên rừng, đất nông nghiệp các loại; chỉnh lý các bản đồ địa hình, xây dựng các bản đồ cấu trúc kiến tạo địa chất, theo dõi sự di chuyển của cá, phục vụ đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, hạn chế của VNRED Sat-1 là không chụp ảnh được trong một số điều kiện thời tiết.
Vệ tinh LOTUSat-1 nặng 600kg, gấp 4 lần VNRED Sat-1 với công nghệ hiện đại hơn là công nghệ radar. Nhờ đó, có thể chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết với độ phân giải cao hơn. Nếu VNRED Sat-1 có khả năng chụp các vật thể từ 2,5m thì LOTUSat-1 có thể phát hiện các vật thể từ 1m trở lên.
LOTUSat-1 sẽ do Nhật Bản chế tạo với sự tham gia của các kỹ sư Việt Nam. Đến LOTUSat-2, việc thiết kế, chế tạo sẽ diễn ra ở Việt Nam, do đội ngũ người Việt thực hiện, đánh dấu một bước tiến trong khả năng làm chủ công nghệ vũ trụ của người Việt.
Để thu ảnh của LOTUSat-1, một trạm thu ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc và một trạm thu ở TP HCM đang được xây dựng. Đánh giá về hai vệ tinh này, trong báo cáo về tính khả thi của dự án phóng vệ tinh LOTUSat-1 và LOTUSat-2, các chuyên gia của JICA Nhật Bản cho biết, hai vệ tinh này sẽ đưa ra các dữ liệu góp phần tăng hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm 150 triệu USD/năm cho Việt Nam trong việc giảm thiệt hại bởi thiên tai. Trong khi đó, tổng trị giá để hoàn thành dự án vào khoảng 600 triệu USD chi phí cho vệ tinh, đào tạo nhân lực và các trạm vận hành mặt đất, hai vệ tinh dự kiến sẽ hoạt động trong khoảng 8 năm kể từ khi được phóng lên quỹ đạo.
Công nghệ vũ trụ Việt Nam sẽ vào top đầu ở Đông Nam Á
Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia, việc thiết kế, chế tạo LOTUSat-1 và LOTUSat-2 chỉ là hợp phần trong Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Dự án có vốn đầu tư 600 triệu USD (là dự án KHCN lớn nhất Việt Nam 35 năm qua) đang triển khai nhiều hợp phần để thúc đẩy phát triển công nghệ vũ trụ ở Việt Nam. Dự án đang tiến hành xây dựng một trung tâm vũ trụ tại Hòa Lạc. Đào tạo bài bản ngành công nghệ vũ trụ ở Việt Nam gồm việc đào tạo kỹ sư, thạc sỹ tại ba trường đại học là Trường Đại học Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Công nghệ của Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Quốc tế của Đại học Quốc gia TPHCM.
Bên cạnh đó còn cử 35 cán bộ đi học thạc sỹ ngành công nghệ vũ trụ tại Nhật Bản. Nhóm cán bộ này đang trực tiếp thiết kế, chế tạo, thử nghiệm vệ tinh MicroDragon dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các giáo sư Nhật Bản. Vệ tinh này có kích thước 50 x 50 x 50 cm, khối lượng khoảng 50 kg, có nhiệm vụ quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ để phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam. Dự kiến tháng 9/2017 sẽ hoàn thành để phóng lên quỹ đạo.
Trước đó, năm 2006, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ Việt Nam đến 2020. Nhờ đó, chúng ta đã phóng vệ tinh địa tĩnh Vinasat-1 và Vinasat-2. Năm 2013, phóng vệ tinh quan sát trái đất VNRED Sat-1. Các kỹ sư Việt Nam cũng chế tạo được vệ tinh Pico Dragon “made in Viet Nam” hoàn toàn. Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, ngành công nghệ vũ trụ Việt Nam có trình độ trung bình ở khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, khi dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam hoàn thành, Việt Nam sẽ vào top đầu của Đông Nam Á về công nghệ vũ trụ. Đây cũng là đánh giá của các chuyên gia Nhật Bản khi hợp tác với Việt Nam. “Có thể khẳng định đến 2020, ngành công nghệ cao này của Việt Nam sẽ vào top đầu Đông Nam Á”, ông Tuấn nói. Hiện tại, Việt Nam đang mở rộng hợp tác quốc tế về công nghệ vũ trụ với nhiều quốc gia gồm Mỹ, Nga, Pháp và Nhật Bản.
Năm 2017 sẽ mở cửa Bảo tàngkhoa học vũ trụ Việt Nam Bên cạnh việc đào tạo kỹ sư, thạc sỹ công nghệ vũ trụ, nhiều dự án nuôi dưỡng đam mê khoa học vũ trụ cho học sinh sẽ được triển khai trong thời gian tới. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ ký với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) một dự án truyền bá kiến thức vũ trụ cho giáo viên, học sinh các trường phổ thông. Dự án Bảo tàng khoa học vũ trụ Việt Nam cũng đang được triển khai. Bảo tàng sẽ có phòng vũ trụ, đài thiên văn, nhà chiếu hình vũ trụ để học sinh, sinh viên đến tham quan có nhiều trải nghiệm như quan sát kính thiên văn, di chuyển vào môi trường không trọng lực… Dự kiến bảo tàng sẽ mở cửa đón khách vào cuối năm 2017. |