Hàng chục nhà khoa học vũ trụ đang thất vọng tìm kiếm vệ tinh "Hitomi" (tạm dịch là "Con mắt") của Nhật Bản sau khi vệ tinh trị giá hơn 1/4 tỷ USD này mất tín hiệu với Trái Đất.


Hitomi là vệ tinh sử dụng công nghệ siêu cao của Cơ quan Khai thác hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA), được đưa lên vũ trụ nhằm tiến hành nghiên cứu các hố đen.
Các nhà khoa học cho rằng có thể vệ tinh này đang bị quá tải thông tin, nhưng không ai có thể nói chính xác Hitomi hiện đang ở đâu trong vũ trụ.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu người Mỹ cho rằng Hitomi đã vỡ thành nhiều mảnh. Trước đó, vệ tinh Hitomi đã có cuộc liên lạc ngắn với các nhà khoa học ở Trái Đất, nhưng sau đó đã biến mất.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 27/3, Giám đốc Viện Khoa học Không gian và vũ trụ, thuộc JAXA, ông Saku Tsuneta nói rằng viện này đang theo dõi tình hình.
Trong khi đó, người phát ngôn JAXA ngày 28/3 cho biết khoảng 40 kỹ sư của JAXA đang cố gắng định vị và thiết lập một liên lạc với vệ tinh trên.
Theo người phát ngôn, JAXA biết khu vực mà Hitomi có thể đang ở và các kỹ sư đang cố xác định vị trí chính xác của vệ tinh.
Vệ tinh Hitomi do Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phối hợp với nhiều tổ chức khác nhau chế tạo, với tổng chi phí 31 tỷ yen (273 triệu USD), bao gồm cả chi phí phóng.
Vệ tinh Hitomi. (Nguồn: japantimes)
Vệ tinh Hitomi. (Nguồn: japantimes)

​Hitomi đã được phóng lên không gian ngày 17/2 vừa qua bằng tên lửa đẩy H-IIA của Nhật Bản từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima, miền Nam nước này. Hitomi được thiết kế để quan sát các tia X phát ra từ các hố đen và các thiên hà.
Hố đen chưa bao giờ được quan sát trực tiếp, nhưng các nhà khoa học tin rằng ở đó có vô vàn các ngôi sao chết bị trọng lực vô cùng lớn hút vào trong.
Thông báo hồi tháng trước về việc phát hiện các sóng trọng lực lần đầu tiên là bằng chứng mới nhất khẳng định sự tồn tại của các sóng này sau khi các nhà khoa học phát hiện rằng các sóng trọng lực đã gây ra vụ va chạm hai hố đen khổng lồ.

Nhật Bản có một chương trình không gian lớn và đã phóng thành công nhiều vệ tinh phục vụ mục đích khoa học và thương mại. Nhật Bản cũng đã đưa nhiều nhà du hành vũ trụ vào tàu không gian và tham gia các sứ mệnh của Trạm Không gian Quốc tế (ISS)./.