Từ việc tính toán, mô phỏng số liệu, các nhà khoa học Việt Nam đã xây dựng thành công quy trình dự báo quỹ đạo cũng như cường độ bão Tây Thái Bình Dương và biển Đông trước 5 ngày.

Đây là một trong những kết quả của chương trình “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên”, mã số KC.08/11-15.

Nâng cao năng lực dự báo

PGS-TS Lê Mạnh Hùng - Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ nhiệm chương trình KC.08/11-15 - cho biết, với 36 nhiệm vụ nghiên cứu, chương trình đã tập hợp được một lực lượng lớn các nhà khoa học đầu ngành và các nhà khoa học trẻ. Đội ngũ nghiên cứu này đã tạo ra nhiều kết quả tốt, góp phần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm và quản lý rủi ro một số dạng thiên tai nguy hiểm như bão, lũ. Các nhà khoa học của chương trình cũng phát triển và hoàn thiện được các công nghệ mới trong xây dựng giải pháp, công trình phòng, chống thiên tai.

Dự báo đường đi của cơn bão số 1 cuối tháng 7/2016. Ảnh: TS
Dự báo đường đi của cơn bão số 1 cuối tháng 7/2016. Ảnh: TS

Đặc biệt, với thành công của đề tài “Xây dựng quy trình dự báo quỹ đạo và cường độ bão Tây Thái Bình Dương và biển Đông hạn 5 ngày” do GS-TS Trần Tân Tiến - Đại học Quốc gia Hà Nội - phụ trách, Việt Nam có thể dự báo 5 ngày trước khi các cơn bão đổ bộ.

“Kết quả này đã nâng cao nghiệp vụ dự báo, giúp Việt Nam chủ động trong dự báo bão. Dữ liệu đầu vào là các thông số kết quả đo đạc và được tính toán bằng mô hình toán học nên cho kết quả dự báo rất chuẩn xác” - Giáo sư Lê Mạnh Hùng cho biết.

Ngoài cảnh báo bão, một đề tài nghiên cứu lũ quét và khôi phục môi trường sau lũ quét ở vùng núi phía bắc do các nhà khoa học thuộc Viện Địa chất, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam triển khai cũng được đánh giá cao. Kết quả nghiên cứu đã góp phần dự báo, cảnh báo lũ quét, giúp bảo vệ sản xuất và đảm bảo an toàn cho bà con vùng núi phía bắc mỗi khi mùa mưa lũ về.

Không chỉ dừng ở mức dự báo, với tập bản đồ cảnh báo nguy cơ thiên tai Việt Nam (phần đất liền do TS Nguyễn Quốc Thành và các cộng sự thuộc Viện Địa chất, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nghiên cứu và xây dựng thành công) còn cho biết cụ thể bão có nguy cơ đến khu nào để các vùng có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Thiếu máy móc sẽ dẫn đến sai số

Theo TS Hùng, quy trình dự báo quỹ đạo và cường độ bão trước 5 ngày đã được ứng dụng tại nhiều trung tâm dự báo khí tượng quốc gia trên cả nước. Ngay cả quân đội cũng đã nhận chuyển giao kết quả nghiên cứu này và đưa vào ứng dụng.

“Về mặt nghiệp vụ dự báo, hiện các trung tâm dự báo khí tượng thủy văn của Việt Nam đã hoạt động khá bài bản, tuy nhiên hệ thống máy móc không được trang bị đầy đủ. Thêm nữa, hệ thống này chạy số liệu đầu vào của toàn cầu, đôi khi các trung tâm ngại chờ hệ thống chạy lâu nên sử dụng kết quả dự báo của nước ngoài về đường đi của bão, sau đó chỉnh sửa kết quả và dự báo” - ông Hùng nói.

Theo ông, đây chính là lý do khiến việc dự báo đường đi của bão đôi khi không chính xác, bởi nước ngoài dự báo trên tinh thần số liệu toàn cầu nên chưa được cập nhật chính xác tình hình khu vực. Một nguyên nhân nữa dẫn đến dự báo chưa chuẩn ở Việt Nam là có số liệu chuẩn, nhưng máy móc chưa tốt.

Các chuyên gia đều cho rằng, thời gian qua sự đầu tư của Nhà nước vào việc nghiên cứu KH&CN phòng tránh thiên tai đã chứng minh tính hiệu quả từ thực tiễn. Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc: “Chương trình KC.08/11-15 đã trải qua 4 giai đoạn, tập hợp được đội ngũ các nhà khoa học hàng đầu đất nước trong lĩnh vực này, tạo ra các kết quả nghiên cứu có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đây chính là những cơ sở quan trọng để chương trình tiếp tục được triển khai nghiên cứu trong giai đoạn tới”.

Để các kết quả nghiên cứu được ứng dụng rộng hơn vào thực tế, PGS-TS Lê Mạnh Hùng cho rằng: “Các chương trình cần dành thời gian và kinh phí để tổ chức đoàn công tác đến các địa phương, bàn giao, trao đổi, hướng dẫn để các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực này được nhân rộng hơn nữa”.