Ít ai biết rằng, các loài cá nước mặn, nước lợ chủ lực đang được nuôi phổ biến ở các tỉnh ven biển trên cả nước như cá chim, cá chẽm lại khởi phát từ Viện Nuôi trồng Thủy sản, thuộc Trường Đại học Nha Trang.
Tỉ mỉ thiết lập quy trình nuôi ương
Với hơn 20 nghìn hecta diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn và nhiều vũng, vịnh, vùng biển miền Trung có điều kiện thuận lợi để nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi hải sản. Con giống là khâu cần thiết và quan trọng đầu tiên trong phát triển nuôi biển. Tuy nhiên, để có thể sản xuất giống cá nước mặn, lợ với số lượng lớn và đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm ở quy mô công nghiệp lại không đơn giản vì trước năm 2000, hầu hết các loài cá biển mới bắt đầu được nghiên cứu sản xuất giống và chưa có quy trình hoàn thiện để có thể chủ động sản xuất được nguồn giống với số lượng lớn.
TS Ngô Văn Mạnh
Thời gian này, một số hộ nông dân cũng đã thử bắt giống cá biển cá biển từ tự nhiên về nuôi nhưng cách nuôi nhỏ lẻ này không có quy trình thuần hóa, tỉ lệ sống thấp, năng suất thấp ở mức 2-5 tấn/ha hoặc 2 – 5 kg/m3 lồng nuôi. Đặc biệt, cách ương giống ở quy mô nhỏ lẻ bằng thức ăn tươi nên không có khả năng nuôi ở quy mô lớn, khó kiểm soát các yếu tố môi trường nên ảnh hưởng không tốt tới sinh trưởng và năng suất, cũng như hiệu quả nuôi, TS Ngô Văn Mạnh, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Nuôi trồng thủy sản, Viện Nuôi trồng Thủy sản, Trường Đại học Nha Trang cho biết.
Trước thực tế này, Viện Nuôi trồng Thủy sản, Trường Đại học Nha Trang đã thực hiện các công trình nghiên cứu sản xuất giống các loài cá nước mặn, nước lợ để có thể chủ động nguồn giống trong nước. Điểm xuất phát này cũng có trợ lực bởi Viện có thế mạnh là đơn vị nghiên cứu “nằm vùng” ở vùng biển miền Trung, nhiều thế hệ nghiên cứu đi trước đã xây dựng tiền đề quan trọng là nghiên cứu cơ bản trong nhiều năm về đặc điểm sinh học của nhiều loài cá biển, thử nghiệm thu thập, thuần dưỡng và nuôi cá bố mẹ trong môi trường nhân tạo.
Viện bắt đầu với giống cá chẽm (Lates calcarifer) và cá chẽm mõm nhọn (Psammoperca waigiensis) loài cá có thịt ngon, giá trị kinh tế cao và có tiềm năng phát triển nuôi công nghiệp ở quy mô lớn với năng suất tốt, có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, ở thời điểm này những thông tin khoa học về cá biển, công nghệ trong sản xuất giống các đối tượng hải sản nước ta còn nhiều hạn chế, nghiên cứu ứng dụng chưa nhiều, nên năm 1996, Viện phải bắt đầu từ khâu rất cơ bản - nghiên cứu, thu cá bố mẹ từ môi trường tự nhiên để thuần hóa cho quen điều kiện nuôi nhân tạo. Nhưng để sản xuất cá giống ở quy mô thương mại với số lượng lớn nhằm phục vụ nhu cầu nuôi công nghiệp so với sản xuất thử ở quy mô thí nghiệm là thách thức rất lớn cần nhiều thời gian với nhiều thử nghiệm để xây dựng các thông số kỹ thuật góp phần ổn định quy trình sản xuất trước khi chuyển giao để sản xuất đại trà.
Không dễ để xây dựng quy trình sản xuất giống trên những loài cá biển vốn yêu cầu cao về nhu cầu dinh dưỡng và nhạy cảm với môi trường nuôi nhân tạo khi cá còn nhỏ. Bên cạnh đó, việc chuyển giao quy trình sản xuất cho những hộ dân, vốn không quen các thao tác kỹ thuật phức tạp cũng gặp khó khăn nhất định. “Có rất nhiều yếu tố phải kiểm soát, để đưa ra được một quy trình sản xuất con giống cá biển thì có hàng trăm khâu, chi tiết nhỏ phải được nghiên cứu hoàn chỉnh”, TS Ngô Văn Mạnh cho biết “để giảm nguy cơ cá cận huyết nhóm nghiên cứu phải thu thập đàn cá bố mẹ từ nhiều nguồn ở các đàn, các vùng khác nhau nhưng, cũng cần phải kiểm soát chặt chẽ mọi biến số liên quan tới môi trường và dinh dưỡng nhằm tạo ra đàn giống có chất lượng tốt”.
“Thông thường các loài cá sống quanh rạn san hô, hoặc cá sống ở nơi có độ mặn độ mặn càng cao thì yêu cầu về chất lượng dinh dưỡng, môi trường ương càng cao và ở giai đoạn biến thái của ấu trùng chúng rất mẫn cảm dễ bị sốc bởi những tác động từ bên ngoài nên khi sản xuất giống tỷ lệ sống thường thấp hơn”, TS Ngô Văn Mạnh nói. Đây chính là lý do, khi chưa có nhiều thông tin về nuôi đàn bố mẹ, đặc biệt là hiểu biết khoa học về nhu cầu dinh dưỡng của cá con còn hạn chế nên tỷ lệ sống trong quá trình ương rất thấp, cá rất dễ bị sốc và chết do tác động cơ học, nguy cơ dị hình của cá cao đặc biệt là loài cá như cá mú, cá hồng, cá bè và chẽm mõm nhọn.
Trên nền tảng nghiên cứu cơ bản từ nhiều năm trước đó về nhu cầu dinh dưỡng cho từng giai đoạn phát triển của cá, nhóm nghiên cứu của Viện đánh giá một trong nhưng yếu tố ảnh hưởng lớn đến chất lượng cá giống trong quá trình ương là do yếu tố dinh dưỡng, trong đó hàm lượng n-3 HUFA trong thức ăn đóng vai trò rất quan trọng với cá trong giai đoạn này, để giúp cá cải thiện sinh trưởng, nâng cao tỷ lệ sống và tăng khả năng chịu sốc, giảm tỷ lệ dị hình ở đàn cá giống. “Nhóm chúng tôi phải nghiên cứu các mức dinh dưỡng bổ sung cho cá, từ đó tìm ra mức tối ưu cho từng loài cá vì các loài như cá chẽm, cá chim, cá bè đều có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau”, anh giải thích.
Giống cá mú
Tương tự, việc kiểm soát các yếu tố khác về nhiệt độ, môi trường nước đều phải khởi đi từ nghiên cứu cơ bản. Thậm chí, để có quy trình nuôi con giống đạt hiệu quả cao nhất, nhóm nghiên cứu còn phải tìm hiểu cơ chế điều chỉnh các loài động vật làm thức ăn cho cho phù hợp với cỡ miệng của cá bột với mỗi loài, mỗi giai đoạn khác nhau, đó là luân trùng, artemia hay các loài động vật phù du thay thế khác. Cá và các loài động vật phù du làm thức ăn cũng thuộc nhóm biến nhiệt, khi nhiệt độ môi trường bể nuôi xuống thấp thì khả năng hấp thụ thức ăn kém đi đặc biệt là vào các tháng mùa đông, dẫn tới việc cá giống có nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng dẫn đến tỉ lệ sống, dị hình cao. “Do vậy nếu không điều chỉnh, kiểm soát tốt nhiệt độ ở thời điểm này thì không thể đảm bảo hiệu quả sản xuất, cũng như chất lượng con giống khi sản xuất ra”, TS Ngô Văn Mạnh nói.
Kiểm soát dinh dưỡng chưa đủ, các yếu tố khác như ánh sáng, vi tảo trong môi trường nuôi đều quyết định đến tỷ lệ sống và chất lượng cá giống. Cá là loài vật chỉ có khả năng tự vệ thụ động nên trong giai đoạn cá bột rất cần tảo - màu xanh tạo cho cá môi trường ổn định hơn, giúp cá phát triển bình thường. Tuy nhiên, khi tảo trong bể phát triển quá mức hoặc tàn lụi dẫn đến sự biến động môi trường ngày đêm lớn hoặc sản sinh ra khí độc ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng và tỷ lệ sống của cá.
Kiểm soát tất cả các biến số đó để cuối cùng đạt điều kiện bắt buộc là chất lượng con giống ổn định, cá giống phải sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp trước khi được chuyển ra nuôi thương phẩm; cá giống có khả năng thích nghi cao với điều kiện khác nhau như trong ao hoặc trong lồng ngoài biển nơi mà môi trường không được kiểm soát tốt như trong trại sản xuất giống; và tỉ lệ dị hình phải được khống chế dưới 2-3%, (tỉ lệ này trong tự nhiên là 4-5%).
Mất gần 8 năm (từ 1996 – 2004) để Viện nghiên cứu cơ bản tới kiểm soát được các để hoàn thiện quy trình và thành công sản xuất giống ở quy mô thương mại đối với con cá chẽm để chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống. Năm 2008-2010, Viện chuyển giao quy trình xây dựng nuôi thương phẩm cá chẽm bằng thức ăn công nghiệp đạt năng suất trên 20 tấn/ha và chuyển giao cho người nuôi tạo tiền đề cho phát triển nghề nuôi cá chẽm công nghiệp ở các tỉnh Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Sóc Trăng,…như hiện nay.
Cứ như vậy, để tạo ra quy trình sản xuất giống phù hợp cho từng loài cá, Viện phải đánh giá các yếu tố trong phòng thí nghiệm, thực nghiệm lặp đi lặp lại trong điều kiện thử nghiệm để ổn định quy trình trước khi đưa ra sản xuất đại trà. Kế thừa từ nền tảng nghiên cứu một vài loài cá ban đầu, Viện tiếp tục triển khai nghiên cứu sản xuất giống thành công với các loài cá khác như cá bớp (Rachycentron canadum), cá mú (Epinephelus spp), cá chim vây vàng (Trachinotus spp), cá hồng Mỹ (Sciaenops ocellatus), cá sủ đất (Protonibea diacanthus), cá hồng bạc (Lutjanus argentimaculatus) và cá hồng đỏ (L. malabaricus), cá khế vằn (Gnathanodon speciosus), cá bè vẫu (Caranx ignobilis), cá dìa (Siganus guttatus) để từng bước chuyển giao quy trình sản xuất góp phần chủ động nguồn giống phục vụ cho nhu cầu nuôi thương phẩm.
Lan tỏa khắp miền Trung
Sau gần 30 năm kể từ khi Viện bắt đầu nghiên cứu sản xuất giống cá biển, nhìn vào quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm đã được chuyển giao cho doanh nghiệp và ngư dân, mọi việc ngỡ như đơn giản nhưng nhóm nghiên cứu đã phải đánh giá tác động của từng yếu tố đến chu trình sinh trưởng của cá và thực nghiệm hàng trăm thí nghiệm có nhiều biến số để đưa ra các giải pháp kỹ thuật phù hợp cho từng loài cá, từng giai đoạn phát triển nhằm xây dựng được quy trình sản xuất giống ở quy mô thương mại với chất lượng ổn đinh và số lượng hàng triệu con, đồng thời chuyển giao kỹ thuật cho nông dân hoặc doanh nghiệp để họ tự tạo con cá giống.
Tuy rất “chắc tay” và tự tin về chất lượng con giống sản xuất ra nhưng lúc đầu người nuôi còn rất ít, doanh nghiệp và người dân chưa chủ động tìm tới Viện. Gần 20 năm trước, nghiên cứu xong quy trình sản xuất nhưng “việc chuyển giao cũng gặp khó khắn, nhất là người dân, doanh nghiệp cũng không sẵn sàng thử vì để chuyển đổi sang sản xuất một đối tượng nuôi mới các trại nuôi phải chuẩn bị cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân công và tìm kiếm thị trường,….”, anh Mạnh nhớ lại.
Khi chuyển giao kỹ thuật sản xuất, thường là các loài cá mới nên người nuôi không biết nhiều đến loài cá này và chưa đánh giá được quy mô, tiềm năng của thị trường nên các đơn vị sản xuất không mặn mà tiếp nhận công nghệ và việc tiếp nhận công nghệ cũng cần có thời gian người dần mới nắm được kỹ thuật để có thể sản xuất ổn định. Đề người dân, doanh nghiệp nắm được thông tin về những đối tượng nuôi mới, các nhà khoa học của Viện đã phối hợp với các Trung tâm khuyến nông, doanh nghiệm các địa phương, Trường, Viện Nghiên cứu tổ chức các hội thảo khoa học giới thiệu về công nghệ sản xuất qua đó cũng nâng cao hiệu quả trong công tác chuyển giao kỹ thuật sản xuất.
Trong câu chuyện này, việc các doanh nghiệp và hộ nuôi trồng thủy sản đồng ý tiếp nhận quy trình sản xuất của Viện để sản xuất đại trà cũng góp phần từng bước hoàn chỉnh quy trình sản xuất giống trong điều kiện thực tiến. Vì quy trình sau khi nghiên cứu vẫn có những thiếu sót nhất định, vì vậy khi có thông tin hai chiều từ doanh nghiệp, người dân nuôi phản hồi lại những vấn đề gặp phải trong sản xuất, như vậy chúng tôi có thêm thông tin giúp khác phục những lỗ hổng trong nghiên cứu và hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhanh hơn”, TS Ngô Văn Mạnh nói.
Viện Nuôi trồng Thủy sản, Trường Đại học Nha Trang trở thành điểm đến hàng đầu về chuyển giao quy trình sản xuất giống nhân tạo và nuôi cá biển cho các tỉnh dọc từ Ninh Bình tới Bà Rịa – Vũng Tàu và một số tỉnh miền Tây Nam bộ
Việc nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất giống các loài cá biển của Viện dựa trên đặc điểm điều kiện tự nhiên của khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ nên phù hợp khi áp dụng tại nhiều địa phương ven biển. Do vậy, Viện Nuôi trồng Thủy sản, Trường Đại học Nha Trang trở thành điểm đến hàng đầu về chuyển giao quy trình sản xuất giống nhân tạo và nuôi cá biển cho các tỉnh dọc từ Ninh Bình tới Bà Rịa – Vũng Tàu và một số tỉnh miền Tây Nam bộ như Sóc Trăng, Bến Tre và Kiên Giang. Bên cạnh việc không ngừng nghiên cứu hoàn thiện và ổn đình quy trình sản xuất giống và nuôi các loài cá đã nghiên cứu thì Viện vẫn tiếp tục triển khai nghiên cứu đưa những loài cá mới vào sản xuất nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi. Ngoài ra, các cơ sở của Viện hàng năm cũng sản xuất và cung cấp hàng triệu con giống cá biển các loại như cá chim vây vàng, cá chẽm, cá hồng Mỹ, cá mú, cá bè vẫu, cá khế vằn,…. cho người nuôi các tỉnh ven biển trên cả nước.
Nhìn vào sự phổ biến ở vùng duyên hải Trung bộ và nhiều tỉnh thành khác của mô hình nuôi cá chim này, người ta có thể giúp hình dung được phần nào giá trị của điểm khởi đầu này. Vào năm 2010, tại Khánh Hòa, hình thức nuôi lồng trên biển chỉ đem lại vài tấn cá chim nhưng chỉ một năm sau đó, tại Khánh Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng với hình thức này, người ta đã thu hoạch được hơn 100 tấn. Hai năm sau, địa bàn nuôi cá chim được mở rộng đến các tỉnh Phú Yên, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Bến Tre... với cả hình thức nuôi lồng và nuôi trong ao đất (tận dụng các ao nuôi tôm bỏ hoang), cá thu hoạch được tiêu thụ trên thị trường nội địa và bắt đầu xuất khẩu. Cho đến nay thì mô hình ương nuôi giống cá biển đã phổ biến khắp cả nước với hàng trăm triệu con giống cá biển các loại được các doanh nghiệp người dân sản xuất ra hàng năm nhờ sự lan tỏa rộng rãi của quy trình sản xuất giống, nuôi thương phẩm đã được nghiên cứu và chuyển giao, qua đó góp phần phát triển nghề nuôi cá biển trên cả nước.
Nhờ những nỗ lực gây dựng uy tín, đóng góp vào các hoạt động kinh tế xã hội đó, Viện được nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành thủy sản hiện nay như Công ty Australis, Tongwei, Uni-President, Agri CJ Vina, Tập đoàn CP, Tập đoàn Minh Phú, Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung... tìm đến hợp tác.
Câu chuyện của Viện nuôi trồng thủy sản cho thấy, có những quy trình tưởng đơn giản, không cao siêu nhưng lại góp phần làm thay đổi cả một ngành nghề, bởi điều cốt lõi làm nên những giải pháp đó là sự kết hợp giữa hiểu biết khoa học và sự tận tâm tận lực với nghề.
Trải qua 63 năm hình thành và phát triển, Viện Nuôi trồng Thủy sản (trước đây là Khoa Nuôi trồng Thủy sản) thuộc Trường Đại học Nha Trang đã đào tạo hàng chục nghìn kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ cho ngành nuôi trồng thủy sản. Đơn vị cũng đã nghiên cứu, chuyên giao kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm thành công nhiều giống thủy sản khác nhau góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sự phát triển của nghề nuôi cá nước mặn, lợ như hiện nay cũng có sự đóng góp rất lớn từ thành công của những công trình nghiên cứu này.