Trung Quốc đã lần đầu vượt Mỹ về mức độ đóng góp trong 1% số bài báo khoa học được trích dẫn nhiều nhất, theo phép kiểm đếm của một viện chính sách khoa học Nhật Bản. Dấu mốc này cho thấy khoa học Trung Quốc đang phát triển cả về số lượng và chất lượng.

"Thật thiển cận nếu nghĩ rằng Trung Quốc chỉ sản xuất ra nhiều bài báo nhưng không có chất lượng," nhà nghiên cứu chính sách khoa học và đổi mới Caroline Wagner tại Đại học bang Ohio nói.

Trong báo cáo mới, Viện Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia Nhật Bản (NISTEP) đã kiểm đếm tác giả của nhóm 1% các bài báo khoa học được trích dẫn nhiều nhất - phân khúc thường bao gồm nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel. Nhiều bài báo trong nhóm này có nhiều tác giả từ các quốc gia khác nhau, làm phức tạp việc kiểm đếm. Vì thế, NISTEP kiểm đếm dựa trên phần trăm đóng góp. Ví dụ, nếu một bài báo có một tác giả người Pháp và ba tác giả người Thụy Điển, Pháp sẽ được ghi nhận 25% đóng góp cho bài báo và Thụy Điển 75%.

Theo phép kiểm đếm này, Trung Quốc đóng góp 27,2% vào nhóm 1% bài báo được trích dẫn nhiều nhất công bố trong các năm 2018, 2019 và 2020; Mỹ đóng góp 24,9%. Tiếp theo là Vương quốc Anh với 5,5%; Nhật Bản ở vị trí thứ 10.

Một số nhà khoa học cho rằng phương pháp kiểm đếm này có thể đã đánh giá quá cao đóng góp của Trung Quốc trong các bài báo có các đồng tác giả quốc tế. "Câu hỏi đặt ra là ai là người dẫn dắt các nghiên cứu đó, nhà khoa học Trung Quốc hay các đồng nghiệp quốc tế của họ," Cao Cong, nhà nghiên cứu chính sách khoa học tại Đại học Nottingham, nói.

Nhưng đóng góp tác quyền của Trung Quốc cho 1% các bài báo được trích dẫn nhiều nhất là đáng chú ý, theo NISTEP. Hai thập kỷ trước, cũng theo cách kiểm đếm này, Trung Quốc chỉ đứng thứ 13.

Một phòng thí nghiệm ở Quý Dương thuộc tỉnh Quý Châu của Trung Quốc.

Năm 2016, Trung Quốc vượt qua Mỹ về số bài báo khoa học được xuất bản. Nhưng các nhà phê bình đã chỉ ra một lỗ hổng: chất lượng nghiên cứu. Các chính sách khi đó của Trung Quốc - hiện đang bị loại bỏ dần - thưởng cho các tác giả dựa trên số bài báo được xuất bản. Họ cũng lưu ý rằng có các "xưởng sản xuất" tại Trung Quốc, nơi nhà nghiên cứu chỉ cần trả tiền là sẽ có vị trí tác giả trong các bài báo khoa học. Nghiên cứu mới cho thấy chất lượng nghiên cứu của Trung Quốc đang cải thiện, thể hiện qua các bài báo hàng đầu được nhiều nhà nghiên cứu trích dẫn.

Tuy nhiên, tác động của các ấn phẩm chỉ là một trong các thước đo năng lực khoa học của một quốc gia. Mỹ vẫn dẫn đầu ở các chỉ số khác, chẳng hạn như chi tiêu cho nghiên cứu và số bằng tiến sĩ được trao. Nhưng Trung Quốc cũng dẫn đầu ở một số chỉ số, chẳng hạn như đăng kýbằng sáng chế.

Nguồn: