Sau 2 năm nghiên cứu, Viện Công nghệ Nano (INT), Đại học Quốc gia TPHCM, đã làm chủ được quy trình công nghệ sản xuất mực in nano bạc dùng trong chế tạo linh kiện vi điện tử và hệ thống cảm biến nano đánh giá chất lượng nước ao nuôi trồng thủy hải sản.
Đây cũng là kết quả của Dự án FIRST “Nâng cao năng lực tự chủ thông qua việc hoàn thiện và làm chủ công nghệ sản xuất mực in nano bạc dùng trong chế tạo linh kiện vi điện tử và hệ thống cảm biến nano đánh giá chất lượng nước ao nuôi trồng thủy hải sản” do INT triển khai thực hiện từ năm 2017 - 2019. Các sản phẩm của Dự án đã góp phần cho INT phát triển theo định hướng thị trường, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế Việt Nam.
PGS.TS Đặng Mậu Chiến – Viện trưởng INT cho biết, hai sản phẩm chủ lực nêu trên được nghiên cứu trong nhiều năm qua và đã hoàn thiện quy trình chế tạo trong phòng thí nghiệm. “Nhận thấy, đây là những sản phẩm có
tính ứng dụng cao và thị trường thương mại, nên INT mong muốn tiếp tục
cải tiến, hoàn thiện sản phẩm và sản xuất để đưa ra thị trường” - PGS
Đặng Mậu Chiến nói.
Cụ thể, quy trình công nghệ sản xuất mực in nano bạc dùng trong chế tạo linh kiện vi điện tử ổn định, sản xuất trong phòng sạch với quy trình khép kín. Sản phẩm mực in nano có thể áp dụng cho thiết bị in phun chuyên dụng Dimatix và đạt các thông số kỹ thuật. Trong quá trình triển khai, Dự án đã đã sản xuất được 11.300ml mực in nano. Trong đó đã cung cấp đến khách hàng 5.300 ml và sẽ tiếp tục cung cấp 6.000 ml trong vòng 3 năm tới theo thỏa thuận đã ký cam kết với khách hàng.
Đối với hệ thống cảm biến nano đánh giá chất lượng nước ao nuôi trồng thủy hải sản và hệ thống quan trắc và cảnh báo xâm nhập mặn tự động đều có thể thả nổi trên ao nuôi trồng thủy sản, sông, hồ, kênh, rạch,... Dữ liệu đo đạc (các chỉ số chất lượng nước) được ghi trực tiếp và liên tục vào máy tính. Kết quả được hiển thị trên màn hình và có thể truy cập từ xa qua internet. Ngoài ra, có thể xác định vị trí các hệ thống nhờ định vị GPS.
68 hệ thống cảm biến nano đã được Viện bàn giao cho một số công ty nuôi trồng thủy sản ở Kiên Giang, Ninh Thuận, … dùng thử nghiệm. INT cũng đã trao tặng hệ thống quan trắc và cảnh báo xâm nhập mặn tự động cho các địa phương ở Đồng bằng Sông Cửu Long như Bến Tre, An Giang, Vĩnh Long…
PGS
Đặng Mậu Chiến cũng cho biết, được sự hỗ trợ của Dự án FIRST, sau
hai năm triển khai với kinh phí hơn 2 triệu USD, ngoài hoàn thiện 2 sản
phẩm chính như đã đề xuất ban đầu, nhóm nghiên cứu đã phát triển thêm 2
sản phẩm là vật liệu nano bạc khử khuẩn và hệ thống quan trắc và hệ
thống cảnh báo xâm nhập mặn tự động.
Dự án đã sản xuất được hơn bốn ngàn lít vật liệu nano bạc khử khuẩn cho nước ao nuôi trồng thủy sản và trái cây. Vật liệu này có thể diệt được các loài vi khuẩn gây bệnh cho tôm và vi khuẩn trên trái cây như: Salmonella typhimurium , Pseudomonas aeruginosa, Aspergillus niger, Streptococcus pneumonia, Vibrio cholera, S. Faecails, E. Coli,… Các sản phẩm nói trên đều đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật và bước đầu được thương mại hóa trên thị trường .
Theo PGS Đặng Mậu Chiến, do được đầu tư, bổ sung các trang thiết bị hiện đại và đồng bộ, INT sẽ phát huy thế mạnh của đơn vị là đưa cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại vào phục vụ cho tất cả các đơn vị KH&CN trong nước theo mô hình “Phòng thí nghiệm dùng chung”. Hoạt động này sẽ góp phần vào việc hỗ trợ các đơn vị nghiên cứu trong nước phát triển mạnh.
“Từ các sản phẩm mới được thương mại hóa thông qua Dự án, INT sẽ đẩy mạnh nghiên cứu phục vụ công đồng như khử khuẩn, kiểm soát chất lượng nước sinh hoạt và nước ao nuôi tôm cá, nhà thông minh trồng nấm tại các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long…, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế bền vững tại khu vực này” – PGS Đặng Mậu Chiến nói.