Không nắm được cấu trúc và chức năng của các protein thì không thể hiểu biết các hoạt động của gen, thế nhưng nghiên cứu về protein ở Việt Nam đang bị chững lại do thiếu cả kinh phí và con người.


PGS.TS Nông Văn Hải thuyết trình tại hội thảo. Ảnh: PP

Phát biểu tại hội thảo Công bố một số kết quả nghiên cứu hệ gen người Việt Nam do Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tổ chức sáng nay, 2/10, PGS.TS Nông Văn Hải, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hệ gen, ví hệ gen người như một “con voi khổng lồ”, để nghiên cứu toàn diện (từ toàn bộ hệ gen đến hệ gen biểu hiện, hệ gen phiên mã, hệ gen di truyền ngoài nhân…), cần có sự tài trợ song song của cả nhà nước và tư nhân.

Vị chủ nhiệm đề tài “Giải trình tự và xây dựng hoàn chỉnh hệ gen người Việt Nam đầu tiên làm ‘trình tự tham chiếu’ và bước đầu phân tích nhân chủng học tiến hóa người Việt Nam” cho rằng, với quy mô dân số gần 100 triệu người và trong điều kiện “công nghệ đã được nâng lên và rẻ đi”, Việt Nam nên đặt mục tiêu giải trình tự 100 nghìn hoặc 1 triệu hệ gen cá thể để tìm kiếm các gen liên quan sức khỏe, tuổi thọ, tài năng…

Ông cũng nhận định, thời gian tới, có thể đẩy nhanh việc nghiên cứu các vùng gen biểu hiện các nhóm bệnh di truyền, ung thư, bệnh hiếm, vô sinh, sa sút trí tuệ… vì chi phí giảm và lại có ứng dụng thiết thực trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

Ngoài ra, ông đặc biệt nhấn mạnh, cần tăng cường nghiên cứu về protein bởi gen là sản phẩm của protein và nếu không nắm được cấu trúc và chức năng của các protein thì không thể hiểu biết về các hoạt động của gen. Nhưng theo ông, nghiên cứu về protein ở Việt Nam hiện đang bị “chững lại do thiếu cả kinh phí và con người”.

“Con voi Proteomics [ngành khoa học nghiên cứu protein] còn khổng lồ hơn” và việc nghiên cứu "nó" cũng khó hơn, ông nói và cho biết, từng xuất thân từ ngành hóa sinh protein, ông hiểu rõ nghiên cứu cấu trúc protein khó hơn so với giải trình tự gen như thế nào, bởi vậy lĩnh vực này thật sự “cần những con người Proteomics có trình độ cao”.

GS.TS Phan Tuấn Nghĩa, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, người đứng đầu một nhóm nghiên cứu mạnh cả về gen và protein, cũng cho rằng, nghiên cứu về protein ở Việt Nam còn ít và cần có đầu tư lớn hơn bởi “có một vài ba triệu đô thì đừng bao giờ nói chuyện nghiên cứu cấu trúc protein”.

Tại Hội thảo do Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tổ chức sáng 02/10, các nhà khoa học của Viện đã công bố các kết quả: giải trình tự toàn bộ hệ gen và bước đầu phân tích nhân chủng học tiến hóa người Việt Nam; nghiên cứu biến đổi gen ở những người có nồng độ dioxin trong máu cao; phân tích hệ gen biểu hiện phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh (ung thư, tim mạch, thần kinh, bệnh di truyền hiếm gặp, bệnh chưa xác định rõ nguyên nhân…); giám định gen hài cốt liệt sĩ.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều đơn vị nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu gen trong cả nước, như Học viện Quân y, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương, Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108…