Ngày 20/9, Viện Công nghệ Nano (INT) thuộc Đại học Quốc gia TPHCM đã kỷ niệm 15 năm thành lập (21/9/2004 - 21/9/2019). Trong quá trình hoạt động và phát triển, Viện luôn xác định hoạt động nghiên cứu khoa học luôn bám sát thực tiễn và phục vụ cộng động.
INT được thành lập từ năm 2004 (với tên là Phòng Thí nghiệm Công nghệ Nano - LNT) từ Dự án được tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới. Sự ra đời của LNT thời điểm đó đánh dấu bước khởi đầu cho việc phát triển công nghệ Micro-nano tại Đại học Quốc gia TPHCM và các tỉnh thành phía Nam. Tháng 11/2016, LNT được nâng cấp thành Viện Công nghệ Nano.
Đến nay INT được trang bị nhiều thiết bị nghiên cứu hiện đại ngang tầm với thế giới (trị giá khoảng 200 tỉ đồng), đặc biệt là 260m2 phòng sạch tiêu chuẩn quốc tế. Song song với đó, Viện đã xây dựng được đội ngũ 50 cán bộ, công chức, nhân viên, làm việc với tinh thân luôn nỗ lực tìm tòi, học hỏi định hướng nghiên cứu, tiếp cận với kỹ thuật tiên tiến.
PGS.TS Đặng Mậu Chiến – Viện trưởng INT, cho biết, từ khi thành lập đến nay, các cán bộ INT đã thực hiện 84 đề tài, dự án các cấp. Trong đó có các dự án quốc tế với quy mô lớn như dự án “Nghiên cứu xử lý chất thải trong nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi thành năng lượng điện thông qua pin nhiên liệu rắn thế hệ mới – góp phần phát triển bền vững vùng đồng bằng Sông Cửu Long (SATREPS)” do JICA tài trợ, hợp tác với Trường Đại học Kyushu, được tài trợ từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản, kinh phí khoảng 5 triệu USD; Dự án “Đẩy mạnh Đổi mới Sáng tạo thông qua Nghiên cứu, Khoa học và Công nghệ” (FIRST), do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ với kinh phí 2,5 triệu USD với mục đích giúp đơn vị tiến tới tự chủ và phát triển bền vững;...
Cũng với sự tài trợ của WB, Viện INT đã xây dựng Phòng thí nghiệm ISO 17025 trong 3 lãnh vực vật liệu, sinh học và điện tử.
Tính đến nay, Viện đã có 375 nghiên cứu được công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước, trong đó có 77 bài trên tạp chí ISI, 65 công bố quốc tế, chủ yếu là SCOPUS.
“Một trong những thế mạnh của Viện là nghiên cứu phục vụ cộng đồng, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu” – PGS Đặng Mậu Chiến chia sẻ và cho biết, mỗi năm Viện thu trên 2 tỷ đồng từ những hoạt động này.
Một số sản phẩm từ kết quả nghiên cứu của INT tiêu biểu được kể đến như Mô hình nhà kính kiểm soát thông số môi trường; Dung dịch Nano TiO2 ứng dụng phun trên thiết bị; Hệ thống chiếu sáng tự động dùng năng lượng mặt trời và đèn Led; Pin mặt trời; Đèn Led tiết kiệm năng lượng; Mực in nano kim loại bạc dùng trong công nghệ in phun và chế tạo linh kiện điện tử mcro-nano; Ăng – ten RFID được chế tạo bằng công nghệ in phun ứng dụng trong giao tiếp không dây; Thiết bị lọc nước ao nuôi tôm; Hệ thống quan trắc và cảnh báo xâm nhập mặn tự động; Hệ thống cảm biến nano dạng cầm tay;…
Tháng 4/2018, INT đã bàn giao các sản phẩm thử nghiệm - hệ thống cảm biến nano đánh giá chất lượng nước ao nuôi trồng thuỷ hải sản cho các công ty nuôi trồng thủy sản dùng thử nghiệm. Đồng thời, INT cũng đã trao tặng các hệ thống quan trắc và cảnh báo xâm nhập mặn tự động cho các địa phương ở Đồng bằng Sông Cửu Long như Bến Tre, An Giang, Vĩnh Long…
Bên cạnh hoạt động nghiên cứu, INT còn là đơn vị có nhiều đóng góp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực khoa học và công nghệ Micro - Nano. INT đã đào tạo cho các trường thành viên và trực thuộc Đại học Quốc gia TPHCM; đào tạo trình độ sau đại học cũng như nhận hướng dẫn sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đến từ các trường, viện nghiên cứu khác ở trong và ngoài nước. Viện hiện duy trì quan hệ hợp tác với khoảng 20 đơn vị trong nước và trên 30 trường đại học, viện nghiên cứu nước ngoài; tổ chức và tích cực tham gia các nhiều hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế.
Nhân dịp Kỷ niệm 15 năm thành lập, INT tổ chức “INT Open Day” với các hoạt động triển lãm sản phẩm, tham quan thiết bị và phòng thí nghiệm tại INT.