Hầu hết những người thương tiếc cái chết của Nữ hoàng Elizabeth II đều không ở gần bà hay có liên quan gì gần gũi. Dưới đây là lý giải của các nhà nghiên cứu.
Cái chết của Nữ hoàng Elizabeth II ở tuổi 96 đã gây xúc động mạnh - cả ở Vương quốc Anh và trên toàn cầu. Gia đình và những người bạn thân thiết của bà đang đau buồn vì mất đi một người thân, nhưng vì sao những người khác cũng cảm thấy đau buồn? Cảm giác mất mát đối với một người mà bạn chưa từng gặp có thực sự là đau buồn không?
Những người đến viếng Nữ hoàng Elizabeth II tại Cung điện Buckingham.
Hầu hết các nghiên cứu đã có về nỗi đau buồn đều tập trung vào việc mất cha mẹ, bạn thân hoặc vợ/chồng, Michael Cholbi, nhà triết học và đạo đức học tại Đại học Edinburgh, Anh, cho biết. Ít được để ý đến là mối quan hệ một chiều, khi một người dành tình cảm và suy nghĩ cho một người hoàn toàn không hề biết về sự tồn tại của họ, thường xảy ra giữa người bình thường và nhân vật nổi tiếng. “Tôi chắc chắn rằng các mối quan hệ một chiều có thể làm nảy sinh đau buồn, và tôi không hiểu tại sao chúng ta cứ cho rằng đau buồn sẽ chỉ nảy sinh và có ý nghĩa trong bối cảnh của các mối quan hệ có đi có lại", Cholbi nói.
Theo Cholbi, cũng là hợp lẽ khi người ta đau buồn trước cái chết của những nhân vật nổi tiếng bởi họ đã ít nhiều đồng nhất mình với những nhân vật đó - họ theo đuổi các giá trị mà những nhân vật đó đại diện, hoặc ngưỡng mộ thái độ của những nhân vật đó. Theo cách này, với những người yêu thích Nữ hoàng, cái chết của bà là sự mất đi một người góp phần vào các giá trị và mối quan tâm của họ. "Giống như mất đi một phần của bản thân", Cholbi giải thích.
Có một lý thuyết gọi là thế giới giả định, cho rằng một người có những giả định vững chắc về thế giới. “Những mất mát gây đau buồn là những thứ phá vỡ thế giới giả định đó, điều này phần nào giải thích cảm giác đau buồn về cái chết của Nữ hoàng”, nhà triết học Louise Richardson, đồng giám đốc của một dự án nghiên cứu nỗi đau buồn tại Đại học York, Vương quốc Anh, cho biết. Chẳng hạn, một người có thể đau buồn vì họ vẫn giả định rằng thế giới luôn có Nữ hoàng Elizabeth II.
Để vượt qua nỗi đau buồn về cái chết của người nổi tiếng, một nghiên cứu từ năm 2012 đề xuất một quá trình gọi là nội hóa (introjection), theo đó, người ta sẽ xác định các phẩm chất mà họ cho rằng người vừa mất sở hữu, và sống theo các phẩm chất đó, Andy Langford, giám đốc lâm sàng của tổ chức từ thiện Cruse có trụ sở tại London, giải thích. Cách này có thể giúp ích cho những người đang trong trạng thái đau buồn, Langford nói và lưu ý, sự đau buồn khi mất đi một nhân vật của công chúng là có thật, không phải là giả tạo.
Đối với một người không có quan hệ gần gũi, chẳng hạn như Nữ hoàng, Langford kỳ vọng nỗi đau sẽ qua nhanh hơn so với việc mất đi một ai đó gần gũi. Thời gian, sự gần gũi và thân thiết là các yếu tố làm nên một mối quan hệ, và cũng quyết định mức độ đau buồn.
Các nhà nghiên cứu khác đồng ý rằng rất ít khả năng xảy ra đau buồn kéo dài ở những người thương tiếc Nữ hoàng. Đau buồn kéo dài là tình trạng tâm lý tiếp diễn dữ dội, có thể kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm.
Nguồn: