Nhờ khả năng chống lây nhiễm, vaccine dạng xịt trở thành tương lai của vaccine COVID? Đó là hy vọng của hàng chục nhóm nghiên cứu và các công ty đang nghiên cứu về vaccine COVID. Thay vì tiêm bắp thông thường, các loại vaccine sẽ được nhỏ qua mũi hoặc miệng nhằm mục đích cải thiện khả năng chống lây lan virus SARS-CoV-2.

Trong đầu tháng chín này, một phiên bản vaccine dạng hít do Công ty CanSino Biologics của Trung Quốc sản xuất ở Thiên Tân, đã được phê duyệt để sử dụng làm liều vaccine tăng cường ở Trung Quốc. Đây là một trong hơn 100 loại vaccine uống hoặc mũi đang được phát triển trên khắp thế giới. Những loại vaccine này có thể tạo ra các tế bào miễn dịch trong màng nhầy mỏng nằm trong các hốc trong mũi và miệng nơi SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể và nhanh chóng ngăn chặn virus trước khi virus kịp lây lan đi các cơ quan hô hấp. Các nhà phát triển vaccine hy vọng rằng những loại vaccine xịt thẳng vào cơ quan hô hấp này sẽ ngăn ngừa ngay cả những trường hợp bệnh nhẹ và ngăn chặn truyền lây virus sang người khác.



Bài viết trên Nature mới đây giải thích lý do tại sao vaccine niêm mạc có thể giúp ngăn chặn SARS-CoV-2. Và có thể vaccine dạng xịt còn tốt hơn vaccine thông thường.

Các vaccine COVID-19 đang được sử dụng giúp người bị nhiễm không tăng nặng, không tử vong, và giúp giảm tỉ lệ nhập viện rất lớn, nhưng không ngăn chặn được việc người bị nhiễm virus chịu đựng các triệu chứng bệnh nhẹ cũng như không giúp ngăn ngừa lây truyền virus.
Có một lý do là các vaccine truyền thống được tiêm vào cơ. Tiêm bắp thúc đẩy phản ứng miễn dịch bao gồm các tế bào T, tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh và tế bào B, tạo ra các kháng thể vô hiệu hóa virus- ngăn virus xâm nhập vào các tế bào khỏe mạnh. Các tế bào và kháng thể này lưu thông trong máu nhưng mật độ ở trong mũi và phổi không đủ cao để giúp tạo ra tấm khiên bảo vệ ngay ở cơ quan hô hấp trên một cách nhanh chóng. Trong thời gian đủ để các tế bào T và kháng thể di chuyển trong máu thì virus sẽ lây lan và người bệnh sẽ vẫn nhiễm bệnh.

Vaccine xịt vào niêm mạc cơ quan hô hấp trên có thể tạo ra phản ứng miễn dịch trong toàn cơ thể, nhưng chúng cũng có thể kích hoạt các tế bào miễn dịch trong mô niêm mạc của mũi và đường hô hấp. Benjamin Goldman-Israelow, bác sĩ kiêm nhà khoa học tại Trường Y Yale ở New Haven, Connecticut, ví những tế bào khu trú này “hoạt động như những lính canh tại nơi bắt đầu lây nhiễm”.

Các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm vaccine dạng xịt cả ở liều đầu tiên cho những người chưa được chủng ngừa và làm liều tiêm tăng cường cho những người đã được tiêm COVID-19. Một số vaccine ở dạng xịt nhưng cũng có vaccine được phun dưới dạng lỏng hoặc nhỏ giọt lên mũi. Mỗi loại sẽ có cách sử dụng khác nhau. Ví dụ, vaccine niêm mạc do CanSino phát triển cũng giống như vaccine tiêm, nhưng được đóng gói thành bình xịt và hít qua miệng bằng máy phun sương với liều lượng bằng 1/5 liều của phiên bản tiêm. Một số loại vaccine niêm mạc đang trong quá trình phát triển được nuốt dưới dạng thuốc viên.

Theo Công ty Phân tích dữ liệu sức khỏe Airfinity, hiện nay có khoảng 100 loại vaccine COVID-19 niêm mạc đang được phát triển trên toàn cầu. Khoảng 20 trong số đó đã được thử nghiệm lâm sàng ở người, trong đó ít nhất bốn vaccine - ở Ấn Độ, Iran và hai vaccine ở Trung Quốc - đã hoàn thành hoặc đang trải qua các nghiên cứu giai đoạn III để kiểm tra tính an toàn và so sánh hiệu quả so với các vaccine khác. Iran đã phê duyệt khẩn cấp vaccine vào tháng 10 năm 2021 và ít nhất 5 triệu liều đã được chuyển đến Bộ Y tế nhưng vẫn chưa công bố dữ liệu về hiệu quả. Nga được cho là đã phê duyệt vaccine niêm mạc cho thị trường của mình nhưng chưa công bố dữ liệu.

Còn ở châu Âu và Mỹ, sẽ thêm một hai năm nữa mới có dữ liệu thử nghiệm trên người trên quy mô lớn vì bây giờ nhiều nước không có cảm giác cấp bách trong việc chạy đua phát triển vaccine mới so với khi bắt đầu đại dịch. Các quốc gia hiện nay dường như hài lòng với biện pháp bảo vệ chống nhập viện hơn là lây nhiễm. Trước khi có thêm vaccine dạng mũi để chống lây nhiễm thì các quốc gia phải dựa vào thuốc tăng cường tiêm bắp để duy trì khả năng miễn dịch.

***

Hiện nay đã có ít nhất chín loại vaccine dạng xịt/ nhỏ giọt vào niêm mạc được chấp thuận sử dụng, bao gồm vaccine chống virus bại liệt, cúm và bệnh tả. Vaccine ngừa bại liệt dạng uống, giúp hình thành miễn dịch ở ruột, rất thành công và gần đạt được miễn dịch tuyệt đối. Đối với các bệnh khác, vaccine xịt vào niêm mạc không thành công như vậy - đôi khi do vaccine tạo ra phản ứng miễn dịch ở trẻ nhỏ tốt hơn nhưng không tạo ra phản ứng miễn dịch đủ mạnh ở người lớn hoặc đôi khi do gây ra các phản ứng phụ.

Theo Nature