Các thuốc kháng virus chống lại SARS-CoV-2 đầu tiên được phê duyệt tỏ ra đầy hứa hẹn, nhưng vẫn cần các loại thuốc mới để đề phòng tình trạng kháng thuốc và chống lại các virus corona có thể gây đại dịch tiếp theo.

Triển khai vaccine COVID-19 vào đầu năm 2021 là một cột mốc quan trọng đầu tiên trong cuộc chiến chống lại đại dịch toàn cầu. Cột mốc quan trọng thứ hai là thuốc các kháng virus, Molnupiravir Paxlovid, được phê duyệt vào cuối năm 2021 và hứa hẹn sẽ làm giảm số ca nhập viện và tử vong do COVID-19.

Hiện tại, nguồn cung những loại thuốc này đang thiếu hụt nghiêm trọng. Nhưng khi chúng trở nên phổ biến rộng rãi hơn - và nếu dữ liệu thử nghiệm lâm sàng phản ánh đúng hiệu quả thực tế - những loại thuốc này sẽ trở thành công cụ chống dịch quan trọng, Sara Cherry, nhà miễn dịch học tại Trường Y Perelman thuộc Đại học Pennsylvania, Philadelphia, nói.

Đề phòng nguy cơ kháng thuốc

Các thuốc kháng virus đạt hiệu quả cao thường nhắm mục tiêu vào một trong hai phần quan trọng trong bộ máy sinh học của virus, một polymerase và một protease, cả hai phần này đều cần thiết để virus có thể nhân lên. Thuốc điều trị COVID hiện tại cũng không ngoại lệ. Paxlovid ức chế protease chính của SARS-CoV-2, còn Molnupiravir đánh lừa RNA polymerase của virus để kết hợp một phần của thuốc vào RNA của virus, tạo ra rất nhiều lỗi khiến virus không thể tồn tại.

Vẫn chưa rõ liệu SARS-CoV-2 có khả năng phát triển khả năng kháng thuốc đối với các loại thuốc kháng virus thế hệ đầu tiên này hay không, Tim Sheahan, nhà virus học tại Đại học Bắc Carolina, cho biết. Nhưng nguy cơ kháng thuốc là đặc biệt nghiêm trọng đối với các thuốc 'đơn trị liệu' như Molnupiravir và Paxlovid - thuốc chỉ nhắm vào một phần của virus. Đó là lý do tại sao cần phát triển các loại thuốc kháng virus mới, nhắm mục tiêu vào nhiều vị trí khác nhau trên virus, hoặc kết hợp nhiều loại thuốc - mỗi thuốc tấn công một vị trí - trong một liệu trình điều trị, Sheahan nói. Nhưng không may là cơ chế hoạt động của Molnupiravir không thể kết hợp với các thuốc khác, theo Luis Schang, nhà virus học ở Đại học Cornell. Bởi vì nếu virus ở bệnh nhân chưa bị quét sạch hoàn toàn, một số lỗi RNA mà Molnupiravir tạo ra có thể vô tình khiến virus kháng thuốc còn lại trong tổ hợp.

Vì thế các nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm ra một loại thuốc có thể ngăn chặn RNA polymerase của virus, và kết hợp thuốc đó với một thuốc ức chế protease, như Paxlovid, để tấn công cùng lúc hai phần quan trọng trên virus. Hãng dược Gilead đã phát triển thuốc Remdesivir ức chế RNA polymerase, nhưng thuốc này khá đắt tiền và phải tiêm tĩnh mạch; hãng hiện đang thử nghiệm Remdesivir phiên bản thuốc uống.

Chế độ điều trị nhanh chóng và đơn giản cũng góp phần ngăn chặn kháng thuốc, vì nếu điều trị trong thời gian dài, virus có thể phát triển khả năng kháng thuốc trong khi nó tiếp tục nhân lên và tàn phá cơ thể.

Carl Dieffenbach, giám đốc bộ phận AIDS tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ (NIAID), cho biết đang có các ứng viên thuốc kháng virus khác có liệu trình đơn giản hơn. Một trong số đó là một chất ức chế protease do công ty Shionogi&Company, có trụ sở ở Osaka, và Đại học Hokkaido, phát triển và đang được thử nghiệm lâm sàng ở châu Á. Thuốc nhắm mục tiêu đến cùng một loại protease như Paxlovid nhưng chỉ cần uống một viên duy nhất mỗi ngày. (Paxlovid mỗi ngày cần uống 6 viên.)

Các quầy thuốc trên toàn thế giới đang tìm cách dự trữ thuốc kháng virus điều trị COVID-19 Paxlovid (trong ảnh) và Molnupiravir.

Các mục tiêu tiềm năng khác bao gồm PLpro - một protease khác trong SARS-CoV-2, và một methyltransferase - một enzyme có tác dụng ổn định RNA của virus, theo Matt Hall, giám đốc chi nhánh triển khai sớm tại trung tâm NCATS của Mỹ. Clear Creek Bio, công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại Cambridge, Massachusetts, vừa thông báo sẽ hợp tác với NCATS để phát triển một loại thuốc uống nhắm mục tiêu đến PLpro.

Theo Dieffenbach, lý tưởng nhất là xác định các mục tiêu phổ biến ở các họ virus, và phát triển một loại thuốc ức chế duy nhất đối với mỗi họ. Khi đó, các cơ quan y tế công cộng có thể nhanh chóng triển khai một loại thuốc kháng virus hiệu quả khi một loại virus mới có khả năng gây đại dịch xuất hiện.

Tuy nhiên, tất cả các thuốc kháng virus đều phải đối mặt với một hạn chế cố hữu, Dieffenbach nói: phải uống trong vòng vài ngày kể từ khi bị nhiễm để ngăn virus sinh sôi. Thuốc kháng virus chỉ có hiệu quả nếu mọi người được xét nghiệm kịp thời để phát hiện bệnh. “Ngay cả khi có những loại thuốc tốt nhất, nhưng nếu người bệnh không hiểu rằng họ phải nhanh chóng điều trị, thì cũng sẽ không có tác dụng gì."

Nguồn: