Một nghiên cứu "độc nhất vô nhị" vừa được công bố hôm qua trên tạp chí Science, giúp lý giải tại sao các vaccine cúm nhanh chóng bị mất tác dụng.

Liều vaccine ngừa cúm hằng năm cứu sống hoặc giúp nhiều người giảm nhẹ mức độ của bệnh, bởi vậy các chính phủ và người sử dụng lao động thường khuyến khích và trợ cấp cho việc tiêm vaccine này.

Nhưng các vaccine ngừa cúm chỉ cung cấp khả năng bảo vệ tương đối. Các loại vaccine tốt nhất - chẳng hạn như vaccine phòng bệnh sởi, rubella và bạch hầu - bảo vệ gần như 100% số người được tiêm với thời gian miễn dịch kéo dài cả đời. Trong khi đó, các vaccine cúm thường không theo kịp sự phát triển nhanh chóng của virus cúm, vì vậy hiệu quả của chúng thay đổi hằng năm: Ở Hoa Kỳ từ năm 2009 đến 2019, tỷ lệ hiệu quả dao động từ mức thấp là 19% đến mức cao là 60%. Và thời gian bảo vệ của vaccine cúm cũng rất ngắn: Nếu bạn sống ở một vùng ôn đới và được tiêm vào đầu mùa thu, khả năng miễn dịch có thể biến mất trước khi mùa đông năm đó kết thúc.

Tế bào huyết tương tủy xương (BMPC) phụ trách sản sinh kháng thể. Vaccine cúm hiện nay không tạo ra được các BMPC tồn tại lâu dài, do đó phản ứng miễn dịch nhanh chóng biến mất.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề độ bền của các vaccine cúm, Rafi Ahmed, nhà miễn dịch học tại Trường Y Đại học Emory, đã nghiên cứu và khám phá ra một loại tế bào quan trọng ẩn trong tủy xương, xuất hiện sau khi tiêm vaccine và phụ trách sản xuất kháng thể, nhưng dần biến mất trong vòng vài tháng sau tiêm vaccine cúm. Nghiên cứu vừa được công bố hôm qua, ngày 13/8, trên tạp chí Science, và được trang tin Science gọi là "một nghiên cứu độc nhất vô nhị".

Các tế bào B nói chung có vai trò tạo ra kháng thể, kháng thể gắn vào và vô hiệu hóa virus. Ahmed tập trung vào một loại tế bào B được gọi là tế bào huyết tương tủy xương (BMPC), là tế bào liên tục sản xuất kháng thể sau khi cơ thể bị nhiễm trùng hoặc tiêm chủng một lần.

Vào năm 1996, nhóm của Ahmed đã chỉ ra rằng, một số BMPC có thể sống trong nhiều năm, nghĩa là về lý thuyết, chúng có thể tạo ra khả năng miễn dịch lâu dài. Tuy nhiên, liệu vaccine cúm có kích hoạt mức BMPC cao hay không và nếu có, liệu các BMPC tạo ra bởi vaccine cúm có sống lâu hay không vẫn là một bí ẩn.

Để tìm câu trả lời, Ahmed và các đồng nghiệp liên tục kiểm tra tủy xương và máu của 53 tình nguyện viên trong độ tuổi từ 20 đến 45 tuổi trong những tuần và tháng trước và sau khi họ tiêm vaccine cúm. Nghiên cứu này rất khó khăn đối với các tình nguyện viên: Việc lấy mẫu tủy xương là một quy trình đau đớn, đòi hỏi phải dùng những chiếc kim đặc biệt đâm vào xương chậu. “Tôi nghĩ sẽ không ai có thể thử làm điều tương tự nữa," Ahmed nói.

Rino Rappuoli, nhà khoa học chính tại GlaxoSmithKline Vaccines, cho biết, ông không biết về nghiên cứu nào khác lấy mẫu tủy xương để nghiên cứu vaccine. “Nghiên cứu của Rafi thật tuyệt vời và tiên phong," Rappuoli nói.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy các BMPC đặc hiệu cho bệnh cúm, sản và tồn tại trong cơ thể 4 tuần sau khi tiêm vaccine. Nhưng sau 1 năm, các tế bào mới này hầu như không còn. “Phát hiện này rất nhất quán với nồng độ kháng thể [trong máu] suy giảm nhanh chóng, và giảm khả năng bảo vệ ở người, sau khi tiêm vaccine cúm," Adam Wheatley, nhà miễn dịch học tại Đại học Melbourne, cho biết. "Đây là một nghiên cứu thực sự hay."

Chiến lược mới để tăng độ bền của vaccine

“Nghiên cứu này đã góp phần giải thích tại sao phản ứng miễn dịch cúm chỉ tồn tại trong thời gian ngắn," Mark Slifka, nhà miễn dịch học tại Trung tâm Nghiên cứu Linh trưởng Quốc gia Oregon, nói.

Nhưng Slifka cho rằng, trong quần thể BMPC được kích thích bởi vaccine cúm vẫn có thể có một tỷ lệ nhỏ các BPMC sống lâu, nhưng không bị phát hiện trong nghiên cứu, và chúng có thể cung cấp khả năng bảo vệ lâu dài hơn. Theo Slifka, để tăng cường sự hiện diện của các BPMC sống lâu, có thể kích thích cơ thể tạo ra nhiều BMPC hơn, chẳng hạn như sử dụng các mũi tiêm bổ trợ, chất phụ gia cho vaccine hoạt động như chất gây kích ứng, làm tăng phản ứng miễn dịch. Một cách khả thi khác là tăng lượng protein của virus trong vaccine.

Các loại vaccine cúm đầu tiên, được phát triển vào những năm 1940, có sử dụng chất bổ trợ, nhưng gây loét vết tiêm nên đã bị ngừng sử dụng sau này. Để giảm hơn nữa các phản ứng không mong muốn, các nhà nghiên cứu cũng ngừng sử dụng virus đã chết, mà chỉ dùng các protein bề mặt của virus cúm. Kết quả là vaccine cúm hiện nay có ít protein của virus hơn và không có chất tăng cường miễn dịch. Slifka cho biết những loại vaccine theo kiểu mới này, được sử dụng rộng rãi ngày nay, gây ít tác dụng phụ hơn, có điều cái giá phải trả là độ bền của phản ứng miễn dịch cũng kém hơn.

Nhưng trong 2 thập kỷ qua, nhiều tá dược cải tiến đã được cấp phép. Một loại vaccine cúm cải tiến có chất bổ trợ đã được sử dụng ở Ý từ năm 1997 và được các cơ quan quản lý của Châu Âu và Hoa Kỳ lần lượt phê duyệt vào năm 2000 và 2015. Nhưng liệu nó có thể kích hoạt các BMPC sống lâu hay không thì vẫn chưa rõ ràng. Không tình nguyện viên nào trong nghiên cứu của Ahmed được tiêm vaccine này - khi dự án của Ahmed bắt đầu, vaccine này thậm chí còn chưa được cấp phép ở Hoa Kỳ. "Thật đáng tiếc”, Rappuoli nói.

“Thật là điên rồ" khi hầu hết các loại vaccine cúm được sử dụng phổ biến không bao gồm chất bổ trợ, Ahmed nói. “Tôi hy vọng rằng mọi thứ sẽ thay đổi trong thế giới vaccine cúm và 10 năm nữa, bạn sẽ không phải tiêm bất kỳ loại vaccine nào không có chất bổ trợ."

Nguồn: