Dù đã được thiết kế và thi công theo phương pháp hợp vệ sinh, có lớp lót đáy và thành ô chôn lấp nhưng bãi Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội) vẫn gặp tình trạng ô nhiễm kim loại nặng vượt quá quy chuẩn từ 1,5 đến 2 lần.

Vị trí bãi chôn lấp và vị trí khoan lấy mẫu.
Vị trí bãi chôn lấp và vị trí khoan lấy mẫu.

Trước khi đầy và ngưng hoạt động vào khoảng năm 2017, bãi chôn lấp Kiêu Kỵ thuộc Khu xử lý rác thải Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội đã tiếp nhận từ 170 đến 180 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày. Tính đến thời điểm đóng cửa, bãi chôn lấp này đã đi vào hoạt động được 17 năm. Dù không bốc mùi hôi thối gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân như nhiều bãi rác trên cả nước nhưng bãi chôn lấp Kiêu Kỵ lại gặp phải một kiểu ô nhiễm khác từ việc thấm nước rỉ rác một cách âm thầm. Là chất lỏng sinh ra từ quá trình phân hủy chất thải hoặc do nước mưa thấm vào bãi rác, nước rỉ rác chứa nhiều thành phần độc hại, không những có hàm lượng các chất hữu cơ, nitơ, lưu huỳnh cao, mà còn có hàm lượng đáng kể các kim loại nặng. Hầu hết các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy rác thải và nước rỉ rác có vai trò gây ô nhiễm làm gia tăng hàm lượng kim loại nặng trong đất và nước dưới đất dựa trên các phân tích đánh giá theo không gian và giá trị hàm lượng kim loại nặng nền trong môi trường. Nếu không được xử lý, loại bỏ kim loại nặng, nước rỉ rác ngoài việc làm ô nhiễm nước mặt còn có thể góp phần gia tăng hàm lượng kim loại nặng trong đất và nước ngầm.

Với mục tiêu tìm hiểu về quá trình ô nhiễm kim loại nặng ở Kiêu Kỵ - một bãi chôn lấp điển hình ở khu vực vùng Đồng bằng Bắc Bộ, Việt Nam, nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hà (Khoa Kỹ thuật Môi trường, trường Đại học Xây dựng HN) đã thực hiện nghiên cứu “Ô nhiễm kim loại nặng từ bãi chôn lấp rác thải đến môi trường đất: Bãi chôn lấp Kiêu Kỵ - Gia Lâm - Hà Nội” và xuất bản một phần kết quả nghiên cứu trên tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Các Khoa học Trái đất và Môi trường (ĐHQGHN).

Để có được cái nhìn cận cảnh hơn về tình trạng ô nhiễm kim loại nặng ở đây, chị đã tiến hành lấy các mẫu đất bằng phương pháp khoan tay tại nhiều nơi: vị trí bên rìa ô chôn lấp và đã không còn dùng để chôn lấp rác nữa, vị trí nằm ngoài tường rào phạm vi bãi chôn lấp nhằm xác định đặc trưng phân bố các lớp đất khác nhau tại khu vực Kiêu Kỵ. Việc thu thập các mẫu đất này được tiến hành trong năm 2016, và được đưa về phòng thí nghiệm xử lý rồi đem đi phân tích hàm lượng kim loại nặng theo phương pháp phổ khối Plasma thuộc nhóm phân tích quang phổ phát xạ nguyên tử (atomic emission spectrometry-AES), một phương pháp có độ chính xác cao và có thể đạt được kết quả tới giới hạn ppb hay ppt (tức 1x10-12).

Kết quả phân tích cho chúng ta thấy những gì? Đó là hàm lượng asen, cadimi, crom(III), chì và thủy ngân trong nước rỉ rác đều cao hơn giá trị của thông số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp, hàm lượng crom(III) và chì vào tháng 4/2016 cao hơn giá trị cột quy định giá trị tương tự khi xả vào nguồn nước của QCVN 40:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.

Không chỉ vậy, kết quả cũng cho thấy các mẫu đất được lấy từ các lỗ khoan ở rìa bãi chôn lấp có hàm lượng kim loại nặng tương đối cao, dù có xu thế giảm dần theo chiều sâu, trong đó hàm lượng asen, crom, chì tại nhiều vị trí vượt quá QCVN 03-MT: 2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn cho phép của một số kim loại nặng trong đất. Đặc biệt, hàm lượng cao nhất của asen là 28-30g/kg và của crom là 154-294mg/kg đã vượt quá quy chuẩn này từ 1,5 đến 2 lần. Hàm lượng crom cao trong mẫu đất bề mặt cũng cho thấy, trong ô chôn lấp có các chất thải chứa thành phần có crom, ví dụ như chất thải đồ da, chất bảo quản gỗ, chất thải của ngành hội họa, các loại sơn, thực phẩm công nghiệp.

Những kết quả ban đầu này cho thấy nước rỉ rác ở bãi chôn lấp Kiêu Kỵ đã làm ô nhiễm đất, càng gần ô chôn lấp thì mức độ ô nhiễm càng lớn hơn. Điều đáng chú ý là ô nhiễm này diễn ra tại bãi rác thải được chôn lấp theo phương pháp hợp vệ sinh trong khi theo báo cáo của Cục hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) từ năm 2016 thì rác thải ở Việt Nam chủ yếu được chôn lấp nhưng có tới 70% bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, trong 660 bãi chôn lấp trên cả nước với tổng diện tích hơn 4.900 ha chỉ có 203 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Vậy tình trạng các bãi chôn lấp này ra sao? Có ở mức trầm trọng hơn không? Có lẽ, không chỉ nghiên cứu này của tác giả Hoàng Ngọc Hà, cần có thêm nhiều nghiên cứu khác sâu hơn để có được cái nhìn rộng hơn và chính xác hơn về tình trạng ô nhiễm kim loại nặng cũng như nhiều chỉ tiêu ô nhiễm khác trên những bãi chôn lấp điển hình ở Việt Nam.

Trong nghiên cứu của mình, tác giả Hoàng Ngọc Hà cho rằng cần phải tiến hành phân tích thêm về hàm lượng asen và crom trong rác thải, nước rỉ rác và trong đất ở các khu vực khác nhau trong khu vực bãi chôn lấp Kiêu Kỵ để có cơ sở chắc chắn kết luận về sự ô nhiễm đất do rác thải và nước rỉ rác tại khu vực bãi rác này cũng như các bãi chôn lấp rác thải khác. Bên cạnh đó, tác giả cho rằng “cần tiến hành các nghiên cứu chuyên ngành cần thiết để phục vụ thiết lập mô hình mô phỏng đánh giá phát tán và lan truyền các kim loại nặng trong đất khu vực chôn lấp rác thải theo chiều sâu, theo diện và theo thời gian”.