Loại vật liệu xốp 3 chiều bằng polimer có thuộc tính phỏng sinh học do các nhà khoa học Nga phát triển có thể giúp khôi phục lại một số bộ phận xương bị mất do chấn thương hoặc bệnh tật.
Theo tạp chí Cell and Tissue Biology, các nhà khoa học Nga đã phát triển được loại vật liệu mới có thể khôi phục lại một số bộ phận xương bị mất do chấn thương hoặc bệnh tật và qua các thử nghiệm gần đây, loại vật liệu xốp 3 chiều bằng polimer mang tính phỏng sinh học đó đã khiến cơ thể nhầm tưởng là các mô của chính nó.
Một “ma trận” polymer chứa các tế bào của một cơ quan nhất định được gắn vào nơi bị tổn thương, dù đó là gan, xương hay mạch máu. Nhờ vật liệu được chế tạo từ các thành phần tương thích sinh học (chitosan và collagen) nên không bị cơ thể đào thải. Theo thời gian, mô tự nhiên hình thành sẽ thay thế cho mô nhân tạo và “ma trận” cấy ghép tự phân hủy.
Trưởng nhóm nghiên cứu Vladimir Yudin giải thích rằng các nhà khoa học không lừa dối tự nhiên, mà chỉ giúp cơ thể đối phó với căn bệnh mới xuất hiện.
Hiện nay, đang có những cuộc tranh luận gay gắt về việc nên thay thế cơ quan tự nhiên của người bằng cơ quan cấy ghép hay khôi phục lại cơ quan bị tổn thương. Khi cấy ghép cơ quan nhân tạo, người bệnh phải liên tục uống thuốc để cơ quan cấy ghép không bị đào thải.
Nay, các nhà khoa học đã phát triển một công nghệ để tạo ra các vật liệu tương thích sinh học, kích thích sự phục hồi của các mô tự nhiên. Họ cũng học cách điều chỉnh thời gian để các vật liệu đó phân hủy. Điều quan trọng là các vật liệu được cấy ghép không bị phân hủy trước khi mô mới được hình thành.
Kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy sau một khoảng thời gian nhất định, miếng ghép ba chiều ăn liền vào mô xương tự nhiên, trong khi vật liệu tự phân hủy. Miếng ghép collagen cũng được nghiên cứu thành công với cả các mô gan và mô cơ.
Theo Motthegioi