Trong “Utopia – Hành trình xây dựng xã hội với tầm nhìn xa”, Rutger Bregman - nhà lịch sử người Hà Lan, đồng thời là một trong những nhà tư tưởng trẻ tuổi nổi bật nhất châu Âu hiện nay - đề cập/đề xuất nhiều ý tưởng “không tưởng” mới để tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn cho nhân loại.

Ý tưởng lớn đầu tiên mà ông cổ vũ nhiệt tình là thu nhập cơ bản vô điều kiện (Universal basic income -UBI) cho mọi người - thoạt nghe có vẻ điên rồ, nhưng với những bằng chứng thuyết phục, ông đã chứng minh đây là một ý tưởng cực kỳ hợp lý.

Cuốn sách của Rutger Bregman được xuất bản lần đầu tại Hà Lan vào năm 2014, sau đó được xuất bản bằng tiếng Anh và trở thành sách bán chạy tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Ông dẫn ra câu chuyện: Năm 2009, một tổ chức đã thử nghiệm cấp cho 13 người vô gia cư tại London mỗi người 3.000 bảng không kèm theo bất cứ một điều kiện nào. Điều duy nhất họ được hỏi là “Bạn nghĩ mình cần gì?”. Những người hoài nghi cho rằng, nhóm người vô gia cư này chắc chắn sẽ tiêu xài phung phí số tiền đó, để rồi sớm quay trở lại vạ vật dưới gầm cầu.

Trên thực tế, hầu hết trong số họ đều rất tiết kiệm. Sau một năm, trung bình họ chỉ tiêu khoảng 800 bảng. 9/13 người đã có hoặc chuẩn bị dọn vào căn hộ của riêng mình. Toàn bộ 13 người đều có những tiến bộ lớn trong việc kiểm soát chi tiêu và phát triển cá nhân. Họ đã đăng ký tham gia học nấu ăn, cai nghiện, thăm gia đình và lập kế hoạch cho tương lai.

Tác giả Rutger Bregman.

Sau nhiều thập kỷ thúc ép, lôi kéo, nuông chiều, trừng phạt, truy tố không có kết quả; cuối cùng những kẻ vô gia cư khét tiếng đã rời khỏi đường phố London, với một chi phí thấp hơn nhiều so với khoảng 400.000 bảng mà thành phố phải chi hằng năm cho đội ngũ cảnh sát, tòa án, nhân viên xã hội để ngăn những người vô gia cư đó làm bậy.

Kết hợp thêm bằng chứng từ các thử nghiệm khác cho người nghèo của GiveDirectly (tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ người nghèo ở Đông Phi) và Chính phủ Uganda, Liberia, Canada…; Bregman chứng minh rằng dưới sức ép của đói nghèo, con người dễ đưa ra những quyết định sai lầm tệ hại. Nhưng điều này sẽ thay đổi khi chúng ta cung cấp cho họ một nền tảng tài chính vững chắc.

Tóm lại, Bregman cho rằng muốn người nghèo phát triển mạnh mẽ, hãy trao cho họ quyền tự chủ và phẩm giá có được từ việc có đủ tiền trang trải cuộc sống. Thứ hai, việc này cần thực hiện không kèm theo ràng buộc nào, bởi vì ‘tiền miễn phí’ hiệu quả hơn bất kỳ lựa chọn nào khác.

Ý tưởng lớn thứ hai mà Bregman đề cập trong cuốn sách là tuần làm việc 15 giờ. Mở đầu cuộc thảo luận của mình, ông đưa độc giả trở lại với một trong những nhà tư tưởng tư bản vĩ đại của thế kỷ trước – John Maynard Keynes. Keynes tin rằng năng suất của chủ nghĩa tư bản sẽ dẫn đến một tuần làm việc không quá 15 giờ. Và đến năm 2030, máy móc sẽ rất tinh vi và xã hội được tổ chức tốt đến mức hầu hết thời gian của con người sẽ được dành cho tình yêu và học tập.

Thực tế thì đến nay, thay vì khai thác năng suất để dành ít thời gian hơn cho việc sản xuất những thứ cần thiết, con người lại dành nhiều thời gian hơn để sản xuất những thứ không cần thiết. Hầu hết loài người bây giờ đều mắc kẹt trong “những công việc nhảm nhí”, trả tiền cho những thứ chúng ta không muốn và cũng không cần. Đó là lý do tại sao Bregman cho rằng cuộc chiến chống lại việc làm lãng phí thời gian và chủ nghĩa tiêu dùng tràn lan sẽ đại diện cho những cuộc đấu tranh tiến bộ lớn trong thời đại chúng ta.

Mục tiêu không tưởng thứ ba Bregman đề xuất, cũng là quan điểm mang tính cách mạng sâu sắc nhất: mở cửa biên giới. Bregman nhận thấy, yếu tố quan trọng nhất quyết định sức khỏe, sự giàu có, tuổi thọ hoặc trình độ học vấn của một người không phải là họ làm việc chăm chỉ như thế nào, hoặc họ đã học ở đâu, mà là nơi họ sinh ra và họ nang hộ chiếu nào. “Cùng một công việc, một người Mỹ trung bình kiếm được gần gấp ba lần so với một người Bolivia, ngay cả khi họ có cùng trình độ kỹ năng, độ tuổi và giới tính. Với một người Nigeria, sự khác biệt là 8,5 – và điều đó được điều chỉnh theo sức mua ở hai quốc gia”. Điều này giống như phân biệt chủng tộc trên quy mô toàn cầu.

Nhưng ngoài sự phẫn nộ về đạo đức, Bregman còn chứng minh đường biên đóng hoàn toàn không hiệu quả về mặt kinh tế. Với hàng tỷ đô-la “hỗ trợ phát triển” đã chảy qua kho bạc của các quốc gia tham nhũng hoặc các tổ chức phi chính phủ quốc tế, không ai dám chắc chắn rằng viện trợ thực sự hoạt động hiệu quả. Ngược lại, như hầu hết các nhà kinh tế đều đồng ý, biên giới mở và sự di chuyển tự do cho người lao động (thay vì chỉ cho vốn) sẽ làm tăng tổng sản phẩm trên toàn thế giới từ 67% đến 172%. “Điều này sẽ làm cho toàn thế giới giàu có gấp đôi”, và nó sẽ nâng cao thu nhập của người Nigeria trung bình lên không dưới 22.000 đô-la một năm…

Mọi cột mốc tiến bộ của nền văn minh – từ giai đoạn kết thúc chế độ nô lệ cho đến sự khởi đầu của nền dân chủ – đều từng bị coi là viển vông không tưởng. Cuốn sách “Utopia – Hành trình xây dựng xã hội với tầm nhìn xa” của Bregman chứng minh rằng những ý tưởng không tưởng mới, như xóa bỏ đói nghèo và tạo ra 15 giờ làm việc một tuần, có thể trở thành hiện thực và đó là cách duy nhất để xây dựng thế giới lý tưởng.

Nhận xét về cuốn sách “Utopia – Hành trình xây dựng xã hội với tầm nhìn xa”, Philippe Van Parijs, Giáo sư tại Đại học Harvard viết: “Việc học hỏi từ lịch sử và những nghiên cứu xã hội học mới nhất có thể xé tan những ảo tưởng lệch lạc. Nó có thể biến những đề xuất được cho là không tưởng trở thành chuyện thường tình. Nó có thể cho phép chúng ta đối mặt với tương lai với sự nhiệt tình chưa từng có. Để biết cách thực hiện điều đó, hãy đọc cuốn sách được viết một cách xuất sắc và chứa đầy sự lạc quan sâu sắc này”.

Utopia là từ dùng để chỉ một cộng đồng hoặc xã hội gần như lý tưởng trên mọi mặt. Thuật ngữ này lần đầu tiên được sử dụng bởi Sir Thomas More trong cuốn sách cùng tên “Utopia” bằng tiếng Latin của ông, xuất bản năm 1516, trong đó miêu tả mô hình xã hội trên một hòn đảo giả tưởng ở Đại Tây Dương.