Nghiên cứu trên hơn 2.000 nhân viên y tế ở Brazil cho thấy vaccine CoronaVac do Sinovac Biotech sản xuất có khả năng chống lại biến thể P.1, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề cần lưu ý.

Kết quả sơ bộ từ một nghiên cứu lớn trên các nhân viên y tế cho thấy: một liều CoronaVac, vaccine COVID-19 do công ty Trung Quốc Sinovac Biotech phát triển, có hiệu quả khoảng 50% trong việc ngăn ngừa COVID-19 có triệu chứng ở một thành phố của Brazil, nơi hơn 3/4 số ca mới nhiễm biến thể P.1 có khả năng lây truyền cao.

Hiệu quả bảo vệ thực tế này của một liều tương đương với hiệu quả bảo vệ của hai liều vaccine CoronaVac trong các thử nghiệm lâm sàng chống lại phiên bản ban đầu của SARS-CoV-2, cho thấy các đột biến của biến thể không giúp virus né tránh phản ứng miễn dịch.

Julio Croda, bác sĩ và nhà nghiên cứu tại Quỹ Oswaldo Cruz, người đứng đầu nghiên cứu cho rằng, đây là một tin rất tốt và kết quả này ủng hộ việc tiếp tục sử dụng vaccine CoronaVac ở Brazil cũng như các quốc gia khác có cùng một biến thể đang lưu hành. Croda nói thêm, khả năng bảo vệ của vaccine thậm chí còn tốt hơn sau liều thứ hai, và nhóm vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để xác định hiệu quả thực tế của vaccine sau hai liều.

Một người phụ nữ ở São Paulo chuẩn bị tiêm vaccine Sinovac.

Mặc dù hiệu quả bảo vệ thực tế 50% thấp hơn nhiều so với mức bảo vệ thực tế hơn 90% của các vaccine mRNA, đây vẫn là mức đủ để hạn chế dịch bệnh lây lan ở Brazil. Các vaccine có hiệu quả 50% trong thử nghiệm lâm sàng là đủ điều kiện để được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở nhiều nước và cũng đáp ứng ngưỡng để được chấp thuận sử dụng khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới.

Để ước tính hiệu quả của CoronaVac, các nhà nghiên cứu tập trung vào 2.656 nhân viên y tế đã được làm xét nghiệm PCR để phát hiện virus SARS-CoV-2, bắt đầu từ tháng 1. Trong số đó, các nhà khoa học xác định được 786 người có các triệu chứng COVID-19 rõ ràng, và chia họ thành hai nhóm bằng nhau: những người có kết quả xét nghiệm dương tính và âm tính với virus. Sau đó, các nhà nghiên cứu kiểm tra tỷ lệ những người được tiêm phòng và chưa được tiêm chủng ở từng nhóm. Ở nhóm dương tính, 18,6% đã được tiêm phòng; ở nhóm âm tính, tỷ lệ này là 24,4%. Dùng nhóm những người chưa được tiêm phòng làm đối chứng, các nhà nghiên cứu tính toán nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 vào thời điểm 14 ngày sau liều tiêm đầu tiên.

Hiệu quả bảo vệ thực tế đạt 49,6% trong thử nghiệm này tương đương với hiệu quả 50,34% của vaccine CoronaVac đối với các trường hợp COVID-19 có triệu chứng sau hai liều trong một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 do Viện Butantan, một viện nghiên cứu và sản xuất vaccine công lập, tiến hành ở Brazil. Nhà dịch tễ học Ricardo Palácios, người điều hành các thử nghiệm vaccine tại Viện Butantan, nơi đang sản xuất CoronaVac theo thỏa thuận với Sinovac, cho rằng, đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà là một xác nhận độc lập rằng vaccine có hiệu quả bảo vệ trược biến thể mới.

Nghiên cứu, chưa được bình duyệt, là kết quả đầu tiên đánh giá hiệu quả của vaccine do Sinovac Biotech sản xuất trong một khu vực biến thể P.1 chiếm ưu thế. CoronaVac chứa các bản sao bất hoạt của SARS-CoV-2, trái ngược với nhiều loại vaccine COVID-19 khác, bao gồm cả vaccine mRNA, chỉ mang protein gai của virus.

Biến thể P.1 xuất hiện đầu tiên ở Brazil hồi tháng Giêng, và chủng này nhanh chóng lan rộng ra khắp thế giới. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã làm dấy lên lo ngại rằng biến thể này có thể né tránh khả năng miễn dịch do vaccine mang lại. P.1 có khả năng là nguyên nhân đằng sau đợt bùng phát COVID-19 hồi tháng 4/2021 ở Brazil. (Trong 1 tuần trở lại đây, Brazil có trung bình hơn 30.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. COVID-19 đã lấy đi sinh mạng của hơn 550.000 người Brazil.)

Nghiên cứu CoronaVac bao gồm dữ liệu y tế từ 67.718 nhân viên chăm sóc sức khỏe từ Manaus, một thành phố ở vùng Amazon là tâm điểm của dịch bệnh do biến thể P.1. Trong thời gian nghiên cứu, P.1 chiếm 75% tổng số ca xét nghiệm dương tính ở Manaus.

Tuy nhiên, nhà dịch tễ học Eric Feigl-Ding tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ cảnh báo rằng nghiên cứu lần này đã không giải trình tự SARS-CoV-2 ở những người có kết quả xét nghiệm PCR dương tính để đảm bảo rằng họ nhiễm biến thể P.1. Kết luận của các tác giả rằng CoronaVac bảo vệ chống lại biến thể phụ thuộc vào giả định rằng P.1 là mầm bệnh gây ra các ca dương tính trong nghiên cứu, Feigl-Ding lưu ý.

Mặt khác, Feigl-Ding nói, việc đo lường hiệu quả của vaccine ở Brazil có thể cho kết quả lạc quan hơn thực tế, vì có thể người dân Brazil đã có khả năng miễn dịch nhất định do tiếp xúc với virus trước đó. “Đây là đặc điểm tự nhiên của việc thực hiện thử nghiệm ở một quần thể đã có tỷ lệ nhiễm bệnh cao từ trước," Feigl-Ding nói.

Nhà nghiên cứu miễn dịch Bruno Filardi tại Viện Ung thư Brazil thì chỉ ra rằng hiệu quả của CoronaVac trong cộng đồng dân cư nói chung có thể cao hơn kết quả nghiên cứu, vì dữ liệu của thử nghiệm lần này đến từ các nhân viên y tế tiếp xúc nhiều hơn với virus.

Ngoài Brazil, CoronaVac đã được cấp phép và sử dụng ở Trung Quốc, Chile, Bolivia, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia.

Nguồn: