Ứng dụng không chỉ giúp gắn kết người dân trong vùng với các trạm y tế xã mà còn kết nối các trạm y tế xã với các bệnh viện tuyến trên để hình thành một mạng lưới khám chữa bệnh từ xa trên toàn quốc.
Thiếu niềm tin vào các trạm y tế xã
Đường núi quanh co, hiểm trở, đường vào bị chia cắt bởi đồi núi cao, khe suối sâu… là những gì mà người dân ở các xã vùng xa phải vượt qua để đến được cơ sở khám chữa bệnh gần nhất. Vào lúc khỏe mạnh, người dân trong vùng có thể phăm phăm vượt hàng chục km đường rừng, kể cả những nơi tưởng chừng không còn đường để đi. Song khi đã mệt mỏi vì bệnh tật, đây quả thật là chặng đường bào mòn sức lực. Chưa kể với người già, phụ nữ có thai hay người mắc bệnh cấp tính cần cứu chữa ngay, họ như phải chạy đua với thời gian để được điều trị. Vì lẽ đó, người dân khi ốm đau thường không tìm đến cơ sở y tế mà ở nhà tự chữa theo các bài thuốc hoặc thậm chí là tin tưởng nhờ thầy mo cúng tế.
Bác sĩ Chuyên khoa I Hà Thị Dương (bên phải), Trưởng Phòng khám đa khoa khu vực Nậm Dịch, Hà Giang, đang gọi video xin tư vấn từ các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hoàng Su Phì về các triệu chứng bệnh của bà Lý Thị Hoa (bên trái).
Ngay cả khi chấp nhận đến cơ sở y tế để khám, nhiều người sẽ lựa chọn bỏ qua trạm y tế xã để vượt tuyến lên tuyến huyện hoặc tỉnh - bất chấp đó là những căn bệnh đơn giản không đòi hỏi phải có tay nghề cao để chữa trị. Điều này khá dễ hiểu khi năng lực chẩn đoán và điều trị của 11.000 trạm y tế xã của Việt Nam còn rất nhiều hạn chế, chưa kể các trạm còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và cả nguồn nhân lực. Chia sẻ trên Báo Kinh tế Đô thị, ông Phạm Văn Tác (lúc bấy giờ là Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế) - cho hay cán bộ tại một số tuyến y tế cơ sở không chỉ “thiếu về số lượng mà còn yếu về chuyên môn. Nhiều y, bác sĩ chưa nắm được cách xử trí đúng các bệnh mang tính thông thường”. Các y, bác sĩ đặc biệt thiếu kiến thức về chẩn đoán và xử trí các bệnh tim mạch, các bệnh nội khoa, sản và các bệnh chuyên khoa lẻ.
Những khó khăn trên càng thể hiện rõ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, người dân không thể đi đến các bệnh viện tuyến trên để khám vì hạn chế đi lại, và bản thân các bệnh viện tuyến trên cũng đã quá tải, gồng mình chống dịch, khó có thể tiếp nhận thêm bệnh nhân. Lúc này, các trạm y tế cơ sở chính là tuyến y tế gần dân nhất, nhưng phải làm thế nào để thuyết phục người dân vượt đường xá xa xôi đến khám khi chính các cán bộ tại đây cũng còn chưa vững về chuyên môn?
Đó chính là câu hỏi gợi mở để Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Bộ Y tế quyết định phối hợp triển khai Dự án tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở thông qua ứng dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” vào tháng 8/2020. Vì sao lại là bác sĩ cho mọi nhà? “Chúng tôi sẽ kết nối người dân trong khu vực với với cán bộ y tế tại trạm y tế xã khi họ có nhu cầu được khám bệnh, và kết nối cán bộ trạm y tế xã với các bác sĩ tuyến trên khi cần được hỗ trợ về chuyên môn”, ông Nguyễn Trường Nam (Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Y tế) chia sẻ tại Hội thảo Tổng kết dự án “Triển khai giải pháp tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở giai đoạn 2 và đề xuất kế hoạch triển khai giai đoạn 3” vừa qua.
Cụ thể, người dân có thể tải ứng dụng “Bác sĩ cho mọi nhà” trên điện thoại hoặc sử dụng trực tiếp trên website. Thông qua phần mềm này, người dân sẽ tạo yêu cầu khám bệnh với cán bộ y tế và đến trạm để khám theo lịch hẹn. Bên cạnh đó, họ có thể trao đổi với cán bộ y tế qua hệ thống tin nhắn miễn phí trên ứng dụng khi cần hỏi thêm về bệnh tình, thay vì phải trèo đèo lội suối đến tận nơi. Về phía trạm y tế xã, trạm sẽ cập nhật yêu cầu khám bệnh, kê đơn thuốc, và đặc biệt là “gọi video với các bác sĩ cơ sở y tế tuyến trên ngay lập tức khi cần được nhận hỗ trợ chuyên môn”, ông Nam cho hay. Các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến cũng dễ dàng thực hiện các cuộc gọi đơn điểm hoặc đa điểm với các trạm y tế xã để họp giao ban, họp trao đổi chuyên môn và tư vấn chung.
Với mong muốn theo dõi mức độ hiệu quả của ứng dụng, UNDP và Cục Công nghệ thông tin quyết định triển khai thí điểm phần mềm tại một số tỉnh khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, với nhiều nhóm dân tộc thiểu số và người khuyết tật. Theo đó, họ đã lựa chọn ba tỉnh đáp ứng được những tiêu chí này, gồm Hà Giang, Bắc Kạn và Lạng Sơn - các tỉnh thuộc vùng miền núi phía Bắc đặc biệt khó khăn về mọi mặt: điều kiện địa lý, giao thông, trình độ dân trí, kinh tế… Hầu hết dân số của ba tỉnh là người dân tộc thiểu số (chiếm trên 80%). Địa hình của cả ba tỉnh chủ yếu là đồi núi nên điều kiện giao thông vô cùng khó khăn, nhất là vào mùa mưa, lũ, dẫn đến khó tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu.
Giai đoạn 1 từ tháng 12/2020 đến tháng 4/2021, các chuyên gia đã thí điểm ứng dụng tại ba huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), Cao Lộc (Lạng Sơn) và Ba Bể (Bắc Kạn); giai đoạn 2 từ tháng 12/2021 đến tháng 6/2022, dự án đã tập huấn được cho 100% trạm y tế, bệnh viện huyện và 89,5% các trung tâm y tế xã. Tổng số lượt cài đặt ứng dụng là 1.012 lượt với hơn 2.000 cuộc gọi phát sinh trên hệ thống - chủ yếu là hỗ trợ chuyên môn giữa các tuyến.
Là người tích cực tham gia hỗ trợ dự án, Bác sĩ Sin Đức Văn (Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoàng Su Phì, Lạng Sơn) nhìn nhận rằng một trong những lợi ích lớn nhất mà dự án mang lại đó là “khi các cán bộ y tế cơ sở gọi xin ý kiến, chúng tôi có thể tư vấn, hướng dẫn cần làm gì trước khi chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Một khi tiến hành bước sơ cứu ban đầu đúng, thì bước xử lý tiếp theo sẽ thuận lợi hơn nhiều”.
Với người dân, việc nhận được hỗ trợ trực tiếp từ chính các bác sĩ tuyến trên - dù qua một chiếc màn hình - cũng giúp họ “yên tâm ở lại trạm y tế xã điều trị”, thay vì về nhà hoặc băng đường xa đến khám tại các bệnh viện lớn, như chia sẻ của bà Lý Thị Hoa (Thôn Kết Thành, xã Nam Dịch, Hoàng Su Phì, Hà Giang).
Vẫn còn rất nhiều khó khăn
Ở góc độ rộng hơn, ứng dụng “Bác sĩ cho mọi nhà” không chỉ giúp gắn kết bệnh nhân - bác sĩ, mà nó còn đảm nhiệm một vai trò lớn hơn nhiều: kết nối các trạm y tế xã với các bệnh viện tuyến trên để hình thành một mạng lưới khám chữa bệnh từ xa chặt chẽ. Nhìn vào ảnh (ảnh 1), chúng ta có thể nhận thấy hệ thống khám chữa bệnh từ xa toàn quốc hiện tại chỉ gồm 47 bệnh viện tuyến Trung ương, 419 bệnh viện tuyến tỉnh, 684 bệnh viện tuyến huyện - và 11.000 trung tâm y tế xã bị tách rời dưới cùng không nằm trong hệ thống này.
Sự ra đời của ứng dụng giúp liên kết các trung tâm y tế cơ sở với các bệnh viện tuyến trên. Các bác sĩ không chỉ tuyến huyện, tuyến tỉnh mà thậm chí cả tuyến trung ương có thể cùng hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh, chẩn đoán hình ảnh, thậm chí là tư vấn phẫu thuật từ xa các ca mổ cấp cứu, các phương pháp điều trị cho ca bệnh cụ thể với các cơ sở y tế thông qua cuộc gọi đa điểm trong ứng dụng.
Dù vậy, vẫn phải nhìn nhận rằng “việc triển khai ứng dụng cho đến hiện tại vẫn còn rất nhiều khó khăn, bản thân phần mềm cũng cần phải nâng cấp thêm nữa”, ông Nguyễn Trường Nam cho hay. Trên thực tế, ứng dụng “Bác sĩ cho mọi nhà” không phải là một ứng dụng phức tạp với nhiều tính năng đa dạng, nhưng với những người dân ít tiếp xúc với các thiết bị công nghệ cao, đây vẫn là một thứ đắt tiền và ‘khó xài’.
Tại ba tỉnh thí điểm, tỷ lệ hộ gia đình nghèo vẫn chiếm tỷ lệ cao nên không có khả năng tự trang bị các thiết bị công nghệ. Vì địa hình vùng núi nên hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền cũng còn rất hạn chế. “Mỗi địa phương lại có những đặc điểm riêng về địa lý, con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực khác nhau, dẫn đến có rất nhiều khó khăn đặc thù nảy sinh”, ông Nam chia sẻ về quá trình thực hiện dự án. Chẳng hạn, các dân tộc thiểu số ở ba tỉnh sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau, vì vậy dự án cần bổ sung hướng dẫn sử dụng bằng ngôn ngữ phù hợp với dân tộc đó.
Bên cạnh đó, hiện Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về thanh toán chi phí, thanh toán bảo hiểm y tế khám chữa bệnh từ xa; quy trình, quy chế hoạt động tư vấn khám chữa bệnh từ xa bằng ứng dụng “Bác sĩ cho mọi nhà”; danh mục bệnh được phép khám chữa bệnh từ xa - dẫn đến cán bộ y tế phải loay hoay về giấy tờ, thủ tục.
Những khó khăn trên vẫn chưa phải là trở ngại lớn nhất; đối với các chuyên gia, nhân viên y tế, trở ngại lớn nhất là việc phải “thay đổi hành vi của người dân từ khám trực tiếp thành khám chữa bệnh từ xa”. Đó là khó khăn không thể giải quyết chỉ trong ngày một ngày hai.