Có thể chắc chắn là Việt Nam nằm trong vùng trà nguyên sản của thế giới và có giống trà bản địa đặc trưng. Và những bằng chứng khảo cổ học sớm từ văn hóa Hòa Bình, có niên đại hơn 13.000 năm trước đã cho thấy điều đó.

Từ thế kỷ 17 trở đi, trà từ phương Đông đi ra thế giới theo ba con đường bộ và biển. Có thể nói, trà ngay lập tức thay đổi thói quen uống của các châu lục tiếp xúc với nó. Trà khẳng định vị trí vững chãi của mình trong cuộc sống nhân loại.
Thiếu nữ Tà Xùa hái chè Shan tuyết cổ thụ.

Vào thế kỷ 18, năm 1753, lần đầu tiên trà được đưa vào nghiên cứu khoa học nhờ Carl Von Linnaeus – nhà thực vật học Thụy Điển đã sưu tầm các tiêu bản từ giống trà Trung Quốc. Và trà có tên khoa học là Thea Sinesis. Sau đó, suốt thế kỷ 19, 20 đều có những nghiên cứu khoa học về trà – thức uống khuynh đảo từ Á sang Âu, Mỹ và mang những giá trị bí ẩn về nguồn gốc lẫn hiệu quả - và phát hiện thêm nguồn trà cổ thụ hoang dã tại Assam ở Ấn Độ, tại Tây Tạng, tại miền Bắc Miến Điện và miền Bắc Việt Nam.

Đến giữa thế kỷ 20, vào năm 1951, một nhà khoa học Trung Quốc là Đào Thừa Trân đã tổng hợp các nghiên cứu trước đó thành bốn thuyết lớn cho nguồn gốc tổ tiên của trà thế giới: thuyết Trung Hoa, thuyết Ấn Độ, thuyết nhị nguyên (phía Đông cao nguyên Tây Tạng và phía Đông Nam Trung Quốc), và thuyết chiết trung (khu vực Đông Nam Á gồm Vân Nam của Trung Quốc, miền Bắc Việt Nam, Lào và Miến Điện). Và thuyết chiết trung nhận được nhiều sự đồng thuận nhất của các nhà khoa học quốc tế vì điều kiện tự nhiên ở khu vực được đề cập rất thích hợp cho cây trà.

Đến năm 1976, một nhà khoa học còn làm giới nghiên cứu trà sửng sốt hơn nữa với những nghiên cứu mới về nguồn gốc thủy tổ cây trà. Ông là Djemukhatze, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, đã phân tích thành phần catêchin từ các cây trà hoang dã ở ba nước: vùng trà Tứ Xuyên, Vân Nam của Trung Quốc, vùng trà Ấn Độ, và vùng trà cổ ở Suối Giàng, Nghĩa Lộ, Lạng Sơn, Nghệ An,… của Việt Nam, đã đưa ra kết luận: Cây trà ở Việt Nam có trước các loại trà ở những nơi khác.

Sau đó, những khảo sát vẫn được tiếp tục tiến hành để đi tìm vùng trà đầu tiên. Cho đến nay, một điều có thể chắc chắn là Việt Nam nằm trong vùng trà nguyên sản của thế giới và có giống trà bản địa đặc trưng. Và những bằng chứng khảo cổ học sớm từ Văn hóa Hòa Bình, có niên đại hơn 13.000 năm trước đã cho thấy điều đó.

Vào năm 1960, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy hạt trà có niên đại 13.200 năm tuổi ở di tích hang Con Moong, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Những hiện vật được tìm thấy thuộc Văn hóa Phùng Nguyên (3000-1330 TCN) của Lạc Việt là những nồi gồm có chân kê để nấu trà.

Dấu tích của cây trà và lá trà hóa thạch cũng được phát hiện ở Phú Thọ, đất tổ Hùng Vương. Ngay trong tư liệu thành văn đầu tiên của Khổng Tử vào thế kỷ thứ 4 TCN cũng viết về tập quán uống trà của dân Bách Việt. Như vậy, Việt Nam có một lịch sử trà đã lâu đời. Những bằng chứng về tư liệu, khảo cổ, nghiên cứu đều khẳng định miền Bắc Việt Nam thuộc vùng khởi phát cho những cây trà đầu tiên.

Một trong những loại trà Việt Nam được lịch sử ghi lại là “trà thơm” do Đinh Liễn cống cho nhà Tống vào thế kỷ thứ 10. Do đó, trà ướp hương Việt Nam xem như đã có dòng chảy ít nhất hơn 1000 năm.

Những thế kỷ trôi qua, trà ở Việt Nam đã phát tiển dòng trà Thiền thời Lý với họa tiết sen phổ biến trên các trà cụ (nhưng chưa có trà sen), rồi trà ướp hoa lan vào thế kỷ 14 trong thơ ca của Trần Nguyên Đán, trà Tước Thiệt được viết trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi vào thế kỷ 15, trà sen xuất hiện vào thế kỷ 16 được biết qua bài thơ chữ Nôm Tịnh cư niên thể phú của ẩn sĩ Nguyễn Hãng, trà Bạch Hào vào thế kỷ 18 trong Thượng kinh ký sự của Hải Thượng Lãn Ông, trà Ô Long Việt xuất hiện vào thế kỷ 19, trà Sơn kim cúc chữa bệnh mắt cho Thái hậu Từ Dũ,…

Một số loại trà và phong cách trà được ghi nhận trong lịch sử nhưng dường như đã thất truyền như Mạc trà vào thế kỷ 16, trà Lược của công chúa Mai Hoa ở Thanh Hóa, triết lý Trà Nô của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm, Tây Sơn Trà ở Phú Yên, trà Cam Khổ chuyên để tiến chúa Nguyễn…

Nhiều trà tộc Việt cũng ra đời và có danh tiếng như dòng họ Nguyễn Đình buôn bán trà Mạn Hảo, hiệu trà Chính Thái có từ thời Lê bán trà Shan và các trà khác, ông tổ trà Tân Cương là Vũ Văn Hiệt (1883-1945) khởi dựng dòng trà Tân Cương tại Thái Nguyên, sau này có trà Đỗ Hữu, Quốc Thái, Bạch Tượng,…

Từ thế kỷ 19, trà Huế xuất hiện, đồng thời trà Phú Hội ở trấn Biên Hòa ra đời, trở thành danh trà đất phương Nam.

Trà Việt đã được vua Gia Long cấp giấy xuất khẩu đi Pháp lần đầu tiên vào năm 1817 và 1819. Vào năm 1899, trà Việt Nam đã được bán tại Paris, Pháp, với tổng lượng xuất khẩu tới 131.391 tấn. Và đến năm 1930, trà Việt đã có mặt tại Mỹ. Vào năm 1935, trà Tân Cương của Việt Nam đã đạt giải nhất Hội chợ đấu xảo Hà Nội, sau đó được xuất khẩu đi Ấn Độ.

Năm 1988, Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS) được thành lập. Đến năm 1996, Tổng Công ty Chè Việt Nam ra đời.

Nhìn dòng chảy như thế này, người Việt hiện nay có thể tự hào về lịch sử và chất lượng trà của mình.

Hiện tại, Việt Nam có trên 170 giống trà, khá đa dạng, mà ta có thể điểm qua 10 giống khá tiêu biểu như sau:

- Giống trà trung du, cũng là giống trà bản địa, tiêu biểu như trà Tân Cương, Thái Nguyên. Dùng để chế biến trà xanh.

- Giống trà Shan, cũng là trà bản địa, có Shan lá to và Shan lá nhỏ. Dùng để chế biến đa số trà xanh, trà đen, trà vàng.

- Giống Shan Chất Tiền: được thu thập vào năm 1918, hợp với trung du và núi cao. Dùng để chế biến trà đen.

- Giống Phi: được nhập từ Ấn Độ vào Phú Hộ năm 1920, phù hợp với Nghệ An. Dùng để chế biến trà đen chất lượng tốt.

- Giống LDP1 và LDP2: Trà lai từ Đại Bạch Trà và PH1, được công nhận là giống quốc gia và đã được trồng phổ biến ở Nghệ An, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên. Dùng để chế biến trà xanh và trà đen.

- Giống Kim Tuyên (Kim Huyên): nhập từ Đài Loan. Dùng để chế biến trà xanh, Ô Long và trà đen.

- Giống Thúy Ngọc: nhập từ Đài Loan. Dùng để chế biến Pao chủng và Ô Long.
....
Theo thống kê năm 2019 của FAO - Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, Việt Nam đứng thứ 5 trong số những quốc gia sản xuất trà nhiều nhất thế giới. Bốn quốc gia đứng trước Việt Nam gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Kenya, Sri Lanka. Không phải ngày một ngày hai Việt Nam có thứ hạng này, đằng sau đó là một lịch sử của con đường trà Việt trên bản đồ thế giới.