Chỉ trong một thời gian kỷ lục là mười tháng, doanh nghiệp công nghệ sinh học Biontech (Đức) và tập đoàn Pfizer của Hoa Kỳ đã phát triển thành công một loại vaccine chống virus corona. Vaccine BNT162b2 có hiệu lực chống virus tới trên 90%. Thành công này chủ yếu nhờ công sức của giáo sư Ugur Sahin.
Ông là người luôn tin rằng ứng viên vaccine của doanh nghiệp Biontech của ông có một hồ sơ gần như hoàn hảo. Điều này đã được người đồng sáng lập đồng thời là CEO của Biontech khẳng định cách đây vài tuần với tạp chí Tuần Kinh tế (Đức). Giờ đây Sahin đưa ra các dữ liệu để chứng minh điều mà ông đã nói: theo các dữ liệu mới nhất đã được cơ quan độc lập đánh giá thì tỷ lệ hiệu quả của loại vaccine này đạt trên 90%. Sản phẩm “không khiến người ta phải quan ngại một cách nghiêm trọng về sự an toàn”. Cho đến nay đã có đánh giá 94 trường hợp bị lây nhiễm sử dụng vaccine. Trong tuần tới, họ sẽ đề nghị Hoa Kỳ cấp phép lưu hành ở nước này. Theo thông báo trước đây thì dự kiến đến cuối năm nay, Biontech sẽ sản xuất được khoảng 50 triệu liều.
Nhiều nhà khoa học độc lập khác cũng tỏ ra phấn khởi về các dữ liệu này. Giáo sư Gerd Fätkenheuer, trưởng khoa truyền nhiễm bệnh viện đại học Köln nói: “Đây là những dữ liệu tuyệt vời và đầy hứa hẹn. Thật khó tưởng tượng có thể đạt được tiến bộ về sự phát triển trong một thời gian chỉ vài tháng đối với loại vaccine này, kể cả thử nghiệm lâm sàng”. Florian Krammer, giáo sư khoa vi sinh vật ở Mount Sinai, Mỹ cũng gọi đây là “một kết quả tuyệt vời”.
Bà Marylyn Addo, phụ trách bộ phận Y học nhiệt đới tại bệnh viện trường Đại học Eppendorf ở Hamburg có phần thận trọng hơn: “Đây mới chỉ là những tín hiệu đáng mừng đầu tiên tuy nhiên mới ở dạng một thông cáo báo chí”. Hiện chưa có các dữ liệu gốc vì phải chờ công ty cung cấp những dữ liệu chính xác.
Theo nhà sản xuất Biontech của Đức thì kết quả sơ bộ của vaccine corona đang ở giai đoạn thử nghiệm thứ ba đầy hứa hẹn, hiệu quả đạt trên 90 %. Điều này làm nức lòng thị trường chứng khoán.
Ông Ugur Sahin, 55 tuổi, con trai một gia đình người Thổ Nhĩ Kỳ nhập cư là người đóng góp nhiều công sức nhất cho sự ra đời loại vaccine corona đầu tiên này. Sahin tới Biontech đáng ra để nghiên cứu phát triển một loại vaccine chống ung thư, tuy nhiên đầu năm nay ông phải tạm ngừng kế hoạch. Sahin thấy một bài báo khoa học trong tạp chí The Lancet viết về một bệnh phổi mới ở Trung Quốc có tốc độ lây lan rất nhanh. “Tôi như bị sốc”, ông nói. Ông thậm chí còn phát hiện ra bệnh này trước phần lớn các đồng nghiệp khác, kể cả các nhà khoa học ở Viện Robert-Koch. Qua thu thập, phân tích mẫu và các yếu tố khác, Sahin phát hiện các dấu hiệu đây là một bệnh truyền nhiễm và nó không chỉ “cố thủ” tại địa phương mà sẽ lây lan ra khắp thế giới.
Sahin đã nhanh chóng triệu tập các đồng nghiệp trong Hội đồng quản trị và Hội đồng giám sát. Sau ít ngày, họ đã đề ra chiến lược tiêu diệt căn bệnh mới này, sau đó bệnh này có tên là Sars-Cov-2. Dự án Lightspeed (Tốc độ ánh sáng) nhanh chóng được triển khai. Thông thường các nhà nghiên cứu phải làm trong nhiều năm thì ở dự án này, mọi việc diễn ra nội trong mấy tháng. Biontech cũng sớm làm việc với cơ quan cấp phép và chọn tập đoàn Pfizer của Hoa Kỳ là đối tác hợp tác.
Sau khi công bố các dữ liệu mới nhất, chỉ số chứng khoán của Biontech tăng vọt trên 20%, bản thân Sahin cũng được hưởng lợi. Vị giám đốc Biontech nắm giữ 18% cổ phần công ty. Ông là cổ đông lớn đứng hàng thứ hai của doanh nghiệp này. Theo lời ông Sahin thì ông không quan tâm lắm đến việc ông trở thành một trong những người giầu nhất nước Đức và tài sản của ông đã tăng lên đáng kể: “Tôi không quan tâm đến giá trị khối cổ phiếu của mình. Chúng tôi muốn xây dựng doanh nghiệp Biotech có tầm vóc như Amgen hay Genentech. Chúng tôi muốn tạo ra giá trị lâu dài. Đó là điều mà tôi thực sự quan tâm”.
Nguồn bài và ảnh: wiwo.de
Xuân Hoài dịch