Không có quá nhiều phân tích, diễn giải, phê bình theo kiểu hàn lâm, cuốn sách của Hiền Trang, "Tại sao ta yêu", kéo người đọc nán lại lâu hơn, và nhiều lần hơn, trước những gì tác giả biểu đạt, giãi bày cách chị cảm nhận, yêu thích, si mê thế giới nghệ thuật.
Biết viết gì đây, mượn cách diễn đạt của văn tài Haruki Murakami, khi viết về những tên tuổi mà công chúng thực ra cũng đã quen tiếng? Và không chừng, nếu tiếp tục lựa chọn họ thì có khả năng người viết bị “cớm bóng”, bị thôi miên trong hằng hà sa số những lời lẽ đã có về họ. Nhưng Hiền Trang đã không ngần ngại, đúng hơn, tình yêu vô tư có phần hồn nhiên của chị không bị lợn cợn, lung lay bởi ánh hào quang đã bao phủ khắp những Vương Gia Vệ, Oscar Wilde, Vladimir Nabokov, The Beatles, Vincent van Gogh, Claude Monet,… Chị cũng không nhiều đắn đo và dường như chẳng có gì ngoài chị cản trở nổi những phiêu lưu tri thức mênh mông về điện ảnh, âm nhạc, văn chương, hội họa... Có Frédéric Chopin và có Franz Kafka, có Ozu lẫn Audrey Hepburn, có Patrick Mondiano cộng thêm Woody Allen. Thời thượng, kinh điển, đại chúng, tinh hoa,..., mỗi một trường hợp có thể là một kiểu dạng nào đó tùy góc nhìn của chúng ta. Còn Hiền Trang thì trước tiên và chủ yếu là từ thôi thúc trả lời rằng tại sao chị đã yêu, đã tìm thấy mình, được là mình mỗi lần sống trải với cuộc đời, tác phẩm của họ. Chị không hề giấu mình.
Cuốn sách do Phanbook và Nxb Đà Nẵng ấn hành cuối năm 2022. Nguồn: SGGP
Chị cuốn theo Murakami vì chất jazz và âm nhạc nói chung trong tác phẩm của ông. Chị phát hiện ra Chopin trong một chuyến công tác Sài Sòn “gấp gáp”, “khi cơ thể như đã bị nhồi bông trong sự tê liệt của một ngày vất vả”, và rồi sau đó, âm nhạc Chopin đã làm chị “bật khóc, rời đi”. Chị nhớ như in thuở lên 9, 10, nơi căn phòng thờ trên gác 4 trong căn nhà cô em họ, lần đầu tiên xem bức tranh Ao hoa súng và từ đó, Claude Monet tồn tại, cố định hóa trong kí ức chị vẫn là những bông hoa súng trôi bồng bềnh trên mặt nước. Chị chọn Patrick Mondiano cho những lúc “đợi chờ”, “đợi chờ lên máy bay, đợi chờ tới lượt vào phòng khám, đợi chờ tính tiền trong siêu thị, đợi chờ thang máy, đợi chờ một người bạn trong quán cà phê, hay đợi chờ một cốc cà phê”. Chị yêu The Beatles đến mức ao ước, rằng “một mai khi tôi chết, hãy đừng đón nhận cái chết của tôi bằng những lời ai điếu, hãy cho tôi nghe toàn bộ Please Please Me, album đầu tiên của họ, hãy cho linh hồn tôi, nếu như có một thứ như vậy, được gào lên thật to ba tiếng Love Me Do, trước khi rã đám”.
Khi nảy nở những xúc cảm như thế, nghĩa là những ràng buộc nội tâm bền bỉ mà chị có được trong hành trình xem/nghe/đọc, trong quãng đời tuổi trẻ được tự do tận hưởng, khám phá thực đơn nghệ thuật phong phú, thật khó thắc mắc rằng tại sao chị chọn người này mà bỏ quên người kia, không phải là hiện đại hay hậu hiện đại, siêu thực hay hiện thực, không phải Việt Nam mà là quốc tế. Hiền Trang có kí ức bảo trợ, có thời gian làm chứng, có cảm hứng dẫn dắt và có, tất nhiên rồi, kiến văn dày dặn để chứng thực bản thân không hề nhầm lẫn khi đặt cược tình yêu vào 16 nghệ sĩ khác nhau cả về tuổi tác, tính cách, bản mệnh và địa lí/văn hóa như vậy.
Nhưng Hiền Trang không chỉ bộc bạch. Trong lối viết phê bình giàu chất tùy bút, Hiền Trang dành nhiều dung lượng cho những đối thoại, liên tưởng, so sánh, mở rộng dữ liệu để những tâm đắc, phát hiện của chị không bị lệch về phía cực đoan thường thấy trong mắt kẻ si mê. Một Hiền Trang đắm đuối cũng là một Hiền Trang biết nhấc mình ra khỏi ấn tượng vụn vặn để gợi dẫn chúng ta nhìn thấy, đón nhận sự phức tạp, riêng khác của mỗi nghệ sĩ. Chị biết khái quát, rằng “các nhân vật của Vương Gia Vệ luôn sống trong trạng thái sẵn sàng xuất hồn bất cứ lúc nào. Họ ở đây và rồi trong phút chốc âm hồn họ đã ở kia”; chị phát hiện: “cái chết có vô vàn hóa thân, vô vàn avatar trong văn chương Nabokov”; chị đối thoại bằng giọng dứt khoát: “sai lầm lớn nhất của một người đọc Kafka đó là đi vào thế giới của Kafka mà trang bị quá nhiều công cụ, Freud ư, chủ nghĩa hiện đại ư, chủ nghĩa phi lý ư, chủ nghĩa toàn trị ư, phát xít ư, giải cấu trúc ư, văn học thiểu số ư,…”; chị dí dỏm so sánh: “Monet không cần phải làm chảy một chiếc đồng hồ thành phô mai camembert như Dalí để nói về sự kiên định của thời gian, ông chỉ cần 30 năm miệt mài vẽ hoa súng”; chị không quên đặt ngược vấn đề, rằng nếu Vincent Van Gogh “không cắt cái tai trái của mình và không chĩa khẩu súng ngắn gỉ sét vào ổ bụng mình, thì liệu ta có còn yêu Vincent như ta đã từng, ta có còn cảm thấy nơi tranh ông, một sự cùng tận của cái đẹp và nỗi khổ đau?”; chị kích lên nấc cao nhất của đánh giá: “Trương Quốc Vinh là đứa con của chủ nghĩa lãng mạn, là lãng mạn phục hưng, là chàng Romeo mà thời đại mới sẽ không còn thấy nữa”,… Không phải việc trình bày nguyên cớ của yêu thích, chính những dẫn giải nói lên sự yêu thích đó, cùng những thông tin, tri thức mà chị triển khai mới làm cho các chân dung được cụ thể hơn. Không phải việc trưng ra những lí lẽ, lập luận mà bản thân sự tinh tế trong từng nét khắc họa giá trị riêng của mỗi nghệ sĩ mới làm cho cuốn sách của Hiền Trang có thể trở thành tài liệu tham khảo. Và rồi khi chân dung nghệ sĩ bắt đầu hiện rõ, Hiền Trang cũng sẽ dừng lại ở điểm mà chị chưa hết băn khoăn, rằng người nghệ sĩ này, sau chừng ấy ngày tháng chị đón nhận, vẫn chưa thể kết thúc, vẫn đánh động chị phải nhìn/xem/nghe lại nhiều lần hơn nữa, như nhịp điệu sống mỗi ngày, như nhịp thở.
Vì thế, điều mà tôi tin là Hiền Trang muốn giãi bày nhất lại không phải ở chỗ chị đã phải lòng, si mê họ ra sao, mà ở điểm nghệ thuật đã, sẽ hiện hữu thế nào trong đời sống. Hiền Trang đã chứng thực nghệ thuật có mặt tự nhiên như vạn vật xung quanh, ở đây và ngay bây giờ, trong từng thời khắc mà bản nhạc ngân lên, bức tranh được ngắm, cuốn sách được đọc, bộ phim được xem. Những người nghệ sĩ mà Hiền Trang giới thiệu dù vĩ đại, lớn lao thế nào thì nghệ thuật họ tạo ra là để đời sống đón nhận, thưởng thức. Người thưởng thức nghệ thuật, xét cho cùng, chẳng phải là những đại cử tri đặc quyền về văn hóa hay thẩm mĩ, mà đơn giản, là người vừa nghe một bản nhạc Chopin khi đang đi trong một Thánh thất Cao Đài, khi chọn một đĩa phim Ozu vào ngày cuối của năm như Hiền Trang đã từng làm. Nói rằng nghệ thuật đem đến hoặc cao hơn, tạo ra niềm vui sống, hạnh phúc sống thì có thể quá lời nhưng nghệ thuật, từ trải nghiệm của Hiền Trang, là nguồn cơn của những tình si vĩnh cửu. Cuốn sách của Hiền Trang, do đó, thúc đẩy chúng ta thử một lần, tại sao không, một cuộc yêu nào đó, với một vẻ đẹp nghệ thuật bất kì.