Với quan điểm những sản phẩm có tính thực tiễn, nguyên lý đơn giản, chi phí phù hợp thì sẽ dễ được chấp nhận, ba năm qua, doanh nghiệp khởi nghiệp của TS Đỗ Ngọc Chung đã nghiên cứu, sản xuất và bán ra thị trường tới 500.000 sản phẩm dân dụng.

>> TS Đỗ Ngọc Chung: Tiền không phải là khó khăn lớn nhất của startup

Không cao siêu nhưng phải bán được

TS Đỗ Ngọc Chung - thuộc Trung tâm phát triển công nghệ cao, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam, người sáng lập Công ty TNHH giải pháp năng lượng Toàn Diện - được nhắc đến nhiều kể từ năm 2014 khi nghiên cứu thành công và đưa ra thị trường thiết bị hỗ trợ làm rau giá, rau mầm với tên gọi GV - 102.

Sáng chế “Cơ cấu nén dùng cho dụng cụ làm giá đỗ và dụng cụ làm giá đỗ sử dụng cơ cấu nén” của TS Đỗ Ngọc Chung được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN công nhận và cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích. GV - 102 không sử dụng điện và sản xuất bằng những chất liệu an toàn tuyệt đối cho sức khỏe của người tiêu dùng nên đã nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường và được trao giải thưởng khi tham gia chợ thiết bị và công nghệ quốc tế Việt Nam (techmart) do Bộ KH&CN tổ chức năm 2015.

Tiến sỹ Đỗ Ngọc Chung và thiết bị làm rau giá do ông chế tạo. Ảnh: Bích Ngọc
Tiến sỹ Đỗ Ngọc Chung và thiết bị làm rau giá do ông chế tạo. Ảnh: Bích Ngọc

Kể về con đường khởi nghiệp của mình, TS Chung cho biết, anh nghiên cứu và sản xuất thiết bị làm rau giá với niềm tin rằng, những sản phẩm có tính thực tiễn, nguyên lý đơn giản, chi phí phù hợp với mọi đối tượng, kể cả người dân có mức thu nhập thấp thì sẽ dễ được chấp nhận.

Bằng số tiền ban đầu là 300 triệu đồng huy động từ anh em, bạn bè và người thân, TS Chung hình thành Công ty TNHH giải pháp năng lượng Toàn Diện để thương mại hóa sản phẩm này. Với giá bán phải chăng - 240.000 đồng/thiết bị phiên bản 1, 320.000 đồng/thiết bị phiên bản 2 (được nâng cấp tự động tưới nước), GV - 102 nhanh chóng được người tiêu dùng chấp nhận.

Chia sẻ quan điểm khởi nghiệp, Chung thành thật: “Sản phẩm tôi làm ra không cao siêu nhưng phải bán được. Nếu không bán được thì nhà khoa học không có tiền để sống và tiếp tục nghiên cứu, như vậy không giúp được ai”.

Đây cũng chính là cơ sở để nhà khởi nghiệp trẻ giữ cho công ty khởi nghiệp của anh đứng vững trên thị trường khi tiếp tục cho ra đời sản phẩm phễu thoát nước chống tràn van một chiều, tăm nguyên sinh, máy ủ tỏi đen và thiết bị làm rau mầm Happy - sản phẩm hoàn chỉnh mới nhất mà anh sẽ mang đến Techfest 2017.

Chỉ sau ba năm khởi nghiệp, đến nay, TS Chung đã bán được 500.000 sản phẩm với tổng doanh thu gần 100 tỷ đồng, lợi nhuận đem về là 20 tỷ đồng. Số tiền đó anh lại sử dụng đầu tư máy móc, nhà xưởng để tiếp tục cho sự ra đời của các sản phẩm mới.


Mối quan tâm chung của những người khởi nghiệp

TS Chung cho biết, bản thân anh đã đi và gặp nhiều bạn trẻ khởi nghiệp chung nỗi trăn trở làm ra sản phẩm nhưng không bán được, dù rằng ở góc độ khoa học và đam mê, sản phẩm của họ được đánh giá rất cao.

Từ kinh nghiệm của mình, anh đúc rút rằng, nếu doanh nghiệp không dựa vào công nghệ, không đổi mới sáng tạo, chắc chắn khi sản phẩm bão hòa trên thị trường, doanh nghiệp sẽ chết. Vì vậy sau khi sản phẩm của anh bắt đầu chiếm lĩnh thị trường, anh đã cho thành lập ngay phòng nghiên cứu và phát triển.

“Tôi đã thành lập phòng nghiên cứu và phát triển vào năm 2015 để hội tụ những bạn có khát vọng startup. Hiện phòng có năm bạn trẻ nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Giá trị cốt lõi của công ty là sản phẩm nghiên cứu ứng dụng. Tôi muốn xây dựng công ty này trở thành trung tâm nghiên cứu ứng dụng lớn” - TS Chung chia sẻ và cho biết, anh đã nhận được nhiều lời mời của các nhà đầu tư muốn rót vốn cho các sản phẩm của công ty mình.