Truyền thông khoa học và công nghệ (KH&CN) đang ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong việc đưa các thông tin, kết quả nghiên cứu của KH&CN đi vào đời sống. Nhưng lĩnh vực này đang gặp không ít thách thức trên con đường thực hiện sứ mệnh của mình.
Tầm quan trọng của truyền thông KH&CN
Truyền thông là một hoạt động có mối quan hệ chặt chẽ với khoa học và công nghệ và được đánh giá là một trong ba trụ cột của lĩnh vực KH&CN, bên cạnh các trụ cột đổi mới và ứng dụng. Bởi chính nhờ truyền thông KH&CN mà các thông tin KH&CN được phổ biến và đi vào đời sống xã hội.
“Truyền thông là trái tim của khoa học, có vai trò vô cùng quan trọng trong việc công bố kiến thức mới và truyền bá tri thức đến các nhà khoa học và phổ biến ra xã hội” - tiến sĩ Myrtani Pieri thuộc Đại học Cyprus (Cộng hòa Síp), người từng đoạt giải nhất trong cuộc thi truyền thông khoa học quốc tế FameLab năm 2011 nói.
Thông qua truyền thông, các nghiên cứu, thử nghiệm và khả năng đóng góp của KH&CN được xã hội biết đến nhiều hơn. Từ đó sẽ đem lại cơ hội cho các nhà KH&CN nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ đầu tư tốt hơn. Nhưng quan trọng hơn, các công trình và kết quả nghiên cứu sẽ được truyền thông tới các nhà hoạch định chính sách, góp phần lấp đầy khoảng cách giữa tri thức với ứng dụng tri thức, đưa ứng dụng KH&CN vào chiến lược phát triển của đất nước cả về kinh tế và xã hội một cách bền vững.
“Truyền thông là cầu nối quan trọng giữa việc tạo ra tri thức mới và ứng dụng các tri thức này vào thực tiễn và chính sách” - David Dickson - người sáng lập mạng lưới khoa học và phát triển SciDev.Net nhận định.
Không chỉ thế, truyền thông KH&CN còn là một cách thức quan trọng để nâng cao dân trí, mang đến cho chúng ta những thông tin chính xác, tạo ra căn cứ để đưa ra các quyết định đúng đắn. Đồng thời, nó cũng giúp cho việc chống lại các thông tin và quan niệm sai lầm đang diễn ra khi công chúng chưa tìm được câu trả lời. Có thể nói truyền thông giúp nâng tầm, khiến KH&CN càng trở nên có giá trị hơn đối với xã hội.
Khoa học và báo chí - như nước với dầu?
Các nhà nghiên cứu về truyền thông KH&CN đã sử dụng các cụm từ ẩn dụ để đặc chỉ mối quan hệ giữa khoa học và truyền thông như “khoảng cách”, “rào cản”, thậm chí nhà khoa học Mỹ McCall, R.D còn từng ví von rằng khoa học và báo chí (một kênh của truyền thông) không khác gì “dầu” và “nước”, tuy gần nhau mà khó hòa quyện được.
Kết quả phỏng vấn bằng bảng hỏi/đáp đối với nhóm nhà khoa học chuyên về thần kinh ở Mỹ và Đức trong những năm 2011 và 2012 cho thấy, có tới 50,9% và 42,9% không đồng ý cung cấp thông tin về các nghiên cứu mà chưa được công bố trong các ấn phẩm khoa học chuyên biệt. Đáng chú ý, còn có 51,8% và 61,0% số nhà khoa học cho rằng việc công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí chuyên ngành khoa học sẽ bị “đe dọa” nếu như nó được đưa lên các phương tiện truyền thông đại chúng. Bởi lẽ họ e ngại các kết quả khoa học sẽ có thể không được hiểu và thông tin đúng.
Cho nên, việc tương tác thường xuyên giữa các nhà khoa học và giới truyền thông vẫn còn hạn chế. Khảo sát 1.600 nhà nghiên cứu ở Đức, 216 nhà khoa học thần kinh ở Mỹ và 280 nhà khoa học đời sống ở Đài Loan (Trung Quốc) trong các năm 2011-2012 cho thấy, số nhà khoa học tương tác thường xuyên với báo chí chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ - từ 16-35%.
Tất nhiên, khoảng cách này cũng bắt nguồn từ chính phía các nhà truyền thông. Các nhà truyền thông thường kỳ vọng và quan tâm tới các nghiên cứu có thể đúc rút ra những thông điệp dễ hiểu đối với người nghe hoặc những đột phá mới lạ của khoa học. Trong khi không phải lúc nào khoa học cũng tạo ra những đột phá mới, cũng hay, độc, lạ.
Sự liên kết còn hạn chế giữa KH&CN và truyền thông ảnh hưởng không nhỏ tới việc phổ biến tri thức. Nghiên cứu mới của Hiệp hội Vì sự tiến bộ khoa học Mỹ (AAAS) cho thấy người Mỹ có kiến thức hạn chế về khoa học bắt nguồn từ các nguyên nhân, trong đó có 43% do thiếu sự quan tâm của truyền thông đối với lĩnh vực khoa học và 40% do có quá ít nhà khoa học công bố các phát hiện của họ trên truyền thông.
Mặt khác, nếu các nhà khoa học không có kỹ năng truyền thông thì việc chuyển tải những ý tưởng và thông tin khoa học phức tạp có thể sẽ sa lầy trong các thuật ngữ và nguyên lý chuyên biệt, khiến cho công chúng khó có thể hiểu được. Nói cách khác, khi chưa được đào tạo kỹ năng truyền thông thì các nhà khoa học tham gia truyền thông sẽ không có hiệu quả. Trong khi đó, kỹ năng này lại là thế mạnh của giới truyền thông nhưng nhiều khi họ lại thiếu sự cố vấn của các chuyên gia cũng như hiểu biết về tri thức khoa học.
Giải pháp vượt qua thách thức
Để vượt qua được những thách thức trên, vấn đề mấu chốt vẫn là sự tăng cường kết nối giữa nhà khoa học và nhà truyền thông, qua nhiều kênh khác nhau - từ sách, tạp chí, báo, website, truyền hình…, từ đó hình thành nên mối liên hệ mật thiết giữa truyền thông và khoa học, biến truyền thông trở thành một bộ phận không thể thiếu của khoa học.
“Khoa học và truyền thông phải tạo thành một liên minh quan trọng, đặc biệt trong việc phục vụ mục tiêu phát triển. Tất nhiên để liên minh này thực hiện hiệu quả không phải là việc dễ dàng, đặc biệt ở những nơi mà nhà khoa học và nhà báo lại có xu hướng mất niềm tin vào nhau. Nhưng sự liên minh này là cần thiết nếu để đạt được mục tiêu phát triển bền vững ở những nước đã phát triển và đang phát triển” - David Dickson - người sáng lập mạng lưới khoa học SciDev.Net nói.
Tại nhiều nước phát triển như Anh, Pháp, Đức…, ngoài việc thành lập các trung tâm truyền thông KH&CN, họ còn thiết lập các hiệp hội - bao gồm cả nhà báo và nhà khoa học - cùng làm việc, gặp gỡ để hiểu biết về nhau hơn. Đặc biệt, các quốc gia này đã chú trọng tới việc đào tạo các nhà khoa học tương lai như học sinh, sinh viên những kỹ năng truyền thông. Sự rèn luyện các kỹ năng truyền thông không chỉ qua các bài giảng mà qua chính các hoạt động như tổ chức hội trại khoa học, làm tình nguyện viên hướng dẫn trong các bảo tàng khoa học hoặc tổ chức các chuyến tham quan, giới thiệu về các phòng thí nghiệm.
Ngoài ra, ở những nước phát triển, các nhà khoa học cũng được khuyến khích tham gia nói chuyện với công chúng, nhất là những người nghe không phải là nhà khoa học. Qua đó, các nhà khoa học cũng rèn luyện được khả năng nói trước rất nhiều người nghe, trong số đó không ít người có kiến thức hạn chế về khoa học.
Các tổ chức kết nối khoa học và truyền thông trên thế giới - Pháp: Tổ chức AJSPI hình thành nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhà khoa học và nhà báo. AJSPI thường xuyên giúp báo giới trải nghiệm trong các phòng thí nghiệm, còn nhà khoa học sẽ có cơ hội làm việc trong các tổ chức truyền thông. - Anh: Tổ chức BAAS giúp cho các nhà nghiên cứu có được trải nghiệm về các công việc truyền thông như in ấn, phát thanh và đưa các tin tức trực tuyến như Nature, BBC News Online và BBC Television. - Đức: Tổ chức EICOS giúp cho giới truyền thông tham gia các phòng nghiên cứu để tiến hành đối thoại với các nhà khoa học. Nhà báo sẽ hiểu hơn về các công việc và thái độ của nhà khoa học. Ngược lại nhà khoa học có thể biết được những ảnh hưởng của truyền thông đối với các vấn đề khoa học. |