Đó là tiêu đề bài diễn thuyết gây chấn động của GS Ken Robinson vào năm 2006, cũng là bài nói chuyện đạt nhiều lượt xem nhất trong lịch sử TED Talk cho tới nay.

Giết chết năng lực sáng tạo bằng nỗi sợ sai

Bài nói thể hiện rõ quan điểm: mọi đứa trẻ đều có tài năng, và hệ thống giáo dục của chúng ta đang lãng phí điều đó một cách không thương xót. Có rất nhiều người xuất chúng và sáng tạo, nhưng lại không phát triển được tiềm năng của bản thân, dành cả tuổi trẻ nghĩ rằng mình vô dụng, bởi những điều họ làm tốt thì lại không được đánh giá cao ở trường học.

Ken Robinson: Nếu không được giáo dục để sáng tạo, chúng ta sẽ bị giáo dục để từ bỏ năng lực sáng tạo.

Tất cả các hệ thống giáo dục trên hành tinh này đều có chung một thứ tự ưu tiên các môn học. Đứng đầu luôn là môn Toán và Ngôn ngữ, tiếp theo là các môn Khoa học nhân văn, và xếp cuối cùng là những môn Nghệ thuật.

Ken Robinson khẳng định: Toán và Khoa học quan trọng, nhưng Nghệ thuật cũng vậy. Và trong trường lớp, khả năng sáng tạo của học sinh nên được quan tâm, chú trọng ngang bằng với khả năng đọc, viết, làm toán.

“Tôi tin tưởng một cách mãnh liệt rằng: nếu chúng ta không được giáo dục để khai phóng sáng tạo, thì chúng ta sẽ đánh mất nó. Hay đúng hơn, chúng ta sẽ bị giáo dục để từ bỏ năng lực sáng tạo” - ông nói.

Kẻ thù lớn nhất của sáng tạo là nỗi sợ thất bại. “Chăm, ngoan, vâng lời” - lời phê phổ biến trong sổ liên lạc - cho thấy điều được đánh giá cao ở trường học là khả năng tuân lệnh và làm theo hướng dẫn, chỉ thị của giáo viên. Những lò luyện thi, những lớp luyện đề còn có sức hút bởi nỗi sợ thất bại và thua thiệt của cả phụ huynh lẫn học sinh. Bên cạnh đó, không chỉ các lời giải mẫu hay bài văn mẫu được tham khảo nhiều, các lớp học mỹ thuật - nơi học sinh tạo ra những bức tranh đèm đẹp và giống nhau - cũng ngày càng phổ biến. Đến độ ông Tham Khai Meng, đồng chủ tịch và giám đốc sáng tạo toàn cầu của công ty Ogilvy & Mathe, phải thốt lên: “Vẫn có những lớp học về Nghệ thuật Viết và Nghệ thuật Hội họa, nhưng những gì giáo viên dạy lại chỉ là sự vâng lời”.

Phải chăng đó là thứ “giáo dục giết chết sáng tạo” mà Ken Robinson nhắc tới - những lớp học khiến con người yêu thích sự an toàn, khuôn mẫu, và e ngại thử nghiệm; những lớp học không cho phép học sinh được sai.

Ai đã từng đi học, hẳn thấm thía nỗi lo khi thầy cô gọi lên bảng, cảm giác bồn chồn khi nhận điểm bài kiểm tra cuối kì, và nỗi sợ khi đọc những lời phê trường học gửi về cho cha mẹ.

Vì sao lại cần quá nhiều nỗi sợ trong lớp học? Liệu chúng ta có thể thay thế nỗi sợ bằng sự tin tưởng? Liệu giáo viên có thể tin vào tiềm năng trong mỗi học sinh, và học sinh có thể tìm thấy cảm giác an toàn, nâng đỡ ở thầy cô giáo? Liệu chúng ta có thể khiến học sinh hào hứng khi lên bảng, tò mò khi làm bài kiểm tra, và được tiếp thêm động lực khi nhận lời phê trong sổ liên lạc?

Ken Robinson sinh năm 1950 tại Anh, là một nhà giáo dục dành nhiều tình yêu và tâm huyết cho việc thúc đẩy sự sáng tạo trong xã hội. Ông từng làm việc với các chính phủ, cơ quan quốc tế, hệ thống giáo dục, tập đoàn toàn cầu, cùng vài tổ chức văn hóa hàng đầu thế giới nhằm khai phá năng lượng sáng tạo trong mỗi cá nhân và trong cộng đồng.

Ông được tạp chí Fast Company ca ngợi là một trong những nhà tư tưởng ưu tú của thế giới về sự sáng tạo và đổi mới. Năm 2003, ông được nữ hoàng Elizabeth II phong tước hiệp sĩ vì những cống hiến của ông trong nghệ thuật sáng tạo. Năm 2019, ông giành giải thưởng Nelson Mandela vì mang lại những thay đổi tốt đẹp cho thế giới.

Ken Robinson cũng là tác giả cuốn sách “Trường học sáng tạo/ Creative school” đề cập đến việc thay đổi và chuyển hóa những khó khăn của các nền giáo dục trên thế giới, hiện đã được dịch ra 15 thứ tiếng.

Ông qua đời ngày 21/8/2020 bởi căn bệnh ung thư.

Nuôi dưỡng tính sáng tạo - cơ hội cho tương lai

Trong một bài diễn thuyết khác, Ken Robinson khẳng định: “Không có một hệ thống giáo dục hoặc một ngôi trường nào có thể đóng vai trò quan trọng hơn người thầy được. Người thầy là huyết mạch của một ngôi trường thành công.” Bởi vai trò của thầy cô không đơn thuần là xuất hiện trong lớp, cung cấp và chuyển giao kiến thức.

Trước đó, nhà giáo dục William Arthur Ward cũng từng nói, “Người thầy trung bình sẽ chỉ rao giảng. Người thầy tốt sẽ giải thích. Người thầy giỏi sẽ minh họa. Và người thầy tuyệt vời sẽ truyền cảm hứng”. Với Ken Robinson, người thầy tuyệt vời còn đóng vai trò cố vấn và đánh thức sự tò mò, say mê ở học trò. Họ cũng là người nhận thấy và kích hoạt những tiềm năng trong mỗi đứa trẻ.

Khi nói về giáo dục, chúng ta nói rất nhiều về phương pháp, giáo trình, điểm số… nhưng lại bàn rất ít về yếu tố con người. Ken Robinson cho rằng, đó là một thực tại đáng buồn, khi giáo dục chưa quan tâm tương xứng đến hành trình học tập và trưởng thành của mỗi cá nhân. Với ông, thi cử và thành tích chỉ nên là một phần hỗ trợ việc học và phát triển, chứ không phải là một áp lực để giết chết tinh thần ham học, và bào mòn tính sáng tạo, tò mò của con người.
Bản chất mỗi đứa trẻ đều là những “người học” với sự tò mò và khát khao được khám phá, thử nghiệm thật dồi dào. Điều đứa trẻ cần không phải là công cuộc nhồi nhét kiến thức từ người lớn, mà là sự khuyến khích để trí tò mò được phát huy. Một khi đứa trẻ đã tò mò, chúng sẽ tìm mọi cách để học điều chúng muốn và học trong say sưa, tự nguyện.

Chín năm sau bài diễn thuyết “Do schools kills creativity” của Ken Robinson, báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF (http://www3.weforum.org/docs/WEF_New_Vision_for_Education.pdf), cũng khẳng định, sáng tạo là một trong những năng lực quan trọng nhất của thời đại công nghệ kỹ thuật số, cần được thúc đẩy phát triển để thích nghi cùng kỷ nguyên mới đầy biến động.

Còn trong lời tựa cuốn sách “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới” của thiền sư Thích Nhất Hạnh và Katherine Weare, GS. Jon Kabat-Zinn viết: “Thế giới đang thay đổi quá nhanh đến nỗi chúng ta không thực sự biết được nền tảng tri thức và kỹ năng nào sẽ là quan trọng nhất mà các thế hệ kế cận cần phải trau dồi. Nhưng điều mà chúng ta có thể biết chắc là: muốn sáng tạo, yêu nghề, thích nghi với thời đại kỹ thuật số và học hỏi suốt đời thì người trẻ ở lứa tuổi nào cũng cần phải phát triển kỹ năng sống với giây phút hiện tại.”

Nhìn một cách tích cực, có lẽ mỗi khi thế giới biến động là một lần chúng ta có cơ hội nhìn lại các giá trị của cuộc sống. Và chỉ khi đó, chúng ta mới hiểu được ý nghĩa của giáo dục và biết cách giáo dưỡng thế hệ trẻ tiếp theo, như Ken Robinson kết luận ở cuối bài diễn thuyết.