Will Rogers đã lay động người dân Mỹ bằng khiếu hài hước, các bài báo, sức mạnh của một ngôi sao điện ảnh và sức ảnh hưởng chính trị.
Trong khoảng từ năm 1915 đến năm 1935, "Triết gia Cao bồi" Will Rogers, người đã thắp sáng những tháng ngày đen tối của cuộc Đại suy thoái bằng những lời lẽ đầy trắc ẩn, cảm thông, đã trở thành ngôi sao Broadway, minh tinh phòng vé hàng đầu, ngôi sao điện ảnh được trả lương cao nhất, ngôi sao phát thanh nổi tiếng nhất, kiêm diễn giả được yêu cầu thường xuyên nhất và người phụ trách chuyên mục nhật báo được đọc nhiều nhất ở Mỹ.
Trong thế giới truyền thông có phân khúc được xác định rõ ràng như hiện nay với vô số lựa chọn có sẵn, từ báo in, chương trình phát sóng đến internet, nhiều người Mỹ chọn tiếp nhận những gì họ thích và ngó lơ những người đưa tin hoặc diễn giả không thuộc phạm vi quan tâm của họ. Đó có thể là CNN hoặc Fox News, Stephen Colbert hoặc Sean Hannity, Oprah Winfrey hoặc Meghan McCain. Nhưng chưa ai được nhiều khán giả yêu thích như Rogers.
Chân dung Will Rogers qua tranh của Charles Banks Wilson
Nhà sử học Ivie E. Cadenhead Jr viết: “Will gần như là một phát ngôn viên quốc gia trong suốt giai đoạn sau của sự nghiệp”. Chỉ riêng chuyên mục trên báo của Rogers đã được tới 40 triệu người tiếp cận tại quốc gia 123 triệu dân và gần một phần ba độc giả của ông là trẻ em. Chuyên mục của Rogers đã xuất hiện trên tờ New York Times và 550 tờ báo khác, và ông đã viết hơn 3.600 chuyên mục trong suốt sự nghiệp.
Nhà trào phúng và học giả H.L. Mencken từng gọi ông là “người đàn ông nguy hiểm nhất còn sống” vì tầm ảnh hưởng rộng lớn của ông đối với người dân Mỹ. Tác giả Damon Runyan đã mô tả ông là “tài liệu về con người hoàn chỉnh nhất của nước Mỹ”.
Nhiều người nhớ tới Rogers qua những quan sát thông thái của ông về xã hội Mỹ. Ông yêu bóng chày và ghét sự cấm đoán. Ông bảo vệ kẻ bị áp bức và chỉ trích kẻ quyền lực.
Mang trong mình dòng máu của người bản địa châu Mỹ Cherokee, Rogers ra đời năm 1879 trên trang trại rộng 60.000 mẫu Anh của cha mình, nằm trên lãnh thổ của người Cherokee ở Oklahoma. Sau khi các Đạo luật Curtis và Dawes yêu cầu chia lại đất đai của người Mỹ bản địa, đến cuối cuối những năm 1890, trang trại của gia đình ông chỉ còn 140 mẫu Anh. Rogers trở thành công dân Hoa Kỳ nhập tịch sau khi Đạo luật Curtis năm 1898 giải tán các chính quyền bộ lạc. Cả cha và mẹ ông đều mang dòng máu Cherokee, và dù người cha thành đạt của ông nhiệt thành muốn con mình được học hành đến nơi đến chốn, Rogers lại không thích trường lớp.
Đến tuổi thiếu niên, Rogers rời nhà, trở thành một cao bồi ở Argentina và biểu diễn ở Rạp xiếc Miền tây Hoang dã của Jack trong chuyến lưu diễn ở Nam Phi. Thể hiện các kỹ năng roping (kỹ thuật biểu diễn với dây đặc trưng của các cao bồi) học từ một nô lệ tự do, Rogers trên sân khấu được biết đến với cái tên "Đứa trẻ Cherokee".
Kỹ năng roping của ông giỏi đến mức có thể sử dụng ba sợi dây cùng lúc và có thể buộc một con ngựa cùng với một người cưỡi chỉ với ba sợi dây. Không không giống như các cao bồi phương Tây nổi tiếng khác cùng thời, Rogers không bao giờ mang theo súng. Hơn nữa, Rogers khác với hầu hết những chàng trai khác. Từ nhỏ, chàng trai Will đã thích lang thang đây đó. Sự háo hức đó đã dẫn ông đi khám phá các lục địa thay vì hoàn thành chương trình học.
Khi kết thúc các chuyến phiêu lưu nước ngoài đầu tiên, Rogers đã tham gia biểu diễn khắp hệ thống các rạp hát tạp kỹ của Mỹ. Lần đầu tiên ông nhận được sự chú ý trên toàn quốc sau khi tròng dây tóm gọn một con bò được thả tự do trong sân vận động Madison Square Garden. Trong nhiều năm, bà Betty - vợ ông - đã đề nghị chồng giao tiếp với khán giả, và ông cũng bắt đầu nhận ra rằng đám đông phản ứng tốt hơn khi ông cất lời giữa các pha roping nguy hiểm và giải thích vì sao một lần thực hiện nào đó không thành công. Nếu thực hiện một kỹ thuật nào đó thất bại, Rogers sẽ có sẵn trò đùa. Không lâu sau, Rogers đã tìm thấy cơ hội để chia sẻ những quan sát của mình về các vấn đề đương thời. Ông nhận được một công việc trong đoàn kịch Ziegfeld Follies (nổi tiếng với một loạt các tác phẩm tái hiện sân khấu Broadway) vào năm 1915 tại Broadway. Trong 10 năm làm việc với đoàn kịch, Rogers đã trở thành ngôi sao không thể thiếu của chương trình biểu diễn.
Kể từ năm 1918, Rogers đã xuất hiện trong hơn 70 bộ phim. Hầu hết đều là phim câm, nhưng ông cũng đã đóng vai chính trong 11 bộ có thoại. Ông đã từng hợp tác cùng các diễn viên như Mickey Rooney và các đạo diễn huyền thoại như John Ford và Hal Roach. Rogers cũng bắt đầu tham gia các chương trình phát thanh vào năm 1922, và trong thập niên 30, ông đã khởi động một series hàng tuần do Gulf Oil tài trợ. Lương của ông trong bảy tuần đầu tiên là 50.000 đô la, và một nửa số đó đã được quyên góp cho Hội Chữ thập đỏ. Khi thu nhập tăng lên, ông cũng trở nên nổi tiếng với hoạt động từ thiện.
Với danh tiếng ngày càng được nâng cao, ảnh hưởng của Rogers ngày càng lớn. Ông đã trở thành một nhà bình luận chính trị sắc sảo. Mặc dù có lập trường rất cụ thể về các vấn đề quốc gia, nhưng dường như ông không bao giờ ngó lơ công chúng. Tổng thống Dwight D. Eisenhower lý giải điều này là do "công cụ yêu thích của ông là những lời châm chọc hóm hỉnh, nhưng dù đủ sắc bén để chọc thủng những sự khoa trương, chúng không bao giờ để lại tổn thương lâu dài". Tuy nhiên, đã có ít nhất một lần Rogers làm mất lòng người nghe. Trong một chương trình phát sóng vào tháng 1/1934, ông đã sử dụng từ xúc phạm người da đen bốn lần, khiến NAACP (Hiệp hội Quốc gia vì Sự tiến bộ của Người da màu) và các tòa báo của người Mỹ gốc Phi phẫn nộ.
Trong các chuyên mục của mình, Rogers khuyến khích người Mỹ chuẩn bị để bảo vệ đất nước mình, nhưng ông lại theo chủ nghĩa biệt lập, phản đối sự can dự của Mỹ vào các vấn đề của các quốc gia khác. Vào đầu năm 1935, ông đã thể hiện tầm ảnh hưởng chính trị của mình khi khuyến khích nhiều người trong số 40.000 người gửi điện đến Quốc hội, dẫn đến việc loại bỏ kế hoạch năm 1935 để Mỹ trở thành thành viên của Tòa án Thế giới.
Khi niềm đam mê chu du lại trỗi dậy, Rogers bắt đầu chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới vào tháng 8/1935 . Đồng hành với một trong những phi công nổi tiếng nhất thế giới, Wylie Post, trên một chiếc máy bay hai chỗ ngồi, Rogers đã bắt đầu hành trình ở Alaska. Vài ngày sau, máy bay bị lạc và hạ cánh xuống một đầm phá ở Alaska để nhờ người dân địa phương chỉ đường. Khi chiếc máy bay cất cánh trở lại, nó đã nhanh chóng mất điện và lao xuống nước, khiến cả hai người thiệt mạng.
Theo Carl Sandburg, “có một sự tương đồng kỳ lạ giữa Will Rogers và Abraham Lincoln.” Cả hai đều là những nhân vật được người ta yêu thích một cách một cách dễ dàng mà không phân vân gì hết. Robert Sherwood, một học giả nghiên cứu về Lincoln, đã cho rằng cái chết của Will Rogers đã tác động lên người dân Mỹ cũng không khác gì trường hợp của Tổng thống Lincoln. Hơn 50.000 người đã chen chúc hàng giờ đồng hồ để chờ đợi cơ hội đi qua quan tài phủ cờ của ông trong nghĩa trang ở Los Angeles. Các rạp chiếu phim trên toàn quốc đều tắt màn hình trong hai phút khi tang lễ của ông bắt đầu.
Sau khi ông qua đời, người Mỹ ở khắp nơi trên thế giới đã quyên góp tiền xây dựng khu tưởng niệm Will Rogers. Đáp lại nỗ lực này, nghị viện Oklahoma đã phê duyệt 200.000 đô la cho dự án. Quốc hội đã thông qua dự luật phân bổ 500.000 đô la cho khu tưởng niệm, song Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã phủ quyết kế hoạch này. Các công nhân đã xây dựng một khu tưởng niệm nhỏ hơn, có cấu trúc giống một trang trại gia súc, vào tháng 4/1938.
Dù đã qua đời, Will Rogers chưa bao giờ hết ảnh hưởng tới văn hóa đại chúng Mỹ. Câu chuyện về Will Rogers, bộ phim tiểu sử với sự tham gia của Will Rogers con và Jane Wyman được ra mắt vào năm 1952. Gần 40 năm sau, The Will Rogers Follies, một vở nhạc kịch Broadway do Keith Carradine đóng vai Rogers, ra mắt vào năm 1991 và giành được giải thưởng Tony cho Tiết mục nhạc kịch hay nhất.
Nguồn: https://www.smithsonianmag.com/smithsonian-institution/will-rogers-was-one-kind-180975472/