Không chỉ rút ngắn khoảng cách với Mỹ trong đầu tư công cho khoa học, Trung Quốc đang bám sát Mỹ và vượt qua cả châu Âu trong đầu tư tư nhân cho R&D, theo một báo cáo mới công bố của Ban Đầu tư R&D trong công nghiệp của châu Âu.
Mỹ vẫn chiếm ưu thế
Đây là báo cáo được đánh giá là đáng tin cậy với việc khảo sát khoảng 2.500 nhà đầu tư cho R&D hàng đầu thế giới, trong đó châu Âu có khoảng 1.000 nhà đầu tư.
Theo báo cáo của Ban Đầu tư R&D trong công nghiệp châu Âu, 2.500 nhà đầu tư cho R&D hàng đầu thế giới năm 2021 có đại bản doanh ở 41 quốc gia, chiếm 86,3% tổng đầu tư cho R&D toàn cầu. Có một điểm đáng chú ý là mức độ đầu tư cho R&D của lĩnh vực tư nhân đã tăng lên so với trước đại dịch, với 14,8% so với năm 2020. Lần đầu tiên kể từ năm 2004, tổng đầu tư cho R&D của các công ty thuộc top 2500 thế giới này đã vượt qua con số một nghìn tỉ Euro. Trong số này, Mỹ có số lượng các công ty đầu tư cho R&D cao nhất với con số 822, theo sau là Trung Quốc 679 công ty, EU 361 công ty, Nhật Bản 233 công ty, Anh 90 công ty, Đài Loan 84, Thụy Sĩ 55 và Hàn Quốc 53… Mặc dù về thứ tự các quốc gia này không có nhiều thay đổi nhưng về số lượng các công ty đầu tư cho R&D thì Mỹ và Trung Quốc đều có sự gia tăng, lần lượt là 41 và 82 trong khi cả Nhật Bản và EU đều suy giảm so với trước, lần lượt là 60 và 40.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm, Trung Quốc đã vượt qua EU cả về số lượng các công ty lẫn số tiền đầu tư cho R&D với tốc độ đầu tư tăng 24,9%, bất chấp việc các khoản đầu tư cho R&D của EU đã tăng lên 8,9% trong năm 2021. Nếu các công ty EU đầu tư 192, 8 tỉ Euro thì con số này của Trung Quốc là 195,9 tỉ Euro. Tuy nhiên cả hai khu vực này đều thua đây một khoảng cách xa bởi đây là nhà đầu tư số một toàn cầu với 439,7 tỉ Euro, tăng 16,5% và chiếm 40,2% tổng đầu tư toàn cầu.
Pan Ji Wei là người đưa Trung Quốc dẫn đầu thế giới về truyền thông lượng tử.
Nếu nhìn cận cảnh thì không phải lĩnh vực nào cũng nhận được nhiều đầu tư R&D. Xu hướng R&D toàn cầu đã dần dịch chuyển sau COVID. Năm 2021, những lĩnh vực đang được hưởng lợi hậu đại dịch là các dịch vụ công nghệ thông tin, tiếp sau là chăm sóc sức khỏe và các nhà sản xuất về công nghệ thông tin, tiếp sau là công nghệ năng lượng, hàng không, công nghệ quốc phòng, tự động hóa và hóa học… Đáng chú ý, trong cuộc chạy đua đầu tư toàn cầu, bốn lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất là sản xuất công nghệ thông tin 22,6%, công nghiệp sức khỏe 21,5%, dịch vụ công nghệ thông tin 19,8% và ô tô – tự động hóa 13,9%. Hơn hai phần ba tổng số các công ty trên toàn thế giới đều rót tiền vào bốn lĩnh vực này.
Trong số các nhà đầu tư cho R&D tư nhân, nổi lên một xu thế là đầu tư mạo hiểm. Tuy đã xuất hiện chừng hai thập kỷ qua nhưng đây mới là thời điểm để đầu tư mạo hiểm chiếm hai phần ba trong số đầu tư vào các công ty. Thật thú vị khi thấy là R&D và đầu tư mạo hiểm lại có thể song hành và hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt trong công nghệ thông tin và chăm sóc sức khỏe. Có một điểm mà người ta không thể bỏ qua là đầu tư mạo hiểm từ châu Âu chỉ bằng một nửa so với Mỹ nhưng 80% khoản đầu tư từ châu Âu là rót vào các nhà startup có trụ sở tại Mỹ. Điều này chỉ dấu là các công ty khởi nghiệp Mỹ rất nhiều hứa hẹn thành công và môi trường đầu tư của Mỹ có nhiều chính sách hỗ trợ để kích thích các nhà đầu tư rót vốn.
Mặt khác, ảnh hưởng của Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs) đã thúc đẩy các nhà đầu tư quan tâm nghiều hơn đến các công nghệ xanh và các công nghệ hỗ trợ kinh tế tuần hoàn. Do đó, các công ty Mỹ và châu Âu quan tâm và có bằng phát minh/sáng chế công nghệ xanh, kinh tế tuần hoàn cũng là những nơi nhận được nhiều đầu tư, trong đó chiếm số lượng đáng kể là ô tô/tự động hóa, hóa chất. Xu thế này gợi ý đến tiềm năng nhận được nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư tư nhân trong tương lai gần ở các công ty có các giải pháp công nghệ nhằm giải quyết những thách thức khoa học hoặc kỹ thuật quan trọng mà các mục tiêu phát triển bền vững hướng tới.
Trung Quốc là kẻ cạnh tranh đáng gờm
Có lẽ, không phải bàn cãi gì nhiều thì ai cũng phải thừa nhận vị trí ngày một ảnh hưởng sâu rộng hơn đến đầu tư cho R&D toàn cầu của Trung Quốc. Trước đây, người ta ấn tượng về con số đầu tư công cho khoa học, đặc biệt là khoa học cơ bản, của Trung Quốc khi báo cáo của Quỹ Khoa học Mỹ vào năm 2020 chỉ ra, từ năm 2000 đến năm 2017, đầu tư cho khoa học của Mỹ đã gia tăng với tỷ lệ 4,3% mỗi năm nhưng Trung Quốc còn ấn tượng hơn với tỷ lệ tăng 17% mỗi năm cũng trong cùng thời kỳ. Đó là một phần lý do so với năm 2020, Trung Quốc có thêm 81 đại diện trong top 2.500 công ty hàng đầu thế giới về đầu tư cho R&D và năm trong top 10 công ty của họ thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin: Huawei hạng 4 thế giới, Alibaa 17 thế giới, Tencent 18 thế giới, Baidu 53 thế giới, ZTE 70 thế giới; ngoài ra có bốn công ty sừng sỏ trong lĩnh vực xây dựng: Công ty kỹ thuật xây dựng nhà nước Trung Quốc hạng 34 thế giới, Đường sắt Trung Quốc hạng 54 thế giới, Xây dựng viễn thông Trung Quốc hạng 56 thế giới và Xây dựng đường sắt Trung Quốc hạng 62 thế giới.
Nếu nhìn vào xu thế đầu tư của Trung Quốc, có thể thấy, các nhà đầu tư quốc gia này cũng theo sát xu hướng của thế giới khi rót tiền vào lĩnh vực công nghệ thông tin hậu hĩnh hơn hẳn các lĩnh vực khác: ngành sản xuất về công nghệ thông tin chiếm 26,4% tổng số đầu tư, dịch vụ công nghệ thông tin 18%. So với toàn cầu, Trung Quốc chiếm 17,9% tổng đầu tư toàn cầu, nghĩa là vẫn còn ở khoảng cách khá xa với Mỹ (40,2%).
Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của Trung Quốc chính là ô tô, tự động hóa. Họ chỉ có duy nhất một đại diện là Saic Motor trong top 2500 công ty hàng đầu thế giới. Đây cũng là điểm mạnh của EU, nơi đang nuôi hy vọng giữ được nhiều khả năng cạnh tranh nhất so với toàn cầu và là điểm nhấn để họ có thể vượt qua Trung Quốc. Hiện EU vẫn là người dẫn dắt toàn cầu trong đầu tư cho R&D vào tự động hóa thông qua những khoản đầu tư lớn vào xe điện và số hóa, cả về các công ty lớn và công ty mới.
Việc Trung Quốc vượt qua EU khiến nhiều người cảm thấy lo lắng. Năm 2004, EU vẫn ở phía trên Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực đầu tư nhưng cả thập kỷ qua, mọi thứ đã thay đổi. Xét về tỉ lệ đầu tư trung bình cho R&D thì Trung Quốc đã vượt qua EU. Báo cáo cho thấy vào năm 2021, các công ty Trung Quốc đầu tư vào R&D trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin nhiều gấp đôi EU và gấp 1,6 lần trong lĩnh vực sản xuất về công nghệ thông tin. Và hiện tại, nỗ lực đầu tư đã có kết quả, đó là doanh thu bán hàng của Trung Quốc về dịch vụ công nghệ thông tin đã vượt qua châu Âu.
Ngoài ra, Trung Quốc còn có một vũ khí đáng gờm trong lĩnh vực bán dẫn. Các con chip bán dẫn là thành phần không thể thiếu của các thiết bị điện tử. Trong ba thập kỷ qua, EU và Mỹ chỉ chiếm lần lượt 9 và 12% lượng sản xuất bán dẫn toàn cầu; chủ yếu nguồn cung từ châu Á với Đài Loan 22%, Hàn Quốc 21 và Trung Quốc 15%.
Theo Tân Hoa Xã và báo cáo năm 2022của Ban Đầu tư R&D trong công nghiệp châu Âu.