Tham vọng dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc đòi hỏi sự dồi dào về nguồn nhân lực chất lượng cao.

Huyện miền núi Môn Đầu Câu (Mentougou), cách thủ đô Bắc Kinh 30km về phía bắc – nơi nổi tiếng với các ngôi chùa và ngành trồng nấm – được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm của ngành công nghiệp dựa trên nền tảng AI của Trung Quốc trong tương lai. Vào đầu tháng 1.2018, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ chi 13,8 tỷ NDT (khoảng 2,1 tỷ USD) để xây dựng một khu công viên công nghiệp AI tại đây – khoản đầu tư lớn đầu tiên trong kế hoạch trở thành người dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này vào năm 2030.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cũng hoài nghi về khả năng thu hút nhân lực nghiên cứu chất lượng của khu công viên rộng 55ha này. Mặc dù, Chính phủ Trung Quốc đặt kỳ vọng nơi đây sẽ thu hút khoảng 400 công ty tới hoạt động, tạo ra giá trị mỗi năm khoảng 50 tỷ NDT (7,6 tỷ USD) nhờ phát triển các sản phẩm và dịch vụ trong lĩnh vực điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data), nhận diện sinh học (biorecognition) và học nhiều tầng (deep learning). Một nhà khoa học hiện làm việc cho một startup chuyên về AI ở Bắc Kinh, phát biểu và yêu cầu giấu danh tính vì Chính phủ Trung Quốc thường tỏ ra “rất nhạy cảm” với chỉ trích, đã cho rằng: “Tôi không thấy những tài năng hàng đầu sẽ sẵn sàng tới đó để sống và làm việc”.

Việc săn lùng các nhà nghiên cứu tài năng về AI đang là vấn đề lớn mà các công ty và trung tâm trên khắp thế giới đang phải đối mặt. David Wipf, chuyên gia hàng đầu tại trung tâm nghiên cứu của Microsoft ở Bắc Kinh, nhận định: “Tương lai [của AI] sẽ là cuộc chiến về dữ liệu và (giành giật các nhà nghiên cứu) tài năng”.

Giữ chân nhân tài

Các doanh nghiệp về AI của Trung Quốc đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Có ít nhất năm công ty chuyên phát triển công nghệ nhận diện khuôn mặt (facial recognition) tại đây, bao gồm SenseTime và Face ++ – đều có trụ sở tại Bắc Kinh, đã thu hút được hơn 1 tỷ USD từ các nhà đầu tư vào năm 2017. Tuy nhiên, nhiều công ty về AI cũng đang chật vật chiêu mộ nhân lực nghiên cứu. Năm 2016, bộ Thông tin –công nghệ Trung Quốc ước tính, cần có thêm 5 triệu người để đáp ứng nhu cầu nhân lực của ngành này.

Số lượng những nhà nghiên cứu tài năng về AI trên thế giới không nhiều. Các doanh nghiệp Trung Quốc đang phải cạnh tranh khốc liệt với những tập đoàn đa quốc gia như Google – nổi tiếng vì có các phương án tuyển dụng linh hoạt, đe doạ “rút ruột” chất xám của các trường đại học bằng chế độ lương bổng cao.

Zhang Yong, trưởng nhóm phát triển AI tại Alibaba, giới thiệu sản phẩm ET Brain tại một hội thảo vào tháng 12.2017. Ảnh: Li Xin/Xinhua via ZUMA

“Đây là cuộc chiến giành tài năng, bất cứ ai đưa ra mức lương cao nhất sẽ chiến thắng”, Nick Zhang, chủ tịch viện Nghiên cứu Ô Trấn (Wuzhen Institute), một think tank trong lĩnh vực AI, nhận định, đồng thời cho biết nhiều trung tâm AI của gã khổng lồ mạng xã hội Tencent hay nhà cung cấp dịch vụ web Baidu – đều của Trung Quốc – luôn sẵn sàng đáp ứng mức lương tới 1 triệu USD, hay thậm chí cao hơn cho người giàu kinh nghiệm tới làm việc. “Cách đây năm năm, người ta không thể tưởng tượng nổi điều này”, Zhang cho hay.

Mặc dù Trung Quốc còn khan hiếm những nhân vật thành công trong ngành công nghiệp AI, nhưng họ lại có rất nhiều sinh viên giỏi tốt nghiệp ngành khoa học máy tính, có kinh nghiệm với học máy (machine learning) hay những lĩnh vực khác có liên quan tới AI. Đại học Bắc Kinh đã mở khoá cử nhân chuyên ngành AI đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 2004, sau đó khoảng 30 trường đại học cũng ra mắt những chương trình đào tạo tương tự.

Tuy nhiên, các trường đại học này cũng đang cố gắng đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp, bởi những sinh viên xuất sắc nhất thường ra nước ngoài sau khi tốt nghiệp. Hiện nay, có rất nhiều nhà nghiên cứu trẻ người Trung Quốc đang làm việc tại các phòng thí nghiệm AI từ Mỹ cho tới Israel.

Vào tháng 12.2017, trong hội thảo về AI tổ chức tại cơ sở của trường đại học New York (NYU) mở tại Thượng Hải, hầu hết người tham dự đều là những nhà nghiên cứu Trung Quốc đang làm việc tại các đại học hay phòng thí nghiệm công nghệ tại Mỹ. Zhang Zheng, nhà nghiên cứu tại NYU Thượng Hải, trưởng ban tổ chức hội thảo, cho biết, ông vẫn hay viết thư giới thiệu sinh viên Trung Quốc du học tại Mỹ. “Hy vọng sau này họ sẽ quay trở lại [Trung Quốc]”, ông nói.

Ngoài ra, đang có một cuộc chiến không khoan nhượng nhằm tranh giành nhân tài AI tại Trung Quốc. Theo Zhang Zheng, hầu hết những nhà khoa học AI tại đất nước này đang làm trong ngành công nghiệp hơn là trong các viện nghiên cứu. Wipf cho biết, Microsoft thành lập trung tâm nghiên cứu ở Bắc Kinh, một phần mục đích là để chiêu mộ những sinh viên xuất sắc của trường đại học Thanh Hoa và Bắc Kinh, hai trường đại học danh tiếng nhất của Trung Quốc.

Trong tháng trước, Google cũng thành lập một trung tâm nghiên cứu AI của mình ở Bắc Kinh để thu hút tài năng của hai trường này. Zhang Zheng cho rằng: việc các công ty quốc tế đến thành lập cơ sở hoạt động tại Trung Quốc là tốt cho cộng đồng AI ở đây, vì những hãng công nghệ Mỹ như Google và Facebook thường tiến hành nhiều nghiên cứu cơ bản hơn so với các đối tác địa phương. “Trung Quốc thiếu hụt những tài năng hàng đầu, vì vậy cơ hội làm việc với các trung tâm nghiên cứu nước ngoài đặt tại đây cũng là cách để đào tạo họ”, Zhang nói.


Đào tạo AI

Chính phủ Trung Quốc nhận ra rằng cần phải đào tạo và giữ chân nhiều sinh viên chuyên ngành AI hơn nếu muốn trở thành người đứng đầu trong lĩnh vực này vào năm 2030. Theo lộ trình phát triển ngành của Đảng Cộng sản Trung Quốc công bố vào hồi tháng 7.2017, hoạt động đào tạo trong lĩnh vực AI sẽ được tăng cường ngay từ cấp tiểu học và trung học cơ sở.

Các khoá đào tạo AI online cũng đang trở nên phổ biến. Zhang Jiang, người dạy về lĩnh vực này tại trường Các hệ thống khoa học (School of Systems Science) thuộc đại học Sư phạm Bắc Kinh (Beijing Normal University), cho biết: “Sự hăng hái học hỏi trong ngành này rất lớn”.

Theo số liệu từ viện Ô Trấn, Trung Quốc hiện vẫn đi sau Mỹ trên hầu hết các tiêu chí trong lĩnh vực AI như hoạt động đầu tư tư nhân và số lượng bằng sáng chế. Tuy nhiên Nick Zhang nhận định, Trung Quốc đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách này, đặc biệt đối với những lĩnh vực ứng dụng như thị giác máy tính (computer vision).

Liệu Trung Quốc có thể tạo ra những đột phá mang tính tiên phong trong thập kỷ tới, điều đó vẫn còn chưa chắc chắn. Zhang Jiang cho biết: “Trước khi Trung Quốc vươn lên dẫn đầu cuộc cạnh tranh này, thì họ vẫn phải thu hẹp khoảng cách với Mỹ, bởi vì họ vẫn còn thiếu những đổi mới sáng tạo cơ bản. Trung Quốc vẫn là người học giỏi chứ không phải người sáng tạo xuất sắc”.