Đối với người châu Âu, đức tin thôi chưa đủ. Các cấm đoán, kết án, như các kết án hay cả trừng phạt đều không ngăn được óc tò mò, tinh thần khám phá, và lòng dũng cảm. Khoa học tự nó có sức cám dỗ, mê hoặc đối với những con người có óc khám phá, tò mò.

Khoa học là khai sáng, là giải phóng con người khỏi sự thiếu hiểu biết. Khoa học cũng tránh cho Kitô giáo khỏi hiểm hoạ mê tín từ chiêm tinh học mà các cha nhà thờ rất ý thức về nguy cơ. Toà thánh La Mã thời Phục hưng, tuy có thể phạm những sai lầm nghiêm trọng khi rơi vào chủ nghĩa giáo điều Aristote và truy bức những nhà khoa học tiến bộ, nhưng không thể kìm hãm mãi các hạt giống khoa học vươn lên. Con người châu Âu bất chấp mọi khó khăn, can đảm tiếp tục khai phá để đưa khoa học đến thắng lợi trong cuộc cách mạng khoa học vĩ đại ở thế kỷ 17, để thế giới có khoa học hiện đại như ngày nay. Đó là một quá trình dài đầy đau khổ, nhưng rất vinh quang, mà chỉ có các dân tộc châu Âu Kitô giáo mới có được. Họ không có tự do, mà họ giành được tự do.

Với Newton, khoa học hiện đại được hoàn toàn giải phóng khỏi lòng nhà thờ, thoát khỏi mọi sự trói buộc, được công nhận như một thực thể đầy đủ và độc lập tự nó, và từ cuối thế kỷ 17 trở đi được phát triển tự do, ngang bằng hoặc hơn tôn giáo. Khoa học cũng là ánh sáng của Chúa, nói theo Augustin. Con đường khoa học cũng là con đường của Thánh Linh, nói theo Aquinas.

Sau Albertus và Aquinas, tri thức và nghiên cứu khoa học được cởi trói để đi lên. Hai ông là những người nhìn-về-phía-trước một cách có ý thức. Hai ông là những người chịu ảnh hưởng rất lớn của Robert Grosseteste (1175 – 1253), cũng là một nhà nghiên cứu khoa học. Học trò của Grosseteste là Roger Bacon (1214 – 1294) là nhà tư tưởng khoa học lớn nhất của thời Trung cổ.

Roger Bacon (1214 – 1294) là nhà tư tưởng khoa học lớn nhất của thời trung cổ.

Bacon dạy học ở Paris và Oxford. Ông là một nhà bách khoa thư. Bacon không phải là nhà thực nghiệm, cũng không phải là nhà toán học, nhưng ông, cũng như thầy ông Grossesteste, nhìn thấy rõ, không có thực nghiệm và toán học, triết học tự nhiên chỉ là một sự lắm lời. Thực nghiệm và ứng dụng sẽ lên ngôi trong những thế kỷ tới vào thời Phục hưng và sau đó. Francis Bacon đầu thế kỷ 17 sẽ giương cao tiếp ngọn cờ thực nghiệm trong nghiên cứu khoa học, trong khi Galilei làm cả hai: thực nghiệm và ứng dụng toán học. […]

Cuối thế kỷ 13, trong khi học thuật thế giới Kitô giáo đang phát triển cao, thì học thuật của thế giới Hồi giáo, sau thời đại vàng sáng chói kéo dài nhiều thế kỷ, lại suy tàn. Cuộc dịch thuật khối tài sản tinh thần khổng lồ từ tiếng Arập và Hy Lạp đã xong. Học việc cũng đã xong. Châu Âu Kitô giáo đang trên đà vươn lên, và hưởng trọn quyền bá chủ về tinh thần và chính trị từ đó. Trung tâm hấp lực của thế giới học thuật nằm ở phương Tây, và nó vẫn như thế cho đến hôm nay. Khoa học của phía Đông của châu Âu lần lần đi vào quên lãng. Những đóng góp của người Arập, Do Thái và Hy Lạp được thống nhất và hoà tan vào khoa học của phương Tây. Nếu Platon nói: “Tất cả những gì chúng tôi những người Hy Lạp nhận được, chúng tôi đều cải tiến và làm cho hoàn hảo”, thì giờ đây điều đó cũng đúng cho thế giới châu Âu.

Nhìn toàn bộ, chúng ta có thể chia tiến trình thời gian phát triển của khoa học như sau (C. Singer):

1. Thời những ý tưởng nền tảng (600 – 400 tr. CN): Ionia, Magna Graecia và Athens.

2. Các hệ thống tư tưởng lớn ra đời (400 – 300 tr. CN): Athens. Platon, Aristote, Stoics và Epicurians.

3. Sự chia tay giữa khoa học và triết học (300 – 200 tr. CN): Alexandria.

4. Khoa học là người hầu gái của thực hành (50 tr. CN – 400 s. CN): La Mã.

5. Thời Trung cổ (400 – 1400): Sự phục hồi học thuật lần thứ nhất. Thần học là nữ hoàng của tất cả các môn khoa học; khoa học được nâng cấp là người hầu gái của thần học.

6. Phục hưng, hay sự phục hồi học thuật lần hai: Sự hình thành của chủ nghĩa nhân văn, humanism (1250 – 1600). Một nỗ lực lớn hơn trở về Cổ đại. Thế giới thế tục phát huy sức mạnh.

7. Thời kỳ nổi dậy (1600 – 1700): Sự suy tàn của chủ nghĩa Aristote. Nỗ lực của những tổng hợp mới.

8. Khoa học hiện đại chiến thắng. Với Newton, thế giới cơ học ra đời và “chiếm diễn đàn thế giới” (1700 – 1900).