“Khi đã thành công, với nghiên cứu khoa học thì không tồn tại khái niệm đứng im, mà nó cần có sự vận động theo biến đổi của thực tế. Nói như vậy để thấy rằng những thành quả mà em đạt được ngày hôm nay đã không còn mới nữa”.
Từ vẻ đẹp những con số đến sôi sục đam mê sáng tạo
Sinh năm 1988, Nhật Quang là người có tuổi đời trẻ nhất trong số gần 70 nhà khoa học trẻ tiêu biểu của năm 2015 được gặp lãnh đạo Chính phủ ngày 11/9 vừa qua. Với chức vụ Trưởng phòng mô hình mô phỏng, Trung tâm Nghiên cứu hệ thống chỉ huy và điều khiển, Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel - Tập đoàn Viễn thông Quân đội mà Nhật Quang đảm nhiệm khiến người đối diện có cảm giác dường như thành công đến với cậu quá sớm.
Thế nhưng nhìn vào những kết quả mà Nhật Quang đạt được, nhiều người sẽ phải thực sự ngưỡng mộ. Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng Quang đã là kỹ sư chính thiết kế sản phẩm số hóa đài rađa, mô phỏng vùng phủ trường rađa (là các thành phần chính của hệ thống quản lý vùng trời (VQ1-M), được Bộ Quốc phòng đưa vào trang bị chính thức tháng 3/2015).
Quang từng đoạt giải nhất giải thưởng Sáng tạo trẻ trong quân đội năm 2014 (cho nhóm nghiên cứu) và bằng khen của Bộ Quốc phòng về đóng góp cho sự nghiệp phát triển và bảo vệ tổ quốc.
Chia sẻ về động lực đến với đam mê khoa học, Quang cho biết, từ khi còn ngồi trên ghế trường phổ thông chuyên toán, các thầy cô đã hình thành trong em nếp nghiên cứu và được bồi đắp dần dần qua thời sinh viên. Quang thực sự bắt tay vào thực tế nhiều nhất qua 4 năm ở Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel.
“Em nghĩ đam mê không đến một cách tự nhiên, mà được bồi đắp qua môi trường và trải nghiệm. Chính những cơ hội lớn được trò chuyện, được học tập với những tấm gương yêu khoa học, yêu nghiên cứu cho em tình yêu với nó. Những ngày học chuyên toán tổng hợp là bỡ ngỡ đầu tiên về những hình ảnh của con người nghiên cứu, các thầy cô đều lớn tuổi nhưng có đam mê tuyệt vời trước những bài toán, vẻ đẹp của những con số, hay cả những giờ trao đổi với học sinh về khó khăn của cuộc sống.
Lên đến đại học, em hay đi theo các thầy nên có cơ hội được nhìn nhận vấn đề thực tế, từ phòng thí nghiệm tới chiến trường còn rất xa xôi. Cuộc sống thì luôn đơn giản, nhưng lại bắt đầu từ những mục tiêu nghiên cứu rất phức tạp. Rồi em thi được vào viện nghiên cứu, em gặp được rất nhiều thầy, có những thầy rất trẻ, cũng sôi sục và đầy đam mê tạo ra sản phẩm tốt cho đất nước. Em nghĩ em may mắn nên được trải nghiệm cùng những con người như vậy” - Nhật Quang tâm sự.
Cần lắm một môi trường
Tốt nghiệp ngành kỹ sư công nghệ thông tin và hướng nghiên cứu tập trung vào các hệ thống xử lý tính toán thời gian thực, Nhật Quang có nhiều dự định về mảng nghiên cứu này, vì còn rất nhiều sản phẩm, dự án cần thiết phải giải quyết các bài toán với độ phức tạp cao, thời gian ngắn như vậy.
“Những gì chúng em làm được ngày hôm nay vẫn dựa trên tham chiếu từ những sản phẩm trước đây của thế giới, chỉ vài năm thôi cũng đã có những bước nhảy vọt chứ đừng nói tới 10 năm, nên chúng em luôn nuôi khát vọng đưa sản phẩm nghiên cứu của mình ra thị trường quốc tế. Anh tổng giám đốc bên em đã từng nói rằng nếu nghiên cứu thành công được bộ mẫu là 40%, đưa vào sử dụng được trong nước mới là 70%, còn đưa ra ngoài nước, cạnh tranh được với những công ty đã có cả chục năm nghiên cứu mới là yếu tố quan trọng thôi thúc giới trẻ đam mê sáng tạo.
“Em nghĩ để giới trẻ có điều kiện phát huy hết khả năng sáng tạo, nghiên cứu của mình thì cần có môi trường tốt. Môi trường ngoài cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học, nghiên cứu, còn có thêm con người hay đội ngũ để đảm bảo cho môi trường đó được vận hành thực sự chuyên nghiệp. Môi trường ấy cho phép các cơ chế thúc đẩy cái mới, mở lối cho sự ra đời của những giá trị mới, bằng việc mạnh dạn trao quyền, giao trọng trách cho những người trẻ; nhưng không phải giao việc theo hướng phân tán, mà phải tập trung vào chính lĩnh vực mà họ đang làm” - Quang nói.
Quang cũng chia sẻ, ở nơi đang công tác - Viettel, định nghĩa người xuất sắc không phải là người làm tất cả, mà là người làm công việc hằng ngày với chất lượng xuất sắc. Nếu người giỏi bị giao quá nhiều việc, lại trên các lĩnh vực khác nhau có thể sẽ bị rối và khiến cho công việc không còn xuất sắc nữa.
Điều thứ hai - cũng rất quan trọng, đó là sự ghi nhận của đơn vị, môi trường mà họ công tác, thông qua những vấn đề thiết thực như chính sách đãi ngộ. Nếu vẫn giữ rào cản về năm tháng công tác mà không đánh giá theo đóng góp và chất lượng công việc thì sẽ khó tạo ra động lực thúc đẩy sáng tạo.
“Nếu chính sách trọng dụng nhân tài được cam kết và có những phương cách tốt cho những người xuất sắc thì sẽ có nhiều người cống hiến hết mình. Em cũng nghĩ rằng hiệu quả công việc, sáng tạo nên được đầu tư một cách bền vững và bỏ qua cơ chế trung bình hóa” - Nhật Quang thành thật tâm sự.
Với quan niệm trong nghiên cứu khoa học thì không tồn tại khái niệm đứng im, khoa học cần có sự vận động theo biến đổi của thực tế nên với Quang, những thành quả mà em đạt được ngày hôm nay đã không còn mới nữa. Vì vậy ở Nhật Quang, khát vọng nghiên cứu tiến tới những sản phẩm mới, hiện đại hơn, có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế cũng như bảo vệ chủ quyền của dân tộc vẫn luôn cháy bỏng. Mong rằng khát vọng đó sẽ được chắp cánh.