Loài người đang tìm kiếm một ngôi nhà khác ngoài Trái đất. Sao Hỏa và mặt trăng Europa của sao Mộc là hai ứng viên tiềm năng nhất…
Những dự án đầy tham vọng
Trong số các dự án vũ trụ thu hút sự quan tâm thời gian qua, có thể kể đến Mars One - dự án đưa người lên sao Hỏa sống của một tổ chức phi lợi nhuận ở Hà Lan. Mars One bắt đầu chọn ứng cử viên trong năm 2013. Đến tháng 3.2015, đã có 100 người được chọn trên tổng số 200.000 người ứng tuyển lên sao Hỏa - trong đó có 1 người Việt - để chuẩn bị cho việc huấn luyện vào năm 2016.
Những người được chọn sẽ chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm 4 người. Sau đó, họ được huấn luyện để thay đổi thói quen, học cách trồng lương thực và các hoạt động y tế ở một khu mô phỏng giống sao Hỏa. Sau đó, những người này sẽ được đưa tới huấn luyện ở môi trường khắc nghiệt như vùng Bắc cực.
Theo website chính thức của dự án, Mars-one.com, họ sẽ phóng tàu thăm dò đưa thiết bị xây nhà lên trên sao Hỏa từ năm 2020-2025. Những nhu yếu phẩm khác cũng sẽ được đưa lên trong đợt này gồm 3.000 lít nước, 240kg ôxy, lương thực cũng như vật dụng để làm một nhà năng lượng mặt trời nhằm trồng cây trên sao Hỏa. Dự kiến để đưa 4 người đầu tiên lên hành tinh đỏ sống vào năm 2026, Mars One sẽ phải vận động chi ra 6 tỷ USD. Dù hiện tại còn nhiều nghi ngờ về tính thực tiễn của dự án này, tuy nhiên, không thể phủ nhận đây là dự án khá táo bạo và thu hút nhiều sự quan tâm qua đó cho thấy sức hút lớn của “hành tinh đỏ” với con người.
Thực tế hơn, dĩ nhiên là các dự án của các cơ quan hàng không vũ trụ lớn của thế giới. Hồi tháng 8/2015, Cơ quan Hàng không vũ trụ quốc gia Mỹ (NASA) tuyên bố thử nghiệm thành công động cơ RS-25 sử dụng trong tên lửa đẩy siêu nặng SLS (Space Launch System). Đây được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong kế hoạch chinh phục không gian của Mỹ, bởi lẽ SLS chính là tên lửa sẽ được sử dụng để phóng tàu vũ trụ Orion. NASA dự kiến sẽ dùng Orion để đưa con người lên các tiểu hành tinh gần Trái đất và tới sao Hỏa trong những năm 2030.
Bên cạnh sao Hỏa, NASA cũng không quên mặt trăng Europa của sao Mộc - một nơi mà theo các nhà khoa học đánh giá là đầy triển vọng cho ngôi nhà tương lai của nhân loại. Vào năm 2022, NASA dự kiến sẽ phóng tàu thăm dò Europa Clipper khám phá mặt trăng của sao Mộc.
Là quốc gia đầu tiên đưa người lên Mặt trăng, Mỹ đang nỗ lực để tiếp tục là người tiên phong trong việc khám phá vũ trụ. “Chúng tôi đang đầu tư phát triển công nghệ sống và làm việc trong vũ trụ, chuẩn bị cho giai đoạn khám phá các tiểu hành tinh và sao Hoả” - Charles Bolden - một quản lý của NASA cho hay.
Cùng với NASA, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA- European Space Agency, gồm 22 nước thành viên) cũng dự kiến phóng tàu thăm dò Jupiter Icy Moon Explorer (JUICE) vào năm 2022 để thăm dò sao Mộc, trong đó bao gồm việc khảo sát chi tiết 3 vệ tinh tự nhiên của nó là Hanimed, Callisto và đặc biệt là Europa. Theo kế hoạch, dự án sẽ bắt đầu bằng việc phóng tàu thăm dò JUICE từ sân bay vũ trụ của Pháp đặt tại Guyana (Nam Mỹ). Dự kiến, JUICE sẽ đổ bộ xuống sao Mộc vào năm 2030 để dọn đường trước cho kế hoạch khám phá và đưa con người lên hành tinh này và mặt trăng Europa trong tương lai.
Hy vọng về ngôi nhà tương lai ngoài Trái đất
Không phải ngẫu nhiên các dự án đưa người lên sao Hỏa hay Europa lại được đề xướng. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu trong rất nhiều năm qua, giới khoa học phát hiện ra 2 hành tinh này có các dấu hiệu của sự sống, đặc biệt là có nước. Mới đây, tàu thăm dò Curiosity của NASA phát hiện có nước muối trên sao Hỏa. Đến nay, đã có nhiều bằng chứng cho thấy có thể từng tồn tại các hồ nước, sông và đại dương tại “hành tinh đỏ”.
Trong khi đó, NASA cho biết mặt trăng Europa thậm chí còn có nhiều yếu tố hỗ trợ sự sống hơn cả “hành tinh đỏ”. Nó được cho là có đại dương, lớp băng mỏng, tầng khí ôxy và cả môi trường giàu hóa chất. Các nhà khoa học tin rằng Europa sẽ là ngôi nhà của sự sống thực sự.
“Như chúng ta đã từng biết, bất kỳ sự sống nào trên Trái đất cũng tồn tại ở những nơi có nước dạng lỏng. Đó cũng chính là nơi chúng ta tìm thấy sự sống” - nhà khoa học Kevin Hand thuộc NASA nói khi được Tạp chí Vox ngày 26/5/2015 hỏi về triển vọng kiếm tìm sự sống trên Europa.
Hiện nhiều người vẫn nghi ngờ về các dự án trên. Họ cho rằng con người sẽ không bao giờ chịu được môi trường trên sao Hỏa với nhiệt độ -20 độ C, không có khí quyển, lại có độ phóng xạ nguy hiểm và cơn lốc bụi đỏ khổng lồ 5 năm một lần. Còn với Europa, ngay cả khi đưa con người lên đó thì cũng khó có thể sống được trong nhiệt độ lạnh -160 độ C đến -220 độ C, trọng lực lại chỉ bằng 13% trọng lực của Trái đất - sẽ khiến con người rất khó đi lại. Chưa kể 1 ngày trên Europa dài bằng 3,5 ngày ở Trái đất nên cũng không dễ để con người thích ứng.
Tất nhiên dự án lớn, táo bạo nào cũng nhận được không ít ý kiến trái chiều, cần có thời gian đánh giá. Nhưng, trước sự gia tăng áp lực do bùng nổ dân số cùng một loạt vấn đề khác đang đè nặng lên Trái đất thì ý tưởng tìm kiếm thêm “ngôi nhà” cho loài người ở các hành tinh khác là không thừa.