Làm thế nào để xây dựng cơ chế bảo hộ hợp lý cho các nguồn tri thức truyền thống, tránh trường hợp bị mai một hoặc khai thác vô tội vạ là bài toán khó mà Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang vẫn đang tìm lời giải.
Có bao giờ bạn nghĩ rằng, nếu có người chuyển thể truyền thuyết “Sơn Tinh - Thủy Tinh” - câu chuyện quen thuộc với người dân Việt Nam từ bao đời nay thành phim, họ sẽ phải trả phí khai thác? Đây là đề xuất do PGS.TS Trần Văn Hải (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) đưa ra trong hội thảo góp ý hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào tháng 11 năm ngoái. Cụ thể, ông cho rằng Sơn Tinh - Thủy Tinh là di sản văn hóa do nhà nước là chủ sở hữu, nếu chuyển thể truyền thuyết này thành tác phẩm điện ảnh thì nhà sản xuất có nghĩa vụ trả phí khai thác, sử dụng di sản văn hóa.
Ngay lập tức, một làn sóng tranh cãi đã nổ ra. Bên cạnh một vài ý kiến đồng tình, hầu hết đều phản đối vì cho rằng “quá vô lý”: Việc bảo hộ bản quyền có thời hạn nhất định, trong khi truyền thuyết đã xuất hiện cả nghìn năm rồi? Di sản văn hóa thuộc về cộng đồng, nên mọi người có quyền tự do khai thác? Cứ “siết chặt” như vậy thì chẳng ai dám làm gì?
Phản ứng dữ dội trước đề xuất này cũng phần nào cho thấy, bảo hộ tri thức truyền thống vẫn là một chủ đề khá xa lạ ở Việt Nam. Ngay cả trên thế giới, tri thức truyền thống cũng là một gương mặt rất mới trong hệ thống sở hữu trí tuệ. Năm 1976, Luật mẫu Tunis về bản quyền dành cho các quốc gia đang phát triển lần đầu tiên định nghĩa văn hóa dân gian (folklore) là tất cả tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được tạo ra trên lãnh thổ quốc gia bởi các tác giả là công dân của các quốc gia đó, hoặc bởi cộng đồng dân tộc, được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, cấu thành một trong những yếu tố cơ bản của di sản văn hóa truyền thống. Đây là cách hiểu gần nhất với tri thức truyền thống hiện nay.
Khi khoa học ngày càng phát triển, vai trò của những tri thức truyền thống chủ yếu dựa trên kinh nghiệm có vẻ dần mờ nhạt. Không nhiều người để ý rằng, nguồn tài nguyên màu mỡ này đã làm nền cho sự thành công của các “đế chế” trong nhiều lĩnh vực. Tiêu biểu như trường hợp của cây dừa cạn - một vị thuốc dân gian được người dân ở các nước châu Á và châu Phi dùng để chữa trị nhiều loại bệnh tật. Điều này đã thu hút sự chú ý của các hãng dược phẩm, bao gồm Công ty Eli Lilly ở Mỹ. Nhờ chiết xuất thành công hoạt chất Vinblastin và Vincristin trong cây dừa cạn hồng ở Madagascar từ những năm 1950, Eli Lilly đã thu về hàng chục tỷ USD mỗi năm, trở thành một trong những nhà sản xuất dược phẩm lớn nhất thế giới hiện nay. Những hoạt động khai thác tri thức truyền thống như vậy đã diễn ra từ lâu. Theo khảo sát về sở hữu trí tuệ và tri thức truyền thống từ những năm 1998-1999 của WIPO, khoảng 50% công ty sản xuất dược phẩm có nguồn gốc tự nhiên đã sử dụng tri thức truyền thống của cộng đồng bản địa, 100% công ty thực vật có sử dụng tri thức truyền thống thông qua tài liệu lưu giữ.
Sở hữu trí tuệ: Chiếc áo quá chật?
Việc khai thác tri thức truyền thống để tạo ra những sản phẩm mới, hữu ích cho cuộc sống là điều cần thiết. Chẳng hạn, thay vì dùng trực tiếp cây dừa cạn để sắc thuốc uống theo phương pháp truyền thống, việc tách chiết các hợp chất để tạo ra những dạng bào chế hiện đại như viên nang không chỉ tăng cường hiệu quả chữa bệnh mà còn thuận tiện hơn với người dùng. Sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu tất cả các bên đều được hưởng lợi từ quá trình thương mại hóa tri thức truyền thống. Nhưng thực tế, lợi ích thường tập trung vào bên khai thác - chủ yếu là những doanh nghiệp lớn giàu nguồn lực, trong khi những cộng đồng bản địa đã phát triển tri thức truyền thống qua nhiều thế hệ lại hiếm khi nhận được sự bù đắp xứng đáng. Chẳng hạn như câu chuyên của cây dừa cạn, dù hãng dược phẩm Eli Lilly kiếm được hàng chục tỷ USD mỗi năm nhờ hợp chất trong cây dừa cạn song người dân Madagascar chưa bao giờ nhận được bất kỳ khoản đền bù nào cho việc khai thác tri thức truyền thống của họ.
Tệ hơn, có những trường hợp khai thác tri thức truyền thống còn cạnh tranh trực tiếp với người dân bản địa. Chẳng hạn năm 1979, USPTO đã cấp bằng sáng chế cho phương pháp làm sạch rễ củ nghệ bằng nước xà phòng ấm trong quy trình chiết xuất curcoma, trong khi phương pháp này đã được người Ấn Độ sử dụng từ lâu. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc thương mại hóa các sản phẩm chứa curcoma do người Ấn Độ sản xuất trên thị trường Mỹ.
Câu chuyện tương tự đã từng xảy ra ở Việt Nam cách đây gần 20 năm ở làng nghề gạch ngói Phú Phong (Tây Sơn - Bình Định) nổi tiếng. Năm 2004, doanh nghiệp Sơn Vũ ở làng nghề đã bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm này, sau đó khởi kiện cơ sở gạch ngói Tám Tha cùng làng, yêu cầu bồi thường và ngừng sản xuất sản phẩm có hình hoa văn giống sản phẩm của Sơn Vũ. Sau khi thắng kiện, Sơn Vũ thông báo cơ sở khác trong làng nghề phải ngừng sản xuất sản phẩm này. Trước nguy cơ phá sản, ngay sau đó, hơn 500 cơ sở sản xuất gạch ngói tại Tây Sơn đã có văn bản kiến nghị xem xét lại bản án, bởi hoa văn trên gạch ngói này là sản phẩm trí tuệ của người xưa để lại, cộng đồng làng nghề đều được thụ hưởng chứ không phải là sản phẩm độc quyền của một đơn vị nào cả. Sau quá trình tranh chấp kéo dài, đến năm 2008, bản án đã được hủy bỏ.
Muôn vàn vụ việc tương tự vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi, bởi hoạt động khai thác tri thức truyền thống chưa bao giờ ngừng nghỉ ở Việt Nam cũng trên thế giới. Làm thế nào để đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng bản địa? Liệu chúng ta có thể bảo hộ các tri thức truyền thống với tư cách là một đối tượng của sở hữu trí tuệ? Không dễ để đạt được điều này, bởi tri thức truyền thống có nhiều điểm “lệch nhịp” với hệ thống sở hữu trí tuệ hiện nay. Đơn cử với các tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian, chiếu theo quy định về quyền tác giả, vấn đề đầu tiên cần quan tâm là xác định tác giả. Song những câu chuyện như Sơn Tinh - Thủy Tinh đã có từ lâu đời, không thể biết được tác giả gốc là ai. Nếu coi đó là tác phẩm khuyết danh theo quy định trong luật sở hữu trí tuệ cũng chưa thực sự phù hợp. Hơn nữa, cuộc đời của một tri thức truyền thống kéo dài từ thế hệ này qua thế hệ khác, trong khi cơ chế bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ lại có thời hạn.
Nếu bảo hộ dưới hình thức sáng chế, tri thức truyền thống sẽ vướng ngay rào cản về tính mới. Theo quy định, sáng chế được coi là có tính mới nếu chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong hoặc ngoài nước. Tuy nhiên, hầu hết những tri thức truyền thống như bài thuốc cổ truyền của Việt Nam đều được bộc lộ dưới hình thức sử dụng và phổ biến trong cộng đồng, nên rất khó đạt được tính mới của sáng chế.
Hài hòa lợi ích giữa các bên
Trước những thách thức này, nhiều người cho rằng không nên sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để bảo hộ tri thức truyền thống. Tuy nhiên, trong bối cảnh chưa tìm được cơ chế riêng cho đối tượng đặc biệt này, sở hữu trí tuệ vẫn có lẽ là lựa chọn khả thi nhất. “Việc bảo vệ tri thức truyền thống bằng sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên cấp thiết, khi chưa có biện pháp bảo vệ tri thức truyền thống và cộng đồng bản địa vốn không đủ nguồn lực để tự bảo vệ trước những chủ thể khai thác tri thức truyền thống của họ”, ThS. Nguyễn Ngọc Phương Hồng, giảng viên trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHGQ TP.HCM), nhận xét trong một tọa đàm vào cuối tháng hai vừa qua.
Trên khắp thế giới, mỗi nơi lại có một cách tiếp cận riêng để bảo vệ tri thức truyền thống. Chẳng hạn Ấn Độ đã xây dựng Thư viện Kỹ thuật số tri thức truyền thống - một cơ sở dữ liệu chứa kiến thức từ các văn bản Ayurvedic cổ đại, được cho là đã góp phần giảm 44% trường hợp xâm phạm bản quyền sinh học tại Cơ quan sáng chế châu Âu (Tarunika, 2018). Hoặc Nghị định thư Swakopmund được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Khu vực châu Phi (ARIPO) thông qua là một ví dụ khác về cách tiếp cận chủ động nhằm bảo tồn tri thức và văn hóa truyền thống của châu Phi. Tương tự, Nghị định thư Nagoya của Nam Phi được xây dựng nhằm chia sẻ công bằng lợi ích thương mại từ tri thức truyền thống, với các thỏa thuận chia sẻ lợi ích giữa người nắm giữ tri thức truyền thống và các đơn vị khai thác, sử dụng.
Là một quốc gia có nguồn tri thức truyền thống phong phú, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Những nội dung liên quan đến tri thức truyền thống về nguồn gene đã được thảo luận trong lần sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ gần nhất cách đây vài năm. Có thể thấy, ngày càng nhiều tập đoàn công nghệ lớn thu thập thông tin về nguồn gene, tri thức truyền thống về nguồn gene và nộp đơn đăng ký sáng chế cho chính các đối tượng này. Dù có nguồn gene và tri thức truyền thống về nguồn gene phong phú, song pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong thời điểm sửa đổi vẫn chưa có quy định nhằm chống lại việc đánh cắp nguồn gene hay tri thức truyền thống liên quan. Do vậy, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi đã bổ sung thêm quy định hủy bỏ hiệu lực bằng sáng chế với những đơn đăng ký được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gene hoặc tri thức truyền thống về nguồn gene, nhưng không bộc lộ hoặc bộc lộ không chính xác về nguồn gốc đó trong đơn đăng ký.
Quá trình đi tìm cơ chế bảo hộ phù hợp với tri thức truyền thống vẫn đang tiếp diễn. Song điều quan trọng nhất là phải cân bằng lợi ích của các bên, bao gồm người khai thác và người dân bản địa. “Trong nhiều trường hợp, việc khai thác tri thức truyền thống là phương thức rất hiệu quả để truyền tải tri thức truyền thống đến thế hệ trẻ, tiếp tục đời sống của tri truyền thống trong tương lai. Nếu bảo vệ quá chặt, đặt ra nhiều rào cản thì sẽ không còn ai dám học hỏi, lấy ý tưởng từ tri thức truyền thống nữa. Như vậy, đời sống của tri thức truyền thống có thể sớm kết thúc.”, ThS. Nguyễn Ngọc Phương Hồng nhận xét.