Theo GS. Diana Bell (Đại học Đông Anglia, Anh) - nhà sinh vật học bảo tồn và là người nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm mới nổi, mỗi khi được mọi người hỏi rằng đại dịch tiếp theo sẽ là gì, bà thường trả lời: chúng ta đang ở giữa một đại dịch rồi, chỉ là đại dịch này gây thiệt hại cho nhiều loài sinh vật hơn là con người.

Các bệnh truyền nhiễm mới nổi gây thiệt hại cho nhiều loài sinh vật hơn là con người.
Các bệnh truyền nhiễm mới nổi gây thiệt hại cho nhiều loài sinh vật hơn là con người.

Dịch bệnh mà bà đang đề cập đến là chủng cúm gia cầm H5N1 (HPAI H5N1) có khả năng gây bệnh cao, hay còn gọi là cúm chim, đã giết chết hàng triệu con chim và một số loài động vật có vú chưa được biết đến, đặc biệt là trong vòng ba năm qua.

Đây là chủng cúm đã xuất hiện ở ngỗng nuôi ở Trung Quốc vào năm 1997 và nhanh chóng lây sang người ở Đông Nam Á với tỷ lệ tử vong khoảng 40-50%. Nhóm nghiên cứu của bà đã “bắt gặp” loại virus này khi nó giết chết một loài động vật có vú - loài cầy hương Owston có nguy cơ tuyệt chủng - trong một chương trình nhân giống nuôi nhốt ở Vườn Quốc gia Cúc Phương, Việt Nam năm 2005.

Các nhà khoa học vẫn chưa bao giờ xác nhận được làm thế nào mà những con vật này lại mắc bệnh cúm gia cầm. Thức ăn của chúng chủ yếu là giun đất nên không bị nhiễm bệnh do ăn phải gia cầm bệnh như nhiều loài hổ nuôi trong vùng.

Phát hiện này đã thôi thúc nhóm nghiên cứu đối chiếu tất cả các báo cáo đã được xác nhận về trường hợp tử vong do nhiễm cúm gia cầm để đánh giá mức độ đe dọa đối với động vật hoang dã mà loại virus này có thể gây ra.

Theo nhóm nghiên cứu, đây cũng chính là lý do tại sao một loại virus được phát hiện ở gia cầm Trung Quốc lại đe dọa đến sự đa dạng sinh học của thế giới.

Những dấu hiệu đầu tiên


Cho đến tháng 12/2005, hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận đều được phát hiện ở một số vườn thú và trung tâm cứu hộ ở Thái Lan và Campuchia. Phân tích của nhóm nghiên cứu vào năm 2006 cho thấy gần một nửa (48%) tất cả các nhóm chim khác nhau có chứa một loài mà trong đó đã được báo cáo là có trường hợp nhiễm cúm gia cầm gây tử vong. 13 nhóm chim này bao gồm 84% tổng số loài chim.

Cách đây 20 năm, nhóm nghiên cứu đã lý luận rằng các chủng H5N1 lưu hành có thể có khả năng gây bệnh cao cho tất cả các loài chim. Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng danh sách các loài bị nhiễm bệnh đã được xác nhận bao gồm những loài bị đe dọa trên toàn cầu, và các môi trường sống quan trọng - chẳng hạn như đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam - nằm gần với các đợt bùng phát dịch gia cầm được báo cáo.

.

Các loài động vật có vú dễ mắc cúm gia cầm vào đầu những năm 2000 là linh trưởng, động vật gặm nhấm, lợn và thỏ. Các loài ăn thịt lớn như hổ Bengal, báo gấm, và mèo nhà cũng được cho là đã bị loại virus này gây tử vong.

Theo bài báo năm 2006 của nhóm nghiên cứu, loại virus này dễ dàng vượt qua các rào cản về loài. Họ cũng cho rằng, một ngày nào đó, virus này có thể tạo ra mối đe dọa ở quy mô đại dịch đối với đa dạng sinh học toàn cầu.

Thật không may, cảnh báo của nhóm nghiên cứu đã đúng.

Một căn bệnh lưu động

Hai thập kỷ trôi qua, hiện nay, cúm gia cầm đang giết chết các loài từ vùng cao Bắc Cực đến lục địa Nam Cực.

Trong vài năm qua, cúm gia cầm đã lây lan nhanh chóng khắp châu Âu và xâm nhập vào Bắc và Nam Mỹ, giết chết hàng triệu gia cầm cùng nhiều loài chim và động vật có vú. Một bài báo gần đây cho thấy 26 quốc gia đã báo cáo có ít nhất 48 loài động vật có vú đã chết vì virus này kể từ năm 2020 - thời điểm bắt đầu có đợt gia tăng số ca nhiễm mới nhất.

Ngay cả đại dương cũng không an toàn trước loại virus nguy hiểm này. Kể từ năm 2020, 13 loài động vật có vú sống dưới nước đã chết bởi virus, bao gồm sư tử biển, cá heo và cá heo Mỹ, với số lượng chết hàng nghìn con ở Nam Mỹ. Một loạt các động vật có vú ăn xác và săn mồi sống trên đất liền hiện cũng được xác nhận là dễ mắc bệnh, bao gồm sư tử núi, linh miêu, gấu nâu, gấu đen và gấu Bắc Cực.

Chỉ riêng Vương quốc Anh đã mất hơn 75% số lượng chim skua lớn và chứng kiến ​​số lượng ó biển phía Bắc giảm 25%. Sự sụt giảm gần đây về nhạn biển sandwich (35%) và nhạn biển thông thường (42%) cũng phần lớn là do virus gây ra .

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể giải mã hoàn toàn trình tự virus ở tất cả các loài bị ảnh hưởng. Song, việc nghiên cứu và giám sát liên tục có thể cho chúng ta biết cuối cùng virus có khả năng thích nghi như thế nào và liệu nó có thể chuyển sang nhiều loài hơn nữa hay không. Nhóm nghiên cứu biết rằng virus đã có thể lây nhiễm sang người - và một hoặc nhiều đột biến gene có thể khiến nó lây nhiễm mạnh hơn.

.

Đảm bảo an toàn sinh học

Từ ngày 1/1/2003 đến ngày 21/12/2023 có 882 trường hợp nhiễm virus H5N1 ở người đã được 23 quốc gia báo cáo, trong đó có 461 trường hợp (52%) tử vong.

Trong số các trường hợp tử vong này, hơn một nửa là ở Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia và Lào. Lây nhiễm từ gia cầm sang người lần đầu tiên được ghi nhận ở Campuchia vào tháng 12/2003. Các ca bệnh không liên tục được báo cáo cho đến năm 2014, sau đó có một khoảng thời gian trống không được báo cáo cho đến năm 2023 - thời điểm có 41 trường hợp tử vong trong số 64 trường hợp. Một phân chủng của virus H5N1 đã được phát hiện ở gia cầm ở Campuchia từ năm 2014. Vào đầu những năm 2000, virus H5N1 lưu hành có tỷ lệ tử vong ở người cao, do đó, việc hiện nay chúng ta bắt đầu chứng kiến ​​nhiều người tử vong sau khi tiếp xúc với gia cầm là một điều đáng lo ngại.

Và không chỉ các phân nhóm H5 của cúm gia cầm mới gây lo ngại cho con người. Virus H10N1 ban đầu được phân lập từ các loài chim hoang dã ở Hàn Quốc, nhưng sau đó cũng đã được phát hiện trong các mẫu từ Trung Quốc và Mông Cổ.

Nghiên cứu gần đây cho thấy những phân nhóm virus đặc biệt này có thể truyền sang người sau khi chúng được phát hiện là gây bệnh ở chuột và chồn trong phòng thí nghiệm. Người đầu tiên được xác nhận nhiễm H10N5 đã chết ở Trung Quốc vào ngày 27/1/2024, nhưng bệnh nhân này cũng đang bị cúm mùa (H3N2). Họ đã tiếp xúc với gia cầm sống - những con vật cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với H10N5.

Điều đáng bàn là các loài đã bị đe dọa tuyệt chủng cũng nằm trong số những loài đã chết do cúm gia cầm trong ba năm qua. Những cái chết đầu tiên do virus gây ra ở chim cánh cụt ở lục địa Nam Cực đã làm nổi bật mối đe dọa sắp xảy ra đối với các đàn chim cánh cụt - những loài có trứng và chim cánh cụt con vốn luôn bị chim skua săn làm mồi. Chim cánh cụt Humboldt đã bị virus giết chết ở Chile.

Vậy làm thế nào chúng ta có thể ngăn chặn cơn sóng thần H5N1 và các loại cúm gia cầm khác đây? Theo nhóm nghiên cứu, việc cải tổ hoàn toàn hoạt động sản xuất gia cầm trên quy mô toàn cầu là điều cần phải làm. Thay vì xuất khẩu ra nước ngoài, các trang trại cần tự túc trong việc nuôi trứng và gà con. Bên cạnh đó, xu hướng xây dựng các trang trại lớn với khả năng chứa hơn một triệu con gia cầm cũng phải được ngăn chặn ngay lập tức.

Để ngăn ngừa những kết quả tồi tệ nhất mà loại virus này có thể gây ra, nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh: cần phải xem lại nguồn chính của virus: các lò ấp của các trang trại chăn nuôi gia cầm thâm canh.

Theo The Conversation