Nhiều bệnh nhân sau khi chết lâm sàng đã tỉnh dậy và kể lại những trải nghiệm của họ khi ở trong trạng thái gần kề cái chết. Trong khi đó, các nghiên cứu khoa học lại chỉ ra rằng, trải nghiệm cận tử có thể là một dạng ảo giác.

Những trải nghiệm cận tử phổ biến nhất

Các hiện tượng thường được những người trải nghiệm trạng thái cận tử nhắc đến nhiều nhất là nhìn thấy ánh sáng rực rỡ, có cảm giác bình yên, thoát xác và nhìn thấy đường hầm.

Các nhà khoa học tại Đại học Liege (Bỉ) tiến hành thu thập và phân tích bản tự thuật của 154 người từng có trải nghiệm cận tử nhằm phân tích những hiện tượng khác nhau mà mỗi người gặp phải. “Mục đích của chúng tôi là khảo sát tần số và trình tự xuất hiện của các trải nghiệm cận tử”, Charlotte Martial - tác giả chính của nghiên cứu - cho biết.

Hồn lìa khỏi xác là một trong những cảm giác có thể xuất hiện khi con người rơi vào trạng thái cận tử.

Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Human Neuroscience vào tháng 7/2017, mỗi người trung bình có 4 trải nghiệm khác nhau khi ở trạng thái gần kề cái chết. Các hiện tượng xuất hiện thường xuyên nhất là cảm giác bình yên, an lạc (80% người tham gia khảo sát), nhìn thấy ánh sáng chói lòa (69%), gặp gỡ với linh hồn hoặc người nào đó (64%). Hai trải nghiệm hiếm thấy nhất là quá trình suy nghĩ nhanh hơn (5%) và khả năng nhìn thấy tương lai (4%).

Về trình tự xuất hiện, khoảng 1/3 số người tham gia nghiên cứu có trải nghiệm thoát xác như là hiện tượng đầu tiên họ gặp phải khi ở trạng thái gần kề cái chết. Hiện tượng cuối cùng họ trải qua thường là quay trở lại cơ thể (36%). “Điều này cho thấy trải nghiệm cận tử dường như được kích hoạt bởi quá trình ý thức tách rời khỏi cơ thể vật lý và kết thúc khi ý thức quay trở lại”, Martial nói.

Mặc dù có nhiều điểm tương đồng về những hiện tượng quan sát được, nhưng thứ tự xuất hiện của chúng giữa các cá nhân rất khác nhau. Thứ tự thường xảy ra nhất (xuất hiện ở 22% người tham gia nghiên cứu) là trải nghiệm ngoài cơ thể, sau đó đến việc nhìn thấy đường hầm, ánh sáng chói lòa, và cuối cùng là cảm giác bình yên.

“Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy trải nghiệm cận tử có thể không bao gồm tất cả các hiện tượng, và chúng dường như không xuất hiện theo một trật tự cố định nào. Những kinh nghiệm cận tử thường phản ánh kỳ vọng, bối cảnh văn hóa cũng như cơ chế sinh lý thần kinh của người ở trạng thái gần kề cái chết”, Martial nói.


Có thể tái tạo trải nghiệm cận tử

Hội chứng Cotard, hay ảo tưởng Cotard, là một dạng rối loạn tâm thần hiếm gặp khiến bệnh nhân có niềm tin hoang tưởng rằng họ đã chết. Về phương diện giải phẫu học, hội chứng này liên quan đến hoạt động bất ổn của vỏ não trước trán (prefrontal cortex), vỏ não thùy đỉnh (parietal cortex) và thường xảy ra sau chấn thương. Trải nghiệm cận tử có thể là một dạng của hội chứng Cotard, theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Trends in Cognitive Science vào tháng 10/2011.

Nghiên cứu này đã xem xét các biểu hiện thường gặp nhất liên quan đến trạng thái gần kề cái chết để đưa ra các giả thuyết về những quá trình thần kinh có liên quan. Trải nghiệm bên ngoài cơ thể (thoát xác) trong khi vẫn nhận thức được tất cả mọi thứ xung quanh là đặc điểm chung của hầu hết trường hợp cận tử.

Các nhà khoa học so sánh hiện tượng này với một dạng của chứng tê liệt giấc ngủ (bóng đè). Trong giai đoạn ngủ chuyển động mắt nhanh (REM), một số người nhận thức được thế giới bên ngoài nhưng không thể xử lý các tác nhân kích thích. Do đó, họ có những ảo giác thị giác hoặc xúc giác liên quan đến chu kỳ thức – ngủ.

Vùng tiếp giáp giữa thùy đỉnh và thùy thái dương (TPJ-temporoparietal junction) trong não có chức năng tập hợp dữ liệu thu thập từ các giác quan, tạo ra nhận thức về cơ thể của mỗi người. Khi TPJ bị tổn thương, nó sẽ tạo ra “trải nghiệm ngoài cơ thể” như nhiều người kể lại trong trạng thái chết lâm sàng. Giới khoa học cũng có thể tái tạo hiện tượng này mà không cần khiến người tham gia phải tiến gần tới cái chết, bằng cách kích thích điện vào vùng não TPJ.

Vào thời điểm một người sắp chết, lượng máu và oxy vận chuyển đến mắt của họ giảm xuống làm rối loạn thị giác. Điều này sẽ khiến họ mất tầm nhìn ngoại vi, thay vào đó là nhìn thấy đường hầm và ánh sáng chói lòa.

Đặc điểm nổi bật của trải nghiệm cận tử đó là nhiều người cảm thấy hưng phấn hoặc bình yên ngay cả khi biết mình đang chết. Niềm hạnh phúc này là một thông điệp phổ biến của nhiều học thuyết thần học cho rằng, cái chết chỉ là điểm khởi đầu để đi tới một kiếp sống mới tốt đẹp hơn.

Theo các tác giả của bài báo trên Trends in Cognitive Science, trải nghiệm cận tử kích thích vỏ não trước trán và vùng não tưởng thưởng (reward circuits), khiến người sắp chết cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn, giống như họ đang dùng chất ma túy ketamine. Đây cũng là lý do tại sao họ có ảo giác nhìn thấy người chết, thường là những người họ biết và yêu quý.

Theo nghiên cứu của TS Jimo Borjigin thuộc Đại học Michigan (Mỹ) được công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS) vào năm 2013, sự gia tăng đột biến hoạt động điện não là một trong những nguyên nhân tạo ra các trải nghiệm cận tử của người gần kề cái chết.

“Rất nhiều người nghĩ rằng não sau khi chết lâm sàng sẽ không hoạt động hoặc hoạt động hạn chế.Nhưng chúng tôi thấy điều này không chính xác. Khi cái chết đang diễn ra, não bộ hoạt động nhiều hơn. Vỏ não thị giác bị kích thích mạnh, sóng não gamma [sóng não có tần số từ 30Hz trở lên] gia tăng khiến họ trông thấy ánh sáng và cảm giác kỳ ảo”, Borjigin nói.