Con tàu đắm tại Cù Lao Chàm được khai quật cách đây đúng 20 năm ở vị trí có dòng chảy và khí hậu khắc nghiệt vào bậc nhất ven biển Việt Nam, khiến cuộc khai quật phải tạm dừng ít nhất 8 lần để tránh giông bão, gây tốn kém rất lớn.

Nhưng ngay cả khi không gặp những bất lợi về địa hình và thời tiết thì khảo cổ học dưới nước vẫn là một công việc hết sức công phu và tốn kém.

Ở nơi thợ lặn và thiết bị cũng bó tay

PGS.TS Tống Trung Tín – Viện Khảo cổ học – cho biết, ông được TS Phạm Quốc Quân – khi đó là Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - ủy nhiệm trực tiếp điều hành cuộc khai quật tàu đắm Cù Lao Chàm diễn ra từ năm 1997-1999. Theo ông Tín, đây là cuộc khai quật được tiến hành bài bản nhất, khoa học nhất, bởi có sự tham gia của Trung tâm Khảo cổ học dưới nước của Đại học Oxford (Anh); được tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật đầy đủ, hiện đại từ Công ty Visal (Cục Hàng hải Việt Nam) và Công ty Saga Horizon (Malaysia).

Quá trình thăm dò, khảo sát tìm kiếm vị trí tàu đắm cổ Cù Lao Chàm được tiến hành thành 3 đợt liên tiếp trong các tháng 4, 5, 6 của năm 1997, mỗi đợt kéo dài từ 4-10 ngày. Các thiết bị được sử dụng gồm máy khảo sát điều khiển từ xa ROV (Remotely Operated Vehicle); máy dò từ tính, máy quay phim dưới nước, máy định vị mặt đất, cùng một số trang thiết bị khác như phương tiện thông tin liên lạc, phao cứu sinh, hệ thống các biện pháp an ninh, y tế, cứu hộ và hậu cần…” – TS Tín kể.

Ông giải thích, sở dĩ phải qua nhiều đợt khảo sát như vậy vì mục tiêu ở quá sâu (60-70m), nơi dòng chảy mạnh và thất thường, nhiều lúc thiết bị ROV và thợ lặn cũng phải bó tay. Cùng với đó là sương mù thường xuyên trên các đỉnh núi gây khó khăn cho việc định vị. Tuy nhiên, mỗi đợt khảo sát đều cho những kết quả nhất định, từ chỗ làm quen với địa hình khu vực, đánh dấu những điểm nghi vấn đến xác định chính xác vị trí tàu đắm cổ.

Sau 3 đợt khảo sát công phu và khoa học với tổng kinh phí khoảng 200.000 USD, đoàn khảo sát đã đạt được mục tiêu xác định chính xác vị trí tàu đắm cổ. Trên cơ sở kết quả đó, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Visal và Saga chính thức chuẩn bị bắt đầu quá trình khai quật” – TS Tín nhớ lại.

Cận cảnh thợ lặn đang trục vớt cổ vật dưới biển. Ảnh: Lê Hằng

50 nghìn USD chi phí cho mỗi ngày khai quật

Việc khai quật cũng được tiến hành trong 3 đợt. Saga đưa sang xà lan 3.000 tấn, tàu kéo 1.200 mã lực để kéo xà lan. Trên xà lan có lắp đặt các thiết bị máy móc, hệ thống vi tính, hệ thống khí lặn hỗn hợp Helium – Oxy và hệ thống phòng ăn, nghỉ cho 40 cán bộ, chuyên gia trong và ngoài nước. Trong quá trình tác nghiệp, các nhà khảo cổ học của nước Anh đóng vai trò chính, ngoài ra việc vận hành trang thiết bị đều phải thuê chuyên gia từ các công ty khác nhau.

Cuộc khai quật tiến hành ở vị trí có dòng chảy và khí hậu khắc nghiệt vào bậc nhất ở ven biển Việt Nam. Ở đợt khai quật đầu tiên, các chuyên gia chưa xác định rõ phương pháp lặn nào là tối ưu do sự phức tạp của thời tiết và dòng chảy cùng với vị trí của tàu bị vùi dưới cát. Sang các đợt thứ 2, và thứ 3, cùng với kinh nghiệm và kỹ thuật, những khó khăn về thời tiết, khí hậu, dòng chảy đã được khắc phục bằng những tính toán chi tiết. Tuy nhiên, về tổng thể cuộc khai quật phải tạm dừng ít nhất 8 lần để tránh giông bão, gây chi phí rất lớn.

Tính trung bình cuộc khai quật tàu đắm cổ Cù Lao Chàm tiêu tốn 50.000 USD/ngày. Tổng chi phí toàn bộ quá trình khai quật ước khoảng 7 triệu USD” – TS Tín cung cấp một vài con số giúp dễ hình dung.

Được biết, để hoàn tất cuộc khảo sát và khai quật tàu đắm cổ Cù Lao Chàm, các cơ quan chuyên môn đã bắt đầu làm thủ tục từ năm 1994. Tổng số ngày khai quật và hậu khai quật kéo dài 16 tháng liên tục.


Giá như có sự đầu tư toàn diện của Nhà nước

Với tất cả những phí tổn và khó khăn đã trải qua, TS. Tín cho rằng cuộc khai quật tàu đắm cổ Cù Lao Chàm là một thành công cho các nhà đầu tư. “Dù thời tiết khắc nghiệt, gặp bão, công trình phải ngừng lại nhiều ngày nhưng kết quả thật khả quan. Số hàng hóa của tàu đắm được vớt lên hơn 240.000 hiện vật bao gồm đồ gốm men, đồ sành, đồ gỗ, đồ đá và di cốt của người. Một số vẫn đang được lưu giữ ở kho tạm của Việt Nam do nhà nước quản lý, một số khác được đưa vào bảo tàng. Cùng với đó, hàng vạn mảnh vỡ đều được lấy lên đánh ký hiệu ô và chuyên chở về lưu giữ tại kho Bảo tàng Quảng Nam để nghiên cứu sau này”, TS Tín nói.

Song điều đáng tiếc là “phần lớn những hiện vật đẹp và có giá trị trong số này đã được các công ty tham gia khai quật đấu giá ở Mỹ”, TS Tín cho biết. Do những điểm thiếu chặt chẽ trong quy định về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước của chúng ta, sau khi phân chia, nhiều hiện vật đẹp, có giá trị về mặt thương mại lại được mang đi đấu giá vì không phải là độc bản, trong khi có những hiện vật được giữ lại, chỉ vì là độc bản, đôi khi xấu hơn, lỗi hoặc sứt mẻ hơn.

Mặt khác, chính vì khảo cổ dưới nước hết sức tốn kém nên trên thế giới, hầu hết các cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước đều được thực hiện bởi chính phủ hoặc các công ty lớn, theo TS Tín. Hiện nay ở Việt Nam chưa có công ty tư nhân nào đủ tiềm lực để tự triển khai những dự án có quy mô lớn như lần khai quật tàu đắm cổ Cù Lao Chàm. Vì vậy, để giữ lại trong nước những cổ vật quý từ các dự án tầm cỡ như vậy tất yếu cần có sự đầu tư bài bản của nhà nước.

Đơn cử như ở Trung Quốc toàn bộ chương trình khảo cổ học dưới nước hiện nay đều do chính phủ đầu tư với quy mô tương đương nhiều tỉ USD. Trung Quốc cũng là nước đầu tiên chế tạo tàu chuyên dụng cho khảo cổ học dưới nước ở các đại dương xa với đầy đủ phương tiện và thiết bị hiện đại nhất, đáp ứng được cả công tác bảo quản cấp thiết tại chỗ. Nhìn sang các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, có thể thấy hầu hết các nước có biển đảo cũng đều đã phát triển ngành khảo cổ học dưới nước mạnh mẽ.