Một nghiên cứu của 6 nhà khoa học từ nhiều đại học danh tiếng của Mỹ và Mexico khẳng định: Trái đất đang đi vào kỷ nguyên đại tuyệt chủng thứ 6. Nếu không có hành động kịp thời, con người “có thể nhanh chóng bị diệt vong”.
Kỷ nguyên đại tuyệt chủng thứ 6
Đại tuyệt chủng không phải là sự kiện chưa từng xảy ra. Sinh giới đã có 5 lần gặp thảm họa dạng này. Loài người mới chỉ xuất hiện cách đây 3 triệu năm. Thế nhưng rất có thể chúng ta sẽ gây ra thảm họa tồi tệ nhất trong vòng 65 triệu năm kể từ kỷ Cretaceous. Điều đó được chỉ rõ trong nghiên cứu của 6 nhà khoa học Mỹ và Mexico có nhan đề “Sinh vật tuyệt chủng do con người với tốc độ ngày càng tăng: Chúng ta đang đi vào kỷ nguyên đại tuyệt chủng thứ 6” đăng tải trên tạp chí Science Advances.
Các nhà khoa học cho hay nếu không có loài người, cứ 10.000 loài thì trung bình mỗi 100 năm mới chỉ có 2 loài biến mất. Do sự tác động của con người, tốc độ tuyệt chủng tăng lên gấp hàng trăm lần. Cụ thể, kể từ năm 1500 có tổng cộng 617 loài động vật có xương sống biến mất vĩnh viễn. Trong đó chỉ từ 1900 đến năm 2014 Trái đất mất đi 477 loài. Nhiều nhà khoa học cho rằng tốc độ này cao hơn cả những gì xảy ra trong thời kỳ tuyệt chủng đã hủy diệt loài khủng long cổ đại.
Điều đáng chú ý được chỉ ra trong nghiên cứu là tốc độ tuyệt chủng tăng ngày càng nhanh trong vòng 200 năm qua, tương ứng với sự xuất hiện của xã hội công nghiệp hiện đại.
Sử dụng số liệu thống kê chính thức từ Liên đoàn Quốc tế về Bảo tồn Tự nhiên (IUCN), nghiên cứu của 6 nhà khoa học đưa ra kết luận rất thuyết phục. Đặc biệt, các tác giả nhấn mạnh rằng “những ước tính của chúng tôi đã đánh giá thấp tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tuyệt chủng hiện tại. Kịch bản chúng tôi đưa ra đã là lạc quan nhất cho con người”.
Tuy vậy, ngay cả với kịch bản lạc quan nhất, giờ đây ít ai còn nghi ngờ tình trạng hiện tại đang đặc biệt nghiêm trọng, ngày càng tăng và chắc chắn chỉ thị cho cuộc đại tuyệt chủng thứ 6. “Nếu tốc độ giữ nguyên như hiện tại thì phải cần nhiều triệu năm nữa đa dạng sinh học mới có thể hồi phục như cũ, còn bản thân loài người có thể nhanh chóng bị diệt vong”, Gerardo Ceballos, trưởng nhóm nghiên cứu tuyên bố.
Hành động để tránh thảm họa diệt vong
“Chúng ta đang tự cưa đứt cành cây mà chúng ta đang trèo”. Đó là bình luận của một trong các tác giả chính, Giáo sư Paul Ehrlich của Đại học Stanford.
Các sự kiện tuyệt chủng hàng loạt trước đây đều do các hiện tượng tự nhiên như thiên thạch, núi lửa và hoạt động địa chất…
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ là sự kiện duy nhất do con người gây ra. Trong mối liên hệ chặt chẽ của sinh giới, các tác giả khẳng định các nguồn lợi con người đang có từ da dạng sinh học sẽ biến mất chỉ trong vòng ba thế hệ.
Theo chính báo cáo, cách duy nhất để hạn chế tác hại của cuộc đại tuyệt chủng thứ 6 là thực hiện các nỗ lực nhanh chóng và hết sức mạnh mẽ để giảm áp lực đang đè nặng lên sự tồn tại của các loài. Các áp lực đó bao gồm thay đổi sinh cảnh, sự khai thác quá mức và đặc biệt là biến đổi khí hậu. Tất cả đều liên quan mật thiết đến gia tăng dân số, tăng mức tiêu thụ và bất bình đẳng kinh tế - những công việc nội bộ của con người.
Tuy nhiên cũng theo các tác giả, cơ hội sửa sai đang đóng lại nhanh chóng. Khi đôi chân đã bước qua ngưỡng cửa của cuộc đại tuyệt chủng thứ 6, chúng ta phải tự nhắc rằng chúng ta là loài duy nhất có khả năng hủy diệt Trái đất và cũng là loài duy nhất còn có khả năng tự cứu lấy chính mình.