Các nhà thiên văn học tại Viện Công nghệ California vừa mới có một phát hiện vô cùng quan trọng. Họ đã tìm thấy một thiên hà có tuổi đời lớn nhất trong vũ trụ mà chúng ta từng biết đến. Thiên hà EGS8p7 là tới 13,2 tỷ năm tuổi, chỉ kém tuổi của vũ trụ có nửa tỷ năm.
Điều đó cho thấy EGS8p7 được hình thành rất sớm, ngay sau khi vũ trụ của chúng ta “ra đời”. Nhờ phát hiện ra thiên hà này, các nhà khoa học có thể khám phá và lý giải thêm nhiều điều về thời kỳ mới hình thành của vũ trụ.
Hai nhà thiên văn học Adi Zitrin và Richard Ellis đã phát hiện ra thiên hà này nhờ kính viễn vọng không gian Hubble và Spitzer. Qua những quan sát ban đầu, họ đã phát hiện dấu hiệu của một thiên hà mới mà con người chưa biết đến. Bằng phương pháp phân tích quang phổ hồng ngoại MOSFIRE, các nhà thiên văn phát hiện ra đây chính là thiên hà ở xa nhất và có tuổi đời lớn nhất mà con người từng biết đến.
Thiên hà EGS8p7mới được phát hiện.
Quang phổ của EGS8p7 có độ lệch đỏ lớn nhất trong tất cả các thiên hà mà chúng ta phát hiện thấy trước đây. Khi một đối tượng di chuyển trong không gian ra xa chúng ta, các sóng ánh sáng bị kéo dài. Và bước sóng dài hơn sẽ có quang phổ màu đỏ hơn, nó còn được gọi là dịch chuyển đỏ. Và các nhà thiên văn thường dựa vào độ dịch chuyển đỏ này để xác định khoảng cách của các vật thể trong vũ trụ.
Không chỉ phát hiện ra độ dịch chuyển đỏ lớn của EGS8p7, hai nhà thiên văn học Zitrin và Ellis còn phát hiện thấy đường quang phổ Lyman-alpha của thiên hà này là rất mờ nhạt. Khi nhìn thấy dấu hiệu của đường Lyman-alpha, nó đồng nghĩa với dấu hiệu của sự hình thành những ngôi sao trẻ.
Điều đó có nghĩa rằng các ngôi sao trong thiên hà EGS8p7 đều đã rất lớn tuổi và không có ngôi sao nào mới được hình thành. Bên cạnh đó các nhà thiên văn cũng cho biết rằng EGS8p7 có rất nhiều điểm tương đồng với vũ trụ thời kỳ sơ khai.
Câu hỏi lớn nhất của loài người là vũ trụ được hình thành như thế nào.
Các nhà thiên văn đặt ra giả thuyết rằng ngay sau vụ nổ Big Bang, vật chất chỉ tồn tại dưới dạng các hạt tích điện như proton và electron. Tuy nhiên bởi vì vũ trụ lúc đó còn quá nóng nên các hạt tích điện này không thể kết hợp được với nhau.
Sau khoảng 400.000 năm, vũ trụ nguội dần tạo điều kiện cho các hạt proton và electron tự do kết hợp với nhau tạo thành các nguyên tử hydro. Đó là lúc vũ trụ của chúng ta tràn ngập những đám mây hydro khổng lồ. Những đám mây này có tầm quan trọng rất lớn trong việc hình thành những thiên hà mới lúc đó như EGS8p7.
Hiện tại các nhà thiên văn học vẫn đang cố gắng làm sáng tỏ những bí ẩn xung quanh vũ trụ thời kỳ sơ khai, thông qua việc tìm hiểu thiên hà EGS8p7 này. Việc phát hiện ra thiên hà có tuổi đời gần tương đương với tuổi đời của vũ trụ sẽ là một lợi thế rất lớn giúp chúng ta có thể giải thích nhiều câu hỏi từ trước tới nay, thậm chí có thể giúp tìm ra nguồn gốc của vũ trụ.