Hiện nay Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) bước vào giai đoạn hai với kỳ vọng tạo ra được các nghiên cứu thúc đẩy sản xuất công nghiệp trong nước. Tuy nhiên, với mô hình là một viện công lập tự chủ, VKIST vẫn có những vướng mắc nhất định, mà nỗ lực của Viện hay riêng Bộ KH&CN chưa thể giải quyết.

Chặng đường 5 năm định hình cơ chế đặc thù

Là một viện công lập gánh vác sứ mệnh “phát triển công nghệ nguồn, nghiên cứu nâng cấp công nghệ cho các ngành công nghiệp trọng điểm và chiến lược, phát triển các sản phẩm chủ lực quốc gia, phát triển công nghệ tích hợp thay thế công nghệ nhập khẩu”, VKIST không hoạt động giống bất kỳ một mô hình viện nghiên cứu nào đã từng có trước đây. Để vận hành mô hình tự chủ, nghiên cứu theo hợp đồng của khối công nghiệp, VKIST ra đời với một quy định riêng (50/2015/NĐ-CP). Rõ ràng, ở thời điểm bảy năm trước, việc xây dựng Viện theo cách thức chưa có tiền lệ sẽ là một phép thử trong việc nghiên cứu một cơ chế cho phép hoạt động “một mô hình quản lý mới, một phương thức quản lý mới, cách thức tiếp cận và nghiên cứu KH&CN mới” như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định trong lễ khởi động VKIST vào tháng 11/2017. Và ở thời điểm đó, dù có được sự ủng hộ của hai Chính phủ, nguồn ngân sách viện trợ không hoàn lại lớn nhất từ trước tới nay của Hàn Quốc, sự chỉ đạo sát sao của Bộ KH&CN nhưng các cơ quan quản lý công lập vẫn còn rất bỡ ngỡ trong việc áp dụng một mô hình quản lý theo chuẩn quốc tế, cũng như trong thí điểm các quy định chính sách kết nối giới hàn lâm với giới công nghiệp, vì lâu nay chính sách nhân lực, thủ tục hành chính, tài chính quá khác biệt giữa hai hệ thống.

5 năm vừa qua, song song với xây dựng cơ sở hạ tầng, thì việc tốn công sức nhất của Viện là thảo luận và hình thành cơ chế hoạt động hài hòa những khác biệt giữa đồng thời cả ba yếu tố - chuẩn quốc tế - cơ chế quản lý cũ – sự năng động và đòi hỏi của giới công nghiệp. Trong khi đặt mục tiêu làm được những điều mà các cơ quan nghiên cứu khác ở Việt Nam chưa làm, như chia sẻ của TS. Kum Dongwha chia sẻ với KH&PT khi mới bắt đầu nhiệm kỳ Viện trưởng đầu tiên của VKIST, thì Viện lại phải xây dựng các cơ chế tài chính và cơ chế thu hút nhân lực trên những thông tư, nghị định sẵn có, vốn có nhiều ràng buộc. Chính nghị định riêng của VKIST đã quy định rõ: Viện cũng vận hành theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP và các quy định khác về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, Viện phải tuân thủ các quy định của một tổ chức công lập có sử dụng ngân sách nhà nước, và sẽ phải đi giữa hai cơ chế - cơ chế sử dụng một phần ngân sách nhà nước cho hoạt động thường xuyên trong 10 năm đầu và cơ chế sử dụng vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng bằng nguồn viện trợ.

Nguồn ảnh: VKIST

Chính vì thế, dù có lãnh đạo đầu tiên là viện trưởng của KIST sang trực tiếp thiết kế Viện trong giai đoạn đầu, theo khuôn mẫu của Viện KIST – tổ chức tiên phong trong việc thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ - là động lực chính trong sự vươn lên thần kỳ của Hàn Quốc nhưng VKIST không theo được mô hình tự chủ hoàn toàn, thậm chí có tiếng nói độc lập với các cơ quan quản lý ở Hàn Quốc trong việc đề xuất cơ chế sử dụng nguồn lực tài chính, đãi ngộ và thu hút nhà khoa học xuất sắc từ nước ngoài trở về.

Để tìm ra cơ chế đặc thù riêng cho Viện, Bộ KH&CN đã thành lập tổ công tác liên ngành gồm đại diện Bộ KH&CN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ cùng với VKIST cùng bàn bạc lựa giải pháp giữa hàng loạt thông tư, nghị định về cơ chế lương bổng, tổ chức nhân sự, tài chính, hành chính. Về phía hội đồng khoa học của Viện, hầu hết các cuộc họp, phần lớn đều có sự chủ trì của Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng Bộ KH&CN, cùng với các nhà khoa học đầu ngành ở Việt Nam, kể từ 2019, đều cũng xoay quanh việc tìm cách hài hòa các thông lệ trong quản lý khoa học quốc tế với các quy định ở Việt Nam.

Về tuyển dụng, yếu tố cốt lõi quyết định tới việc VKIST có nguồn nhân lực tốt nhất để theo đuổi sứ mệnh như kỳ vọng, lại vướng ở khâu lương bổng. Về thủ tục hành chính và tài chính, khi tham gia thực hiện các đề tài, nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ và cấp Nhà nước, cũng giống như các tổ chức nghiên cứu ở Việt Nam, VKIST đều phải tuân thủ những quy định thông thường, việc xây dựng các nhiệm vụ của ngành khoa học dựa trên Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước hoặc Thông tư liên tịch 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước cũng như hàng loạt các thông tư nghị định về thủ tục hành chính, tài chính khác. Như vậy, so với kỳ vọng ban đầu về một mô hình mới, thì VKIST chưa thực sự đổi mới được nhiều về cơ chế tài chính và hành chính. Chính vì thế, điều mà các cán bộ khoa học của VKIST vẫn đang kỳ vọng là một “môi trường thực sự thân thiện cho nghiên cứu khoa học”, và “đây là việc khó, không phải có thể làm được ngay lập tức”, như PGS.TS Phương Thiện Thương, Phó Viện trưởng VKIST nhấn mạnh trong phiên họp Tổng kết Dự án “Hợp tác xây dựng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc tại Việt Nam” ngày 23/12 vừa qua và nhiều lần trong các phiên họp trước đây của VKIST.

“Vận dụng” những quy định đó, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, học cách làm của các trường Đại học Việt Đức hay trường Đại học KH&CN Hà Nội về lương gồm “phần cứng” là được tính hai lần lương và “phần mềm” do lãnh đạo được quyền quyết định chi tăng thêm, VKIST cũng đã nỗ lực tuyển dụng hơn 70 thành viên, trong đó có nhiều nghiên cứu viên, chuyên viên giỏi. Bằng nguồn vốn viện trợ, đến hết năm 2022, Viện xây dựng được 5 phòng nghiên cứu thuộc các lĩnh vực công nghệ sinh học, cơ điện tử, công nghệ thông tin và công nghệ tích hợp, Công nghệ Năng lượng và Môi trường. Các hoạt động nghiên cứu của VKIST cũng được KIST “đỡ đầu”, thông qua các chương trình đào tạo cả ngắn hạn và trung hạn cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý khoa học, hành chính, các đề tài nghiên cứu hợp tác chung giữa VKIST và KIST cũng như sử dụng hệ thống phòng thí nghiệm tại viện KIST… Viện cũng bước đầu thực hiện được các nghiên cứu hữu dụng cho khối công nghiệp như nghiên cứu hoạt chất có tác dụng tăng lực trong đinh lăng, chống viêm khớp trong cây hy thiêm, và các chất chống oxy hóa trong quả gấc, hệ thống lọc nước phèn, mặn… Các kết quả này đã đều đã được thử nghiệm, ứng dụng hoặc chuyển giao cho một số doanh nghiệp như Traphaco, Công ty CP Dược liệu TW 28, Tập đoàn Sơn Hà… Ngoài ra, một số kết quả nghiên cứu về động cơ điện, robot tự hành, công nghệ nhận diện khuôn mặt,… đã được thử nghiệm trong thực tế.

Giai đoạn tới: Những khó khăn trong sử dụng vốn ngân sách nhà nước

Hoàn thiện cơ sở vật chất và có bộ máy hoàn chỉnh là tiền để để VKIST bước vào giai đoạn hai, trong 5 năm tới, như PGS.TS Phương Thiện Thương cho biết là sẽ hoàn thiện tổ chức và tạo dựng được môi trường thân thiện với nghiên cứu khoa học, xây dựng một viện nghiên cứu công nghệ dẫn đầu trong khu vực… Cụ thể, Viện đặt mục tiêu có 10 bằng độc quyền sở hữu trí tuệ, có một sản phẩm công nghệ đóng góp vào việc phát triển sản phẩm chủ lực của quốc gia, có năm công nghệ được chuyển giao thành công, đưa vào sản xuất công nghiệp và có sản phẩm trên thị trường. “Đó là những việc mà Viện phải làm để tạo dựng uy tín của Viện trong giai đoạn tới”, PGS.TS Phương Thiện Thương nói.

Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm của nhà quản lý đề xuất xây dựng mô hình VKIST và chứng kiến quãng thời gian xây dựng Viện, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đưa ra lời khuyên cho VKIST là vẫn cần lưu ý “chúng ta không chỉ là viện mới, lực lượng chưa mạnh, mà còn là viện công lập” nên “phải rất hài hòa để có hướng đi đúng nhất”. Lưu ý này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tới đây VKIST sẽ không còn nguồn tài chính song phương nữa mà “phải đứng trên đôi chân tài chính của mình. Kể cả Bộ có ưu ái VKIST đi nữa thì chắc cũng không thể có chế độ lương bổng riêng hay đãi ngộ riêng được”. Những gì VKIST đã nếm trải trong giai đoạn đầu, liên quan đến cơ chế tuyển dụng biên chế, trả lương, bổ nhiệm lãnh đạo… cho tới tài chính vẫn còn tồn tại nhưng đến giai đoạn hai, khi có kết quả ứng dụng và chuyển giao công nghệ VKIST sẽ thêm những khó khăn khác.

“Đơn giản nhất, khi Viện thực hiện các nhiệm vụ khoa học sử dụng ngân sách nhà nước, thông qua các chương trình cấp nhà nước, cấp bộ thì vô cùng khó chuyển giao cho doanh nghiệp. Các nhà khoa học đều thấu hiểu điều này, vì quyền sở hữu kết quả nghiên cứu ấy là của nhà nước không phải của nhà khoa học. Cơ chế giao quyền sở hữu cho người làm ra sản phẩm khoa học ấy cho đến nay gần như không thực hiện được. Chưa có quyền sở hữu thì làm sao bán cho doanh nghiệp, chuyển giao, hoặc sử dụng để góp vốn vào doanh nghiệp? hoặc sử dụng kết quả đó thành lập công ty khởi nguồn từ nghiên cứu khoa học (spin off). Đó là chưa kể, đã là tài sản nhà nước là tài sản công, cần định giá, ai sẽ định giá tài sản trí tuệ mà chúng ta nghiên cứu”, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân giải thích. Năm 2022, Bộ KH&CN đã sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, đem lại bước ngoặt lớn khi trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì trực tiếp tại Luật (và trở thành chủ sở hữu khi các đối tượng này được cấp văn bằng bảo hộ); đồng thời bổ sung các quy định để Nhà nước vẫn kiểm soát để đảm bảo việc khai thác có hiệu quả và đảm bảo cân bằng lợi ích giữa tổ chức chủ trì và lợi ích của nhà nước với tư cách là “chủ đầu tư” và lợi ích xã hội. Nhưng trên thực tế, để thực sự dỡ bỏ được nút thắt này trong thực tiễn, các nhà nghiên cứu còn phải tiếp tục … chờ sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan của một loạt đạo luật khác gồm Luật Giá, Luật Hải quan, Luật KH&CN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và cả pháp luật hình sự, pháp luật công chức, viên chức, pháp luật lao động.

Chính vì thế, VKIST vẫn cần sử dụng mọi kênh tài chính để có nguồn lực hoạt động trong đó có ngân sách nhà nước đầu tư cho các phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất và một phần cho chi thường xuyên. Nhưng dòng kinh phí chi cho các nhiệm vụ nghiên cứu của Viện nên là các nghiên cứu theo hợp đồng xuất phát từ khối doanh nghiệp để tránh những rắc rối trong định giá công nghệ, giao quyền sở hữu tài sản trí tuệ. Những đề tài nào có tính khả thi, có thể ứng dụng sớm thì có thể dùng tiền ngân sách để tránh các rủi ro phát sinh khi không thể định giá hoặc xác định tỉ lệ sở hữu giữa nhà nước, cơ quan chủ trì và với doanh nghiệp.

Dù hiểu được “nền sản xuất công nghiệp hiện nay đang cần rất nhiều sản phẩm công nghệ mới”, nhưng lường trước được những khó khăn về cơ chế trong giai đoạn tới nên nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân chỉ đưa ra lời khuyên với Viện là “năng lực và dòng vốn của chúng ta có giới hạn, nên chúng ta mở từ từ những lĩnh vực mới, làm sao tuyển được những người tốt nhất đứng đầu các phòng thí nghiệm, các nhóm nghiên cứu mạnh. Không cần quá nhiều sản phẩm nhưng ít nhất tập trung và làm bằng được vài sản phẩm công nghệ chủ lực để đưa ra thị trường”.

Nguồn kinh phí chi cho các nhiệm vụ nghiên cứu của Viện nên là các nghiên cứu theo hợp đồng xuất phát từ khối doanh nghiệp để tránh những rắc rối trong định giá công nghệ, giao quyền sở hữu tài sản trí tuệ.