Khảo sát của Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TPHCM cho thấy, tỷ lệ thịt và các sản phẩm từ thịt ở chợ truyền thống của thành phố nhiễm vi khuẩn Salmonella spp. lên đến gần 35%.
Cụ thể, từ tháng 9/2019 – 12/2020, nhóm nghiên cứu đã thu thập ngẫu nhiên 2.940 mẫu thực phẩm (tươi sống và đã qua chế biến) ở 48 chợ truyền thống (2.680 mẫu) và 5 siêu thị (260 mẫu) trên địa bàn TPHCM.
Thực hiện quy trình phân tích định tính các chỉ tiêu vi sinh bằng kỹ thuật PCR, nhóm nghiên cứu ghi nhận nhóm mẫu thịt và sản phẩm từ thịt chiếm tỷ lệ nhiễm cao nhất, đến 34,93% (234/670 mẫu) tại chợ và 15,38% (10/65 mẫu) tại siêu thị.
Tiếp theo là nhóm mẫu thủy hải sản và sản phẩm từ thủy hải sản, tỷ lệ là 18,06% (121/670 mẫu) tại chợ và 6,15% (4/65 mẫu) tại siêu thị.
Nhóm mẫu rau củ quả chiếm tỷ lệ thấp nhất với 0,15% (1/670 mẫu) nhưng chỉ phát hiện ở mẫu lấy tại chợ.
Chưa ghi nhận trường hợp nào có nhiễm Salmonella spp. đối với nhóm trứng và sản phẩm từ trứng.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng thử nghiệm khả năng nhạy với kháng sinh của 150 chủng Salmonella spp. được phân lập từ mẫu thực phẩm với 11 loại kháng sinh. Kết quả, khả năng kháng của Salmonella spp. chỉ với 1 loại kháng sinh là 11,33%; 3 đến 6 loại là 30,67%; và 7 đến 11 loại là 14%. Tỷ lệ Salmonella spp. đa kháng là 44,67%.
Salmonella spp. là nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm, với hàng trăm ngàn trường hợp tử vong mỗi năm trên toàn cầu. Việc phân lập vi khuẩn gây bệnh từ các mẫu thực phẩm, đánh giá tình trạng nhiễm khuẩn và xác định khả năng kháng thuốc của chúng sẽ góp phần giúp các cơ quan quản lý nhà nước có những định hướng lâu dài trong việc sử dụng kháng sinh cho ngành chăn nuôi.
Để giảm thiểu tình trạng nhiễm vi sinh vật chỉ thị tại các chợ truyền thống, ThS. Trương Huỳnh Anh Vũ, chủ nhiệm đề tài “Khảo sát mức độ nhiễm vi sinh vật và đánh giá khả năng kháng kháng sinh của Salmonella spp. trong thực phẩm tại khu vực TPHCM” của Trung tâm, cho rằng, cần có các giải pháp đồng bộ như đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, chú ý việc sửa chữa, bảo trì, nâng cấp các công trình hạ tầng trong chợ thường xuyên, như: sạp thực phẩm tươi sống được thay thế bằng các vật liệu dễ vệ sinh, khử khuẩn. Mặt hàng rau củ quả phải được bày bán trên kệ khô ráo, cao hơn so với mặt đất. Các gian hàng được trưng bày tập trung theo khu vực, hệ thống cống thoát nước thải đầy đủ, có nắp đậy, bảo đảm vệ sinh, không gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, do phần lớn người tiêu dùng thích thịt, trứng, thủy hải sản, rau củ quả tươi hơn thực phẩm đông lạnh nên cần tập trung xác định các giải pháp kỹ thuật và các quy trình quản lý tương ứng để đảm bảo kiểm nghiệm hiệu quả và nhanh đối với các sản phẩm tươi. Đồng thời, khuyến khích phát triển các mô hình kinh doanh với các chuỗi giá trị hiệu quả và sạch để cung cấp nhanh chóng các sản phẩm tươi tới người tiêu dùng và giảm thiểu các nguy cơ an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh nghiên cứu triển khai các phương pháp phân tích nhanh tại chỗ có độ nhạy, chính xác cao để phát hiện kịp thời các chất cấm, độc tố, tồn dư kháng sinh và vi sinh vật chỉ thị.
Đề tài đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu trong năm nay.