Giới nghiên cứu Pháp lo ngại rằng các chính sách chống nhập cư và chống Liên minh châu Âu của Le Pen, đối thủ của ông Macron trong cuộc bầu cử tổng thống mới đây, sẽ làm tổn hại đến hoạt động nghiên cứu và hợp tác quốc tế.

Hôm 24/4, ông Emmanuel Macron tái đắc cử Tổng thống Pháp và bước vào nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai, với số phiếu 58,5% - so với đối thủ Le Pen giành 41,5%. Nhìn chung, ông Macron là ứng viên được giới nghiên cứu yêu thích hơn, nhưng một số ý kiến cho rằng vẫn chưa rõ nhiệm kỳ thứ hai của ông sẽ mang lại lợi ích như thế nào cho nền khoa học Pháp vì vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng trong các chính sách của Macron đối với nghiên cứu.

“Các nhà nghiên cứu Pháp gần như nhất trí phản đối Le Pen, nhưng họ cũng lo lắng về những gì Macron sẽ làm cho nghiên cứu và giáo dục đại học trong 5 năm tới,” Patrick Lemaire, nhà sinh vật học tại Đại học Montpellie, Pháp và là chủ tịch của một liên minh gồm 69 hiệp hội nghiên cứu của Pháp, cho biết. “Tầm nhìn của Macron ngắn hạn và thực dụng - tập trung vào kinh doanh hơn là kiến ​​thức."

Lemaire đặc biệt lo lắng về sự thiếu chính xác của ông Macron trong các kế hoạch khoa học. “Trong cuộc tranh luận trực tiếp với Le Pen, Macron đưa ra một loạt số liệu về nhiều vấn đề, nhưng về khoa học, các chính sách của ông ấy vẫn còn rất mơ hồ," Lamaire nói. "Đối với Macron, cải thiện sức hấp dẫn của các nghề nghiệp học thuật chỉ có nghĩa là tăng lương. Macron chưa bao giờ đề cấp đến giải quyết tình trạng thiếu các vị trí học thuật tại các trường đại học và tổ chức nghiên cứu, vốn là một rào cản lớn đối với các nhà khoa học trẻ.”

Tổng thống Emmanuel Macron vừa tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai.

Khoa học hầu như không được đề cập trong chiến dịch bầu cử. Nhưng chủ đề sinh thái đã được đề cập trong một bài phát biểu của Macron tại Marseilles vào ngày 16/4. Cụ thể, ông cho biết sẽ giao trách nhiệm cho thủ tướng về quy hoạch sinh thái, với sự hỗ trợ của bộ trưởng năng lượng và bộ trưởng về các vấn đề sinh thái. Macron nói rằng Pháp sẽ là quốc gia lớn đầu tiên ngừng sử dụng khí đốt, dầu mỏ và than đá; trong bài phát biểu chiến thắng, Macron nhắc lại rằng mục đích của ông là đưa Pháp trở thành “một quốc gia sinh thái lớn”.

Cédric Villani, người nhận Huy chương Fields về Toán học năm 2010, một nghị sĩ độc lập, và là chủ tịch sắp mãn nhiệm của một ủy ban khoa học và công nghệ ở Pháp, cho biết, ông và các đồng nghiệp hoài nghi "những lời hứa lớn" của Macron trong việc giảm phát thải khí nhà kính và giải quyết các vấn đề sinh thái khác. Theo Villani, trong nhiệm kỳ 5 năm qua Macron đã giành được sự ủng hộ của công chúng vì đưa ra các biện pháp môi trường triệt để, nhưng việc triển khai thực tế các biện pháp không được rốt ráo. Ở Pháp đang có một sự mất niềm tin vào khoa học, và cần xem xét lại mối quan hệ giữa học thuật và xã hội, theo Lemaire.

Viện Hàn lâm Khoa học Pháp tại Paris cho biết trong một tuyên bố vào ngày 25/3 rằng tình trạng suy thoái của khoa học Pháp trong 15 năm qua là đáng báo động. Tổ chức này đưa ra 23 khuyến nghị để đảo ngược tình hình, bao gồm tăng chi tiêu cho nghiên cứu công và tư lên 3% tổng sản phẩm quốc nội.

Nguồn: