Các mẫu vật khai quật được ở các nước thu nhập thấp và trung bình nhiều khi bị thu thập và đưa sang các nước giàu, gây thiệt hại về kiến ​​thức và di sản.

Tháng 12/2020, một bài báo trên tạp chí Cretaceous Research (Nghiên cứu kỷ Phấn trắng) đã gây tiếng vang khi mô tả một loài khủng long chưa từng được biết đến trước đây, dựa trên hóa thạch 110 triệu năm tuổi ở Brazil. Đây là loài khủng long đầu tiên được tìm thấy ở Nam bán cầu và có thể là tiền thân của các loài lông vũ hiện đại, được các tác giả đặt tên là Ubirajara joyatus. Đáng nói là, hóa thạch được thu thập ở Brazil từ nhiều thập kỷ trước, nhưng chưa có nhà cổ sinh vật học Brazil nào nghe nói về nó. Các tác giả của bài báo đến từ Đức, Mexico và Vương quốc Anh.

Theo một số nhà nghiên cứu, đây là ví dụ mới nhất về chủ nghĩa thực dân cổ sinh vật học: Các nhà khoa học từ các quốc gia giàu có khai thác mẫu vật từ các nước thu nhập thấp và trung bình, mà không có các nhà nghiên cứu địa phương tham gia, sau đó chuyển hóa thạch ra nước ngoài. Đôi khi việc làm này có thể là bất hợp pháp. Ví dụ, theo luật pháp Brazil, hóa thạch thuộc về sở hữu nhà nước, mặc dù các tác giả của bài báo mô tả Ubirajara nói rằng họ đã có giấy phép xuất khẩu mẫu vật.

Cùng với việc mẫu vật hóa thạch chảy ra nước ngoài, các quốc gia thu nhập thấp và trung bình bị tước đi một phần kiến thức và di sản. “Các hóa thạch có giá trị đặc biệt đối với chúng tôi. Chúng tôi có văn học, nghệ thuật và thủ công, và âm nhạc dựa trên chúng," Allysson Pinheiro, giám đốc của Bảo tàng Cổ sinh vật học Plácido Cidade Nuvens, Brazil, gần nơi tìm thấy mẫu hóa thạch Ubirajara, cho biết. Phần lớn các sự cố thất thoát hóa thạch trước đây rơi vào quên lãng, nhưng mẫu hóa thạch Ubirajara đã kéo theo một cuộc cách mạng trong lĩnh vực khảo cổ. Sự việc Ubirajara là “giọt nước tràn ly”, theo Juliana Sterli, chủ tịch Hiệp hội Cổ sinh vật học Argentina.

Một nhà cổ sinh vật học kiểm tra hóa thạch khủng long từ kỷ Trias (khoảng 250 triệu đến 200 triệu năm trước) ở Brazil.

Thông qua phong trào #UbirajaraBelongstoBR (Ubirajara thuộc về Brazil) trên Twitter, các nhà nghiên cứu Brazil đã phản đối bài báo mô tả Ubirajara. Kết quả, bài báo đã bị thu hồi; mẫu hóa thạch Ubirajara hiện đang đặt tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Nhà nước Karlsruhe, Đức, và nhà chức trách Đức cho biết đang đàm phán để gửi mẫu vật trở lại Brazil.

Sự việc Ubirajara cũng khiến các nhà cổ sinh vật học và các hiệp hội cổ sinh vật học trên khắp châu Mỹ Latinh, Mông Cổ và một số quốc gia khác hợp lực để chấm dứt việc thực dân hóa ngành khảo cổ. Ngày càng có nhiều bài báo khảo sát mức độ ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân cổ sinh vật học ở Mỹ Latinh và các nơi khác. Ví dụ, tháng 3/2022, một nghiên cứu thống kê gần 200 bài báo công bố trong khoảng 1990 - 2021 mô tả các mẫu vật từ Mexico và Brazil cho thấy, hơn một nửa trong số đó không có sự tham gia của các nhà nghiên cứu địa phương. Và trong số các hóa thạch Brazil đã được mô tả, 88% đang được lưu trữ bên ngoài Brazil.

Hóa thạch Ubirajara gây nhiều tranh cãi trong giới cổ sinh vật học và cả công chúng nói chung.

Các hiệp hội cổ sinh vật học của Argentina, Brazil, Chile và Mexico có kế hoạch gửi một lá thư đến một tạp chí khoa học, mô tả các hoạt động thực dân hóa đang ảnh hưởng như thế nào đến cổ sinh vật học. “Một trong những mục tiêu của chúng tôi là nâng cao nhận thức về trách nhiệm của các tạp chí có bình duyệt trong việc chống lại các thực hành thuộc địa hóa," Hermínio de Araújo Júnior, chủ tịch Hiệp hội Cổ sinh vật học Brazil, cho biết.

Nghiên cứu của nhóm Cisneros cũng phát hiện, không có bài báo nào trong số được thống kê nói rõ rằng có giấy phép đưa hóa thạch ra nước ngoài. “Một bước tiến lớn là yêu cầu bài báo phải có giấy phép thích hợp liên quan đến mẫu vật để được xuất bản," Karen Moreno Fuentealba, chủ tịch Hiệp hội Cổ sinh vật học Chile, cho biết.

PLoS ONE là một trong những tạp chí đầu tiên có một bộ hướng dẫn đạo đức rất chặt chẽ, đòi hỏi bài báo phải có giấy phép thu thập và xuất khẩu mẫu vật. Một số tạp chí, chẳng hạn như Palaeontology, có chính sách yêu cầu các học giả tôn trọng luật pháp địa phương trong quá trình thu thập và xuất khẩu mẫu; Nature cũng có chính sách tương tự.

Các nhà cổ sinh vật học ở Mexico bảo tồn các bộ xương voi ma mút được tìm thấy trong một cuộc khai quật vào năm 2020.

“Tôi thực sự hào hứng với toàn bộ phong trào này, đặc biệt là ở Brazil," Bolortsetseg Minjin, người sáng lập và giám đốc của Viện Nghiên cứu về Khủng long Mông Cổ ở TP New York, cho biết. Minjin đã giúp hồi hương các hóa thạch khủng long bị lấy đi bất hợp pháp từ Mông Cổ, và nhận thấy sự tương đồng giữa nỗ lực của mình và chiến dịch hồi hương khủng long Ubirajara. Minjin là một trong những người cho rằng các hóa thạch cần trở về nơi xuất xứ của chúng. “Với Mông Cổ, nhiều hóa thạch đã ở ngoài nước trong 100 năm qua. Và bây giờ chúng tôi đang đối mặt với một vấn đề: làm thế nào để đào tạo thế hệ nhà khoa học tiếp theo, khi trẻ em lớn lên không coi hóa thạch là một phần di sản của mình và không được tiếp xúc với các kiến thức khiến chúng phấn khích," Minjin nói.

Nguồn: