Tên lửa hành trình Tomahawk lần đầu tiên được Mỹ sử dụng khi tiến hành chiến dịch Bão táp Sa mạc (Desert Storm) trong cuộc Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Loại tên lửa này là sự lựa chọn phổ biến của Mỹ để giải quyết nhiều cuộc xung đột thời hiện đại, Thomas Karako, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington D.C (Mỹ), cho biết. Gần đây nhất, Mỹ, Anh và Pháp phóng 105 tên lửa vào Syria vào ngày 14/4, trong đó có 66 tên lửa Tomahawk của Mỹ, sau khi họ cáo buộc chính quyền Syria tấn công vũ khí hóa học khiến hàng chục dân thường thiệt mạng tại Douma.
Tầm xa và khả năng triển khai nhanh
Tên lửa Tomahawk dài khoảng 5,6 m. Nó có thể mang đầu đạn nặng 450 kg hoặc 166 quả bom nhỏ giống như lựu đạn. Ban đầu tên lửa được phóng đi bởi động cơ phản lực. Khi tên lửa đang bay, đôi cánh sẽ mở ra, giúp nó đạt vận tốc tối đa 880 km/h. Công ty Raytheon, nhà sản xuất tên lửa Tomahawk, hiện đang phát triển một phiên bản cải tiến của tên lửa Tomahawk có các giao tiếp vệ tinh hai chiều với các vật thể trên mặt đất, chẳng hạn như xe tăng và tàu chiến, cũng như hệ thống định vị mạnh mẽ, tinh vi hơn. Năm 2016, Hải quân Mỹ đã mua 214 tên lửa Tomahawk, mỗi tên lửa có giá 1,09 triệu USD, Mark Johnson, giám đốc chương trình tên lửa Tomahawk, cho biết.
Tên lửa hành trình Tomahawk. Nguồn: Wikipedia
Ưu điểm chính của tên lửa Tomahawk là phạm vi hoạt động của chúng. Tên lửa có khả năng di chuyển quãng đường 2.500 km, với sai số đánh trúng mục tiêu nhỏ hơn 3 m. Tên lửa được phóng từ máy bay, tàu khu trục hoặc tàu ngầm, theo lực lượng Hải quân Mỹ.
“Mặc dù tên lửa hành trình Tomahawk không bay nhanh bằng một số loại tên lửa khác nhưng lại có tầm bắn rất xa. Nó có thể được dùng để bảo vệ không phận hoặc tấn công mục tiêu ở xa một cách tự động, thay vì phi công phải lái máy bay ném bom vào chỗ nguy hiểm”, Karako nói.
Tên lửa hành trình Tomahawk có thể được triển khai rất nhanh chóng, Chris Harmer, một nhà nghiên cứu cấp cao tại tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Mỹ), cho biết. “Người chỉ huy gửi một Email tới các tàu chiến để yêu cầu tấn công một số mục tiêu quân sự cụ thể. Người phóng chỉ cần nhấn nút và tên lửa sẽ bay đi. Đối với máy bay có người lái, quá trình lên kế hoạch lâu hơn nhiều”, Harmer nói.
Khả năng điều hướng tinh vi
Mỗi tên lửa hành trình Tomahawk đều có 4 hệ thống khác nhau giúp chúng tiếp cận mục tiêu, bao gồm hệ thống dẫn đường quán tính (IGS), hệ thống định vị toàn cầu (GPS), hệ thống định dạng mặt đất (TERCOM) và hệ thống đối chiếu khung cảnh địa hình kỹ thuật số (DSMAC).
IGS là một hệ thống tăng tốc tiêu chuẩn, gần như có thể theo dõi vị trí của tên lửa dựa trên gia tốc chuyển động của nó. TERCOM giúp tên lửa nhận biết địa hình đang bay qua nhờ hệ thống radar kết hợp với bản đồ địa hình 3D được lưu trữ trong bộ nhớ. Hệ thống GPS sử dụng mạng lưới vệ tinh GPS của quân đội Mỹ và một máy thu GPS trên tên lửa để phát hiện vị trí của nó với độ chính xác rất cao.
Hình ảnh bom bay V1 (flying bomb) của Đức Quốc xã trong Chiến tranh Thế giới II.
Ảnh: Pinterest
Hệ thống đối chiếu khung cảnh địa hình kỹ thuật số (DSMAC) chụp ảnh thực tế mặt đất khi tên lửa đang bay về phía mục tiêu, sau đó kết hợp với dữ liệu hình ảnh nạp sẵn trước chuyến bay để chọn vị trí va chạm chính xác hơn, theo Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) - đơn vị giúp thiết kế hệ thống DSMAC cho tên lửa. Hệ thống DSMAC đặc biệt hữu ích nếu mục tiêu đang di chuyển. Ngoài ra, tên lửa hành trình cũng được trang bị dụng cụ quan sát hình ảnh nhiệt hoặc cảm biến chiếu sáng giống như bom thông minh.
“Tên lửa hành trình Tomahawk cập nhật liên tục vị trí của chúng theo thời gian thực. Nếu địa hình bị biến đổi hoặc nhiệm vụ bị hủy, người giám sát tên lửa có thể chuyển hướng nó bằng một lệnh đơn giản”, Harmer cho biết. Trong quá khứ, việc lập bản đồ địa hình được thực hiện bằng máy bay trong một nhiệm vụ trinh sát trước đó một tuần, và quân đội chỉ có thể hy vọng địa hình không có gì thay đổi. Ngày nay, bởi vì máy bay không người lái và vệ tinh có mặt ở khắp mọi nơi. “Chúng cập nhật dữ liệu trực tiếp cho tên lửa hành trình Tomahawk cho đến khi bắn trúng mục tiêu”, Harmer nói.
Khả năng điều hướng chính xác cho phép tên lửa hành trình Tomahawk bay ở độ cao thấp so với mặt đất. Điều này nghĩa là tên lửa có thể bay gần hơn tới các mục tiêu tấn công mà không bị radar đối phương phát hiện.
Theo Hải quân Mỹ, quỹ đạo của tên lửa có thể không đi theo đường thẳng, do đó chúng có khả năng né tránh các khu vực nguy hiểm trên đường bay tới mục tiêu. “Nhiều tên lửa hành trình Tomahawk có thể được phóng ra từ các địa điểm khác nhau và tất cả chúng đều lao vào mục tiêu cùng lúc”, Karako nói.
Khả năng bị đánh chặn
S-400 là một trong những hệ thống phòng không hàng đầu thế giới hiện nay của Nga. Hệ thống này bao gồm radar phức tạp và mạng lưới kiểm soát, cho phép tấn công đồng thời nhiều máy bay đối phương cùng lúc ở khoảng cách 400 km.
Tên lửa đánh chặn của hệ thống S-400 chủ yếu là loại 9M96, rất phù hợp để ngăn chặn tên lửa hành trình. Xác xuất đánh trúng mục tiêu của tên lửa này là khoảng 70%. Như vậy, để nâng cao tỷ lệ thành công, tổ hợp S-400 sẽ phải phóng hai quả tên lửa đánh chặn 9M96 để đổi lấy một quả tên lửa Tomahawk của Mỹ. Nhưng phía Mỹ hoàn toàn có thể xuyên thủng S-400, bằng cách phóng loạt Tomahawk với số lượng lớn.
“S-400 hoàn toàn đủ sức đánh chặn các tên lửa đơn độc. Nhưng đối phương rất dễ vô hiệu hóa năng lực đánh chặn của hệ thống này, bằng cách tăng số lượng tên lửa cần thiết”, chuyên gia Justin Bronk đến từ Viện Royal United Services (RUSI) nhận định.