Trong cuốn sách mới nhất của mình, Kevin Kelly, đồng sáng lập của tạp chí công nghệ Wired, vạch ra 12 siêu xu hướng sẽ mãi mãi thay đổi cách xã hội vận hành.

Theo ông, đây là những xu hướng “không thể tránh khỏi” bởi chúng bắt nguồn sâu xa từ bản chất của công nghệ, chứ không phải bản chất của xã hội.

Tác giả Kevin Kelly (1952). Ảnh: Wired

Tương lai trong 30 năm tới sẽ như thế nào? Dựa vào dự đoán của các nhà “tương lai học” mà người ta có thể tạm phân họ làm 2 phe.

Phe bi quan cho rằng nó sẽ là một cái gì đó rất đen tối khi robot cướp hết việc làm của tầng lớp người “vô dụng” mới, khi Internet làm các công dân mạng trở nên “ngu dốt” hơn hay khi sự phát triển của Trí thông minh Nhân tạo (AI) cấp độ cao sẽ đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của nhân loại.

Phe lạc quan, và một trong số những đại diện là Kevin Kelly, có góc nhìn hoàn toàn khác. Là đồng sáng lập của tạp chí Wired nổi tiếng, và một trong những nhà tư tưởng thầm lặng giúp định hình thế giới công nghệ hiện đại, Kelly đã viết cuốn sách “The Inevitable: Làm chủ công nghệ làm chủ tương lai” (2016) như một tuyên ngôn cho rằng tương lai không đáng sợ như chúng ta nghĩ.

Ông viết, “Phản ứng đầu tiên khi chúng ta phải đối mặt với sự nổi dậy mạnh mẽ của công nghệ trong thế giới số là chống cự. Để dừng nó lại, ngăn cấm nó, phủ nhận nó, hoặc ít nhất là khiến nó thật khó sử dụng... Ý định của tôi trong cuốn sách này là khám phá những gốc rễ trong sự thay đổi số để chúng ta có thể chấp nhận chúng. Một khi nhìn theo hướng này, chúng ta có thể làm việc cùng với nó, thay vì đấu tranh chống lại nó.”

Và quan trọng hơn, ông còn vạch ra 12 làn sóng thay đổi sẽ đến và càn quét mọi ngõ ngách của xã hội trong 30 năm tới và nhiệm vụ của chúng ta là bắt đầu tập làm quen dần với chúng ngay từ hôm nay.

12 chương của cuốn sách là 12 động từ mà tác giả gọi là “những siêu xu hướng‘ không thể tránh khỏi’ bởi chúng bắt nguồn sâu xa từ bản chất công nghệ, chứ không phải bản chất của xã hội.”

Kelly chỉ ra 12 định luật mới của công nghệ sẽ mãi mãi thay đổi cách xã hội vận hành, bao gồm một số thay đổi tiêu biểu như:

Số 1: Trở thành (Becoming): Thay vì mua một sản phẩm và dùng nó mãi mãi, mọi thứ sẽ luôn ở trạng thái chuẩn bị nâng cấp. Đứng im đồng nghĩa với cái chết, “những thứ chúng ta làm sẽ liên tục và không ngừng trở thành một thứ khác”.

Số 2: Nhận thức hóa (Cognifying): Biến mọi thứ trở nên thông minh hơn nhờ tích hợp sâu AI, thuật toán và robot vào hệ thống. “Đây không phải là một cuộc đua với máy móc. Nếu chạy đua với nó, chúng ta sẽ thua. Đây là cuộc đua cùng máy móc. Trong tương lai, bạn sẽ được trả công dựa trên khả năng làm việc tốt đến đâu với robot.”

Số 3: Tiếp cận (Accessing): Sự thật là khách sạn lớn nhất thế giới Airbnb không sở hữu một căn hộ; công ty taxi lớn nhất thế giới Uber không có lấy một phương tiện; nhà bán lẻ lớn nhất thế giới Alibaba cũng không sản xuất một mặt hàng nào. “Sở hữu không còn quan trọng như trước đây. Tiếp cận mới là thứ quan trọng hơn bao giờ hết”. Trong tương lai, gần như mọi thứ bạn sở hữu, từ điện thoại, máy tính, nhà cửa, quần áo... sẽ được đi thuê. “Tiếp cận thay vì sở hữu giúp tôi linh hoạt và tươi mới, sẵn sàng cho bất cứ thứ gì xảy ra tiếp theo.”

Số 9: Tương tác (Interacting): “Tương lai của công nghệ phần lớn nằm ở sự khám phá ra những tương tác mới. Trong 30 năm tiếp theo, bất cứ thứ gì không có tính tương tác sâu và mạnh sẽ được coi như là thất bại. ” Thực tế ảo (VR) sẽ là một “Trái đất” mới, giúp con người ‘nhúng’ bản thân vào môi trường kỹ thuật số để tối đa trải nghiệm của người dùng.

Vậy phải chăng đến năm 2050, chúng ta sẽ được gắn chip Google vào trong đầu, mặc quần áo đi thuê, xe tự lái vận hành đầy đường, màn hình thông tin ngay trong nhà vệ sinh, tương tác được cả với một chiếc ghế đá, đi du lịch và yêu nhau trong thực tế ảo? Câu trả lời không phải là “có” hoặc “không”, mà là “chắc chắn có, nhưng sẽ muộn hay sớm bao lâu”, bởi đây là những xu hướng mà tác giả dùng để mô tả bằng ngay tựa đề cuốn sách của mình – “Không thể tránh khỏi”.

Xã hội loài người hay chính bạn đã sẵn sàng chưa không phải là câu hỏi quan trọng, quan trọng là “nó sẽ đến và chúng ta đã bắt đầu học cách làm chủ công nghệ, làm chủ tương lai chưa?”