Trong lịch sử, chưa có nhiều trường hợp trí tuệ nhân tạo (AI) “chơi xỏ” con người. Mới đây, một thí nghiệm “xào nấu” cốt truyện “Trò chơi vương quyền” để tạo nên “Hầm ngục và những con Rồng quái vật” cũng cho thấy AI vẫn chưa thể có khả năng sáng tạo thiên bẩm như người.
Dẫu vậy, một nghiên cứu mới của Đại học Tokyo – công bố trên arXiv, lại chỉ ra ngay cả các chuyên gia cũng khó phân biệt nổi những bài thơ – được đánh giá dở tệ – là do người hay AI biên soạn.
Dưới đây là ví dụ về hai bài thơ do AI viết:
‘’Mặt trời là một thứ đẹp đẽ
Nhô lên trong im lặng
Giữa những hàng cây
Chỉ trong khởi đầu của ánh sáng.”
“Tôi là chiếc xe tải chở than
Chạy bằng trái tim tan vỡ
Tôi không có âm thanh
Âm thanh của trái tim
Tôi không có.”
Để giúp AI tự “viết” được thơ riêng, các nhà khoa học đã xây dựng cho nó một mạng nơ-ron nhân tạo, phục vụ việc phân tích hàng ngàn bài thơ do người viết. Chưa hết, họ còn nhờ thêm nhiều tác giả khác viết để đối chiếu với các tác phẩm của AI. Và thật ngạc nhiên khi một nhóm 500 người (gồm có 30 chuyên gia) được hỏi phân biệt giữa thơ của AI với thơ do người viết, thì tỷ lệ trả lời sai là vượt trội.
Cấu trúc, ngôn từ và ngữ nghĩa của những bài thơ đã khiến cho cả người thường lẫn các chuyên gia phải bối rối, và mặc dù khả năng phân biệt chính xác của chuyên gia vẫn cao hơn. Cuộc thử nghiệm trên được thực hiện nhờ một công cụ khảo sát online tên là Mechanical Turk do Amazon phát triển, với những bài thơ đi kèm hình ảnh.
Các nhà nghiên cứu cho biết đây là một “thí nghiệm dạng Turing” để kiểm chứng xem liệu AI có khả năng đánh lừa, khiến con người lầm tưởng rằng chúng cũng là người. Mặc dù một số bài thơ do AI viết cũng không đến nỗi quá tệ, nhưng rõ ràng chúng chẳng hề có tính sáng tạo, chí ít là đối với thơ ca. Hoặc cũng có thể là do người cảm thụ, phân tích thơ quá tệ.