Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức. Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - thừa nhận, giáo dục phổ thông mặc dùđã đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng cũng bộc lộ những hạn chế: “Một bộ phận học sinh có biểu hiện hạn chế về đạo đức, lối sống, hạn chế trong năng lực hợp tác, sáng tạo”.
Theo ông Tạ Quang Sum - nguyên hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, Cam Ranh, Khánh Hòa - nguyên nhân của vấn đề này là: "Hiện nay thầy cô giáo dạy học hầu như chỉ cần nói đủ những gì đã viết trong sách giáo khoa, tuân thủ trình tự lên lớp. Tính sáng tạo và nghệ thuật dạy học chưa trở lên cấp thiết. Những tiết thao giảng, dự giờ diễn ra không thực chất, khó phản ánh được chất lượng của giáo viên, học sinh".
TS Lê Quang Minh - Trung tâm Đào tạo
quản lý tiên tiến, Viện Quản trị đại học, Đại học Quốc gia TPHCM - kể câu chuyện tuy xảy ra với một người gốc Hoa nhưng vẫn khiến chúng ta nghĩ đến thực trạng nền giáo dục Việt Nam hiện nay - vẫn nặng về thi cử, chưa phát huy được tính sáng tạo của học sinh.
Ông Minh kể: "Một người cha gốc Hoa đưa cậu con trai 9 tuổi đến một ngôi trường ở Mỹ và tỏ ra vô cùng lo lắng, không hiểu trường dạy dỗ kiểu gì khi học sinh tự do tùy ý thảo luận, vào giờ học cứ như đang chơi trò chơi… Khi ông ấy đem cho giáo viên ở Mỹ xem bài lớp 4 mà con ông đã học ở Trung Quốc, giáo viên bảo, đến lớp 6 con trai ông sẽ không phải học thêm môn toán nữa".
Để tăng tính sáng tạo của giáo viên trong dạy học nhằm phát huy sự sáng tạo của học sinh, TS Trần Thị Bích Liễu – khoa Quản
lý giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - đề xuất trao thêm quyền tự chủ cho các trường học, giáo viên trong việc
soạn bài; sách giáo khoa nên biên soạn theo dạng gợi ý các hoạt động dạy học… Các chuyên gia cũng nhấn mạnh vai trò của các phương pháp giáo dục STEM, STEAM, STREM mà một số trường đang áp dụng.